Nam Định: Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp 5 - 7 lần năm trước

Nam Định: Mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao gấp 5 - 7 lần năm trước

21:31 - 17/05/2024

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, sau đợt phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tập trung từ 30/4 - 4/5, mật độ sâu sau phun vẫn còn cao.

Giá tiêu bước vào chu kỳ tăng, giá tiêu ở Đắk Nông, Đắk Lắk 'nóng' lên từng ngày
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tổ chức triển khai phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tập trung từ ngày 30/4 - 4/5. Tuy nhiên, do mật độ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 rất cao (gấp 5 - 7 lần các năm trước), lứa sâu kéo dài và một số diện tích phun xong gặp mưa hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng hướng dẫn nên mật độ sâu sau phun vẫn còn cao (phổ biến 50 - 80 con/m2, nơi cao 200 - 300 con/m2). Vì vậy, các hộ cần phun trừ kịp thời để hạn chế thiệt hại do sâu cuốn lá nhỏ gây ra.

Cán bộ Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục BVTV) kiểm tra tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa xuân 2024 tại Nam Định. Ảnh: Trung Quân.

Cán bộ Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục BVTV) kiểm tra tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa xuân 2024 tại Nam Định. Ảnh: Trung Quân.

UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa vụ xuân 2024. Trong đó yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, đôn đốc các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra toàn bộ diện tích lúa đã phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 sau 5 ngày, nếu còn sâu sống sót trên 50 con/m2 cần phun trừ kịp thời. Đồng thời, kết hợp trừ rầy và bệnh đạo ôn cổ bông tập trung từ ngày 7 - 12/5; sử dụng các loại thuốc có hiệu lực cao và kéo dài như: Clever 150SC, Incipio® 200SC, August 350WG, Obaone 95WG, Sunset 300WG, Solo 350SC, Map Dona 265EC…

Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng chuyên môn, nhất là UBND cấp xã tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ sản xuất, không để xảy ra hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

 

Ngoài ra, kịp thời sửa chữa, bổ sung các bể chứa vỏ, bao bì thuốc BVTV; kiểm tra, hướng dẫn người dân thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV vào đúng nơi quy định, tuyệt đối không súc rửa bình sau phun thuốc BVTV ra kênh, mương gây ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Mật độ sâu cuốn lá nhỏ sau phun tập trung ở Nam Định vẫn còn cao, phổ biến 50 - 80 con/m2, nơi cao 200 - 300 con/m2. Ảnh: MH.

Mật độ sâu cuốn lá nhỏ sau phun tập trung ở Nam Định vẫn còn cao, phổ biến 50 - 80 con/m2, nơi cao 200 - 300 con/m2. Ảnh: MH.

UBND tỉnh Nam Định cũng yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh này chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố phân công cán bộ phụ trách điều tra, giám sát đồng ruộng, đôn đốc việc phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ và các đối tượng sâu, bệnh hại khác bảo đảm không để thiệt hại năng suất lúa do sâu bệnh gây ra từ nay đến cuối vụ sản xuất. Phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên tuyên truyền về diễn biến sâu bệnh và hướng dẫn biện pháp phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh.

Các công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi của tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các xã, thị trấn chủ động tạo nguồn, đảm bảo giữ đủ nước trong ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phun trừ sâu bệnh và lúa làm đòng, trỗ bông.