Ngăn chặn hành vi mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
12:22 - 05/08/2024
Mặc dù bị nghiêm cấm, nhưng do lợi nhuận đem lại lớn, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, các đối tượng vẫn lén lút buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm, có loài động vật hoang dã nằm trong danh sách của sách Đỏ.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi này, bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, chính quyền các địa phương tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để người dân không tiếp tay, bao che và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.
Ngày 11/4 vừa qua, sau khi kiểm tra tại khu vực chăn nuôi của đối tượng Hạ Văn Tâm, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), Công an huyện Vĩnh Tường phát hiện, thu giữ 3 cá thể tê tê còn sống cùng 1 cá thể tê tê và 4 cá thể rắn hổ mang chúa đã chết.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Tường đã ra quyết định bắt giữ khẩn cấp đối với Hạ Văn Tâm về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.
Sau khi giám định, 3 cá thể tê tê còn sống đã được Công an huyện bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã; 1 cá thể tê tê và 4 cá thể rắn hổ mang chúa đã chết được bàn giao cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam bảo quản theo quy định.
Hiện, Công an huyện Vĩnh Tường đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Đây chỉ là 1 trong số nhiều vụ việc vi phạm về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã mà các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý qua công tác tuần tra, kiểm soát thời gian qua.
Số tang vật là động vật hoang dã, động vật rừng quý hiếm bao gồm 3 con tê tê còn sống, 1 con tê tê đã chết và 4 con rắn hổ mang chúa đã chết mà lực lượng chức năng thu giữ tại khu vực chăn nuôi của đối tượng Hạ Văn Tâm, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường). Ảnh: Công an Vĩnh Phúc.
Bên cạnh hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm, trước đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xử lý nghiêm một số cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trái phép, không đăng ký mã cơ sở.
Cụ thể, đầu tháng 1/2024, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) phát hiện cơ sở nuôi nhốt, cất giữ động vật hoang dã do bà Phạm Thị Vượng, xã Bồ Lý (Tam Đảo) tàng trữ 29 mẫu vật chim cuốc, 11 mẫu vật cò ngà thuộc loài chim thú rừng thông thường không có hồ sơ, nguồn gốc hợp pháp.
Đồng thời, cất giữ 2 mẫu vật cầy vòi mốc, nuôi nhốt 2 cá thể cầy vòi mốc còn sống (thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quy hiếm) có nguồn gốc gây nuôi hợp pháp nhưng không có bản chính bảng kê lâm sản và bản sao hồ sơ lâm sản chuyển giao quyền sở hữu từ tổ chức, cá nhân liền kề trước đó...
Căn cứ quy định của pháp luật, lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản, xử phạt hành chính hơn 5,2 triệu đồng đối với chủ cơ sở và buộc tiêu hủy các mẫu vật vi phạm.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều loài thực vật quý hiếm ở Vườn Quốc gia Tam Đảo cùng hệ động vật rừng, động vật hoang dã, động vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ với 1.141 loài, trong đó, có 59 loài quý hiếm cần được bảo tồn như sơn dương, cầy gấm, khỉ vàng, cá cóc...
Chính vì vậy, bên cạnh việc bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý hiếm, công tác đấu tranh với các hành vi buôn bán, vận chuyển, gây nuôi trái phép động vật hoang dã, quý hiếm được tỉnh chú trọng, nhằm góp phần đảm bảo đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sống đa dạng động vật trên địa bàn.
Từ năm 2023 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Vĩnh Phúc và Công an thành phố Vĩnh Yên kiểm tra, ngăn chặn, xử phạt hành chính 4 vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý động vật hoang dã thuộc loài nguy cấp, quý hiếm xảy ra trên địa bàn.
Cùng với công tác kiểm tra, xử lý, các ngành chức năng của tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường tuyên truyền các nội dung của Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh”.
Qua đó giúp nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về việc sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học theo hướng bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; các hành vi mua bán bất hợp pháp, mức xử lý vi phạm cũng như rủi ro về dịch bệnh khi tiếp xúc với động vật hoang dã nhằm giảm nhu cầu sử dụng, tiêu thụ bất hợp pháp.
Mặc dù đã có nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý nghiêm, song do nhu cầu thị trường, lợi nhuận thu được lớn, hoạt động mua bán, vận chuyển, gây nuôi động vật hoang dã trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để che mắt lực lượng chức năng.
Đặc biệt, lợi dụng quy định thông thoáng trong phát triển gây nuôi động vật thông thường, vẫn còn không ít nhà hàng, quán ăn ở một số địa phương đã biến tướng, trà trộn tiêu thụ thịt thú rừng, sản phẩm chế biến từ các loại động vật hoang dã với động vật gây nuôi các loại khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát.
Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, bám địa bàn, nắm chắc tình hình thị trường thời gian tới giữa các ngành chức năng.
Đặc biệt, quan trọng hơn cả là ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi người dân không tiếp tay cho các hành vi vi phạm, tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã, tự nguyện giao nộp động vật hoang dã bị cấm để ngăn ngừa phát sinh các vụ việc phức tạp trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm, góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên, xây dựng môi trường sống ngày càng tốt hơn.