Ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò
21:13 - 02/05/2024
QUẢNG BÌNH Hiện, bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò đã lan ra 4 huyện thuộc tỉnh Quảng Bình, lực lượng thú y đang căng sức để ngăn chặn.
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil
Từ đầu tháng 4, người chăn nuôi tại một số địa phương thuộc các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch… phát hiện dấu hiệu bất thường trên đàn bò và báo cho cơ quan thú y biết tình hình này. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò đang xuất hiện tại các địa bàn huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa và Quảng Trạch.
Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, đến ngày 16/4, dịch bệnh đã xảy ra tại 13 hộ/6 xã của 3 huyện (Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Bố Trạch) làm 20 con bò mắc bệnh, trong đó có 4 con bò chết.
“Các xã Quảng Xuân, Quảng Lưu (Quảng Trạch), thị trấn Đồng Lê, xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) đã công bố dịch đối với bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. Riêng xã Tây Trạch và thị trấn Hoàn Lão (huyện Bố Trạch), không công bố dịch vì ổ dịch đã được kiểm soát và khống chế. Hiện các ổ dịch chưa qua 21 ngày”, ông Trần Công Tám cho hay.
Tại xã Thuận Hóa sau khi phát hiện ổ dịch, UBND huyện Tuyên Hóa đã có quyết định về việc công bố dịch đối với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa bàn xã Thuận Hóa.
Ông Cao Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa trao đổi, huyện yêu cầu địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục trên đàn trâu bò.
“Các đơn vị liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tốt nhất”, ông Cao Tiến Dũng nói thêm.
Một tuần sau, thông tin đàn bò của các hộ dân ở xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) bị hiện tượng bệnh viêm da nổi cục đã được báo cáo. Lực lượng cán bộ thú y của Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã được tăng cường về hỗ trợ bà con trong ngăn chặn và chống dịch bệnh.
Ông Trần Thanh Tùng, cán bộ nông nghiệp xã Hiền Ninh cho hay, hiện địa phương này có tổng đàn bò gần 600 con. Sau khi kiểm tra các hộ nuôi bò báo bị bệnh, địa phương đã tổ chức tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục cho đàn trâu bò tại các thôn.
Gia đình bà Trần Thị Thơ (thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh), có bò mẹ và bê nghé nhỏ. Theo bà Thơ bò mẹ có tiêm phòng các loại vacxin, nhưng bê nghé còn non nên chưa tiêm được.
“Cách đây khoảng 1 tuần, thấy bê nghé có biểu hiện khác lạ và da nổi u cục nên báo với cán bộ thú y. Gia đình được hướng dẫn vệ sinh xung quanh khu vực chuồng trại, rắc vôi bột và nuôi nhốt bê con không cho theo bò mẹ”, bà Thơ cho biết.
Gia đình ông Phan Văn Hậu (thôn Nam Cổ Hiền), có đàn bò 4 con. Bốn hôm trước một con trong đàn da bị nổi u cục nên ông nhốt ở chuồng, không cho theo đàn đi ăn nữa. Lực lượng thú y đã kiểm tra và triển khai phun thuốc tiêu độc khử trùng trong và xung quanh khu vực chuồng trại.
“Tôi đã báo cán bộ thú y tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục cho đàn bò rồi. Hiện tại thì trong thôn cũng có bốn nhà có bò bị mắc bệnh như nhà tôi. Những gia đình đó cũng đã tiêm phòng vacxin cho đàn bò sau khi phát hiện vật nuôi bị bệnh”, ông Hậu nói thêm.
Trước tình hình bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò có thể lây lan rộng ra các địa phương khác, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đã tích cực đã phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch.
Các địa phương nơi xảy ra dịch đã tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại hộ chăn nuôi, khoanh vùng dịch. Các địa phương ký cam kết và khuyến cáo các hộ chăn nuôi không bán chạy, không giết mổ, không vứt gia súc chết ra ngoài môi trường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho hay: “Chi cục đã yêu cầu các huyện hướng dẫn các xã, thị trấn nằm trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm, thành lập các tổ, chốt kiểm dịch động vật (tạm thời) kiểm soát việc vận chuyển trâu bò ra vào vùng có dịch”.
Cũng theo ông Trần Công Tám, đến chiều ngày 23/4, Quảng Bình có 10 xã của 4 huyện có đàn bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục.