Nâng cao kiến thức cho nông dân tham gia trồng lúa giảm phát thải
19:24 - 31/05/2024
ĐỒNG THÁP Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải phục vụ mô hình thí điểm cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam
Trong 2 ngày 21 - 22/5 tại xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), Văn phòng Thường trực tại Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp - Quản lý Khai thác công trình thủy lợi - Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Trạm Khuyến nông huyện Tháp Mười và HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) tổ chức lớp tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải phục vụ xây dựng mô hình thí điểm thuộc Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL.
Tham gia lớp tập huấn, nông dân được bổ sung các kiến thức trong quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải, các lợi ích như giảm công lao động, giảm chi phí lúa giống, giảm lượng phân bón, gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ đó giúp người trồng lúa tăng thu nhập. Bên cạnh đó còn giúp nông dân hiểu về vấn đề bảo vệ môi trường, giảm phân thuốc hóa học, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi được giới thiệu quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp; vai trò của HTX trong tổ chức, sản xuất, liên kết tiêu thụ; các giải pháp khoa học công nghệ mới, quy trình MRV, một số ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác lúa.
Qua tập huấn lần này, đã có gần 45ha của 30 thành viên HTX đăng ký thực hiện mô hình điểm Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi đã thực hiện mô hình sản xuất lúa theo chuẩn SRP từ năm 2019, sản xuất theo quy trình “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng”, sản xuất an toàn sinh học, áp dụng mô hình tưới ngập khô - xen kẽ. Hiện tại, đã có 150ha lúa của thành viên HTX liên kết sản xuất với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính - một trong những công ty đủ điều kiện liên kết với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV). SVN là tổ chức triển khai chương trình tài trợ hành động ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng ở Việt Nam do Chính phủ Hà Lan tài trợ, giúp nông dân sản xuất lúa theo phương thức đảm bảo điều kiện đạt tín chỉ carbon từ vụ hè thu 2024.
Nông dân Hồ Phước Nghĩa ở ấp 5, xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười) là thành viên của HTX nông nghiệp Thắng Lợi đang canh tác lúa với diện tích 4,7ha. Ông Nghĩa rất phấn khởi khi được Ban Giám đốc HTX lựa chọn dự lớp tập huấn để nghe các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật và cách sạ lúa theo cụm kết hợp bón phân vùi. Đây là quy trình kỹ thuật mới chưa được áp dụng nhiều ở địa phương.
Theo ông Nghĩa, việc áp dụng phương thức sạ lúa theo cụm và bón phân vùi trong canh tác lúa sẽ giúp nông dân tiết kiệm lượng giống, nước và tránh thất thoát phân bón. Ngoài ra, điều ông quan tâm nhất là sản xuất theo quy trình của Đề án 1 triệu ha lúa giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp giảm chi phí trong sản xuất. Đặc biệt hạt gạo làm ra đạt độ an toàn, từ đó giúp đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì vậy sau buổi tập huấn, ông sẽ cùng các thành viên HTX thực hiện sản xuất theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với liên kết với doanh nghiệp để thuận đầu ra trong vụ lúa thu đông 2024 tới đây.
Ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho rằng, nông dân trong HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi đã thực hiện quy trình sản xuất lúa tiên tiến nên việc sản xuất theo quy trình lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ không quá khó khăn. Song song với chương trình tập huấn, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười đã có cuộc họp với lãnh đạo UBND xã Mỹ Đông để chỉ đạo địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực vào Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL.
Ông Ngô Văn Đây, nguyên Phó Văn phòng Thường trực tại Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết: Chương trình tập huấn lần này nhằm giúp các hộ nông dân, thành viên HTX, cán bộ khuyến nông địa phương, khuyến nông cộng đồng, cán bộ kỹ thuật địa phương áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp để triển khai thực hiện xây dựng các mô hình thí điểm thuộc Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại các địa phương đã đăng ký tham gia.
Nội dung lớp tập huấn chủ yếu tập trung vào các quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp; vai trò của HTX trong tổ chức, sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa chất lượng cao, phát thải thấp; tổ chức liên kết, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng ĐBSCL; giới thiệu các giải pháp công nghệ, quy trình MRV. Sau khóa tập huấn, các học viên sẽ đi tham quan, thực hành trên đồng ruộng.