Nga đẩy mạnh nhập khẩu nông sản Việt Nam
10:55 - 05/07/2024
5 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Nga có mức tăng trưởng hơn hai con số, thậm chí gấp đôi so với cùng kỳ.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 955,7 triệu USD, tăng 44,82% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 295,8 triệu USD).
Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất là dệt may với 320,9 triệu USD, tăng mạnh 97,27% so với cùng kỳ 2023; các mặt hàng nông sản đạt 331 triệu USD, tăng gần 50%...
Chiều ngược lại Việt Nam nhập khẩu từ Nga lượng hàng hóa hơn 1 tỷ USD, tăng 58,22% (tương đương kim ngạch 370,2 triệu USD) so với cùng kỳ 2023. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn là phân bón (152,3 triệu USD), than các loại (471 triệu USD), hóa chất (37,7 triệu USD)...
Như vậy, tới hết tháng 5, cán cân thương mại giữa hai nước hiện tương đối cân bằng khi số nhập siêu của Việt Nam từ Nga chỉ khoảng 50,3 triệu USD.
Nông sản Việt đang thu hút khách Nga
So với các thị trường Âu - Mỹ hay Nhật Bản, Nga hiện chưa phải là thị trường xuất khẩu lớn của các loại nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, tiềm năng, dư địa phát triển từ thị trường này là rất lớn.
Như trên, trong 5 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường Nga đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt sang Nga đạt khoảng 331 triệu USD, tăng gần 50 % so với cùng kỳ 2023, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan.
Trong đó, nổi bật nhất là cà phê, với kim ngạch xuất khẩu đạt 161,6 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp đến là thủy sản đạt 76,4 triệu USD, tăng 87,7%; hạt điều đạt 28 triệu USD, tăng 81,8%; rau quả đạt 26,8 triệu USD, tăng 25,2%...
Một số mặt khác như cao su, gạo, hay gỗ và sản phẩm gỗ... - dù trị giá xuất khẩu còn khiêm tốn nhưng cũng đều có mức tăng trưởng hai con số trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, cao su có trị giá 15,6 triệu USD, tăng gần 24%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,1 triệu USD, tăng 47,5%...
Cá biệt, hạt tiêu có trị giá đạt 12,6 triệu USD, với mức tăng trưởng tới gần 97%. Cho thấy tiềm năng rất lớn của mặt hàng hạt gia vị này với một thị trường có khí hậu lạnh như Nga.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), hiện nay vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Nga đã thuận lợi hơn. Các tập đoàn vận tải Nga đã mở tuyến vận tải thẳng từ TP.HCM - Hải Phòng - Vladivostok (Nga).
Đồng thời, việc có thêm một số hãng tàu khác chạy tuyến mới, giúp việc vận chuyển hàng hóa trở nên nhanh hơn, thời gian vận chuyển ngắn hơn. Ngoài ra, hệ thống vận tải đường sắt hỗ trợ giao hàng với Nga nên việc vận tải hàng hóa trở nên đa dạng.
Bên cạnh đó, những ưu đãi về thuế quan sau khi ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu vào năm 2015 cũng giúp các mặt hàng nông sản của Việt Nam tăng sức cạnh tranh tại thị trường này, trong đó có Nga.
Dù vậy, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nga nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế. Các hoạt động hợp tác chủ yếu tập trung vào thương mại, khoa học công nghệ và hợp tác kỹ thuật. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nga vào Việt Nam cũng không đáng kể.
Chiều ngược lại, đầu tư từ Việt Nam sang Nga trong nông nghiệp cũng mới chỉ có dự án nổi bật là chăn nuôi bò sữa của TH True Milk trị giá 2,7 tỷ USD.
Để xuất khẩu bền vững sang thị trường Nga, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Nga cho biết đã kết nối cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản vào chuỗi siêu thị sở tại.
Đồng thời, Thương vụ Việt Nam cũng khuyến cáo, doanh nghiệp Việt cần có chiến lược, xây dựng hệ thống cung ứng hàng tại Nga để cung cấp cho chuỗi siêu thị. Chủ động tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành để tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác kinh doanh tại thị trường truyền thống này.