Nắng nóng kéo dài, hồ chứa cũng trơ cả đáy, nông dân vùng Bảy Núi của An Giang oằn mình bảo vệ cây trái

Nắng nóng kéo dài, hồ chứa cũng trơ cả đáy, nông dân vùng Bảy Núi của An Giang oằn mình bảo vệ cây trái

13:43 - 05/05/2024

Hạn hán kéo dài, thời tiết vùng Bảy Núi, An Giang nắng nóng ngày càng gay gắt dẫn đến tình trạng thiếu nước, đất đai khô cằn, cây trái héo úa, chết dần. Hiện nông dân nơi đây đang oằn mình bảo vệ diện tích cây ăn trái.

Giá tiêu bước vào chu kỳ tăng, giá tiêu ở Đắk Nông, Đắk Lắk 'nóng' lên từng ngày
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil

Nông dân oằn mình bảo vệ cây trái

 

Vào những ngày cuối tháng 4, phóng viên Dân Việt có mặt tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Chưa tới 8 giờ sáng mà nắng đã chói chang, các hồ chứa nước ở chân Núi Dài, hồ Ô Tà Sóc, hồ Ô Thum và hồ Soài Chek... gần như đã cạn kiệt; những dòng suối trơ đáy lộ ra đá sỏi, cỏ dại lấn át. Không khí oi bức bao trùm lên những mảnh rẫy, vườn cây ăn trái, ruộng lúa, cây hoa màu của bà con nông dân nơi đây…

Nắng nóng kéo dài, hồ chứa cũng trơ cả đáy, nông dân vùng Bảy Núi của An Giang oằn mình bảo vệ cây trái- Ảnh 1.

Nước trong hồ Ô Tà Sóc cũng bị cạn nhiều vì nắng nóng. Ảnh: Hoàng Quân

Trên triền núi, nhiều khu vực trồng cây rừng đang bị khô hạn trơ trọi thành một màu vàng khô. Không chỉ hệ sinh thái rừng bị tàn phá bởi nắng hạn kéo dài, nhiều nhà vườn cũng đang gánh chịu thiệt hại khá nặng nề khi nhiều loại cây ăn trái không chịu nổi sức nóng ngày càng tăng.

Ông Út Lợi (ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) có hơn 5ha xoài các loại trên Núi Dài, cho biết, ông sống và canh tác ở Núi Dài được hơn 20 năm nhưng chưa từng thấy đợt nắng hạn nào như năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên ông chứng kiến và cảm nhận được sức nóng của ánh nắng mặt trời khi nhiệt độ có lúc gần 40 độ C.

Nắng nóng kéo dài, hồ chứa cũng trơ cả đáy, nông dân vùng Bảy Núi của An Giang oằn mình bảo vệ cây trái- Ảnh 2.

Ông Lơ xót xa nhìn vườn xoài của mình đã chết khô. Ảnh: Hoàng Quân

"Điều đáng buồn nhất là hạn hán kéo dài nhà vườn chúng tôi năm nay bị thiệt hại nặng nề. Nếu như những năm trước, mùa này tôi thu hoạch được 6-7 tấn xoài nhưng năm nay tôi mới bọc trái chưa đến 1.000 trái… Ngoài thất mùa, vườn tôi còn có hơn 20 cây xoài hơn 10 năm tuổi đang bị héo lá, chết khô vì nắng nóng, không kịp tưới nước…", ông Lợi buồn bã chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ với ông Lợi, anh Ba Phước, có 3ha xoài 5 - 10 năm tuổi trồng trên núi Dài, nói: "Xoài là loại cây chịu hạn khá cao nhưng mùa hạn năm nay vườn xoài của tôi cũng không chống chọi nổi với nắng hạn kéo dài. Vụ xoài năm nay tôi xử lý hoa vừa mới ra nụ chưa kịp nở hoa thì lại héo queo vì nắng quá gắt, không đậu trái".

Nắng nóng kéo dài, hồ chứa cũng trơ cả đáy, nông dân vùng Bảy Núi của An Giang oằn mình bảo vệ cây trái- Ảnh 3.

Anh Ba Phước đang kéo ống tưới cây dưới cái nắng chói chang. Ảnh: Hoàng Quân

Anh Ba Phước cho biết, vì làm vườn trên núi nên anh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống bơm nước từ hồ lên. Mỗi ngày anh Phước đều bơm nước từ dưới hồ lên trữ, rồi xả ra tưới nên trước mắt giữa được cây.

Với sức nóng gay gắt khu vực miền núi của huyện Tri Tôn, không chỉ người trồng xoài bị thiệt hại mà còn nhiều loại cây khác như bơ, sầu riêng, dâu… lần lượt rụng lá rồi đi đến khô, chết.

Trong khi đó, dưới chân núi tình trạng thiếu nước do nắng hạn kéo dài cũng ảnh hưởng lớn đến nông dân trồng màu dưới chân ruộng. Anh Chau Tên (ngụ ấp Tà Miệt, xã Lương Phi) thuê dưới mặt bằng ruộng 3 công đất để trồng màu.

 

Nắng nóng kéo dài, hồ chứa cũng trơ cả đáy, nông dân vùng Bảy Núi của An Giang oằn mình bảo vệ cây trái- Ảnh 4.

Ruộng sắn (Củ đậu) của anh Chau Tên đã khô cằn, héo lá. Ảnh: Hoàng Quân

Để chuẩn bị vụ màu chu đáo anh đã đầu tư hơn 15 triệu đồng trồng sắn, nhưng do nắng hạn, thiếu nước, thời tiết nóng, mặt đất khô, độ ẩm thấp đã làm ruộng sắn bị chết hoặc không phát triển được. Thiếu nước tưới còn tạo điều kiện cho nhiều loại sâu, rầy tấn công dẫn đến hiện tượng cây bị khô héo rũ lá, củ không phát triển nên bị trượt giá và thậm chí phải bỏ bớt do tiền thuê nhân công thu hoạch cao hơn.

Ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm

Trước tình hình hạn hán diễn biến ngày càng gay gắt, mới đây UBND tỉnh An Giang đã có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực), các sở ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo đó, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các huyện, thị, thành theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước.

Nắng nóng kéo dài, hồ chứa cũng trơ cả đáy, nông dân vùng Bảy Núi của An Giang oằn mình bảo vệ cây trái- Ảnh 5.

UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các ngành, địa phương phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác. Ảnh: Hoàng Quân

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.

Trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác; vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp…