Ngành dâu tằm tơ cần chú trọng hơn sản xuất hữu cơ
19:29 - 10/07/2024
YÊN BÁI Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các sản phẩm từ tơ tằm cần chú trọng hơn nữa việc sản xuất hữu cơ, có chỉ dẫn địa lý... để tăng giá trị, sức cạnh tranh.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Ngày 22/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã thăm các mô hình trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Tiếp đoàn, có lãnh đạo tỉnh Yên Bái và các sở ngành liên quan.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã tới thăm vùng trồng dâu tập trung tại xã Việt Thành (huyện Trấn Yên). Toàn xã có tổng diện tích dâu tằm hơn 220ha, tập trung ở các thôn nằm ven sông Hồng như Lan Đình, Trúc Đình và Phúc Đình. Hiện nay, cả xã có trên 250 hộ dân nuôi tằm, đã thành lập được 3 HTX, 40 tổ hợp tác và 3 chuỗi sản xuất liên kết với Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái. Sản lượng kén trung bình đạt gần 500 tấn/năm, giá trị thu nhập gần 100 tỷ đồng.
Tiếp đó, đoàn công tác đến thăm HTX Dâu tằm Hạnh Lê của xã Việt Thành. Hiện nay, HTX liên kết với 3 tổ hợp tác với 56 thành viên. Diện tích dâu kinh doanh có 2,5ha với cơ sở nuôi tằm con có diện tích 150m2, hàng năm cung ứng bình quân trên 2.000 vòng tằm cho các hộ nuôi tằm lớn ở các địa phương lân cận, mang lại thu nhập trên 600 triệu đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc HTX Hạnh Lê chia sẻ, trước đây, do chưa có nhà nuôi tằm con, việc nuôi tằm cả hai giai đoạn (từ trứng đến thu kén) nên nhiều hộ nuôi tằm thất thu, bởi nuôi tằm con rất khó, nếu không đúng kỹ thuật, để tằm bị bệnh thì sẽ hỏng hết cả lứa tằm.
Hiện nay, các cơ sở nuôi tằm giống sẽ nuôi tằm từ tuổi 1 đến tuổi 3, sau đó cung ứng cho các hộ nuôi tằm lớn từ tuổi 4, các hộ sẽ nuôi thêm 1 tuần là tằm chín và lên né, chờ 2 - 3 ngày tằm quấn kén xong sẽ được thu hoạch. Việc nuôi theo 2 giai đoạn như vậy đòi hỏi người nuôi tằm giống phải có kỹ thuật cao, nhà nuôi tằm đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, khi cung ứng tằm giống khỏe thì các hộ dân nuôi tằm lớn sẽ hạn chế rủi ro.
Cũng trong chuyến thăm vùng dâu tằm huyện Trấn Yên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đến thăm Nhà máy ươm tơ của Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái. Nhà máy chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2023 với 4 giàn máy công suất ươm tơ 2.500kg kén/ngày. Sản phẩm tơ tằm sau chế biến được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Năm 2023, Công ty có doanh thu hơn 4 triệu USD. Hiện nay, Công ty tạo việc làm tại chỗ cho hơn 180 lao động với mức thu nhập bình quân 6 -12 triệu đồng/người/tháng.
Ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái cho biết, để Nhà máy hoạt động bên vững, hiệu quả, Công ty đã đào tạo nghề lao động ở địa phương và khu vực lân cận. Nhà máy có thể thu mua toàn bộ sản lượng kén của các hộ nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Yên Bái thông qua việc ký hợp đồng với các HTX và thương lái với giá cả ổn định.
Doanh nghiệp cũng đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh mở rộng diện tích trồng dâu, nâng cao chất lượng nguồn lao động, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn chuyển đổi tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị, đồ dùng nuôi tằm cho các HTX, hộ chăn nuôi để gia tăng sản lượng và chất lượng kém tằm.
Hiện nay, tổng diện tích dâu của huyện Trấn Yên đạt hơn 1.000ha, sản lượng kén tằm đạt 1.500 tấn/năm, giá trị thu nhập gần 300 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 25 cơ sở nuôi tằm con tập trung và 1.600 hộ nuôi tằm lớn; đã thành lập được 15 HTX, trên 100 tổ hợp tác với hơn 1.100 thành viên. Ngoài ra, trên địa bàn đã xây dựng 12 chuỗi liên kết giữa các HTX với Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái để sản xuất, thu mua sản phẩm kén tằm, ươm tơ tự động
Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết thêm, giá trị thu nhập bình quân từ nghề dâu tằm của huyện hiện đạt từ 300 - 330 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình đạt từ 150 đến 160 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa hoặc các cây rau màu khác từ 5 - 7 lần. Hiện nay, chuỗi liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp chế biến kén rất bền vững. Công ty cam kết giá thu mua kén cho các HTX, tổ hợp tác tham gia liên kết, giao động từ 170.000 - 210.000 đồng/kg.
Trong chuyến thăm và làm việc tại huyện Trấn Yên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan rất vui mừng khi chứng kiến những cánh đồng dâu xanh ngắt, trải dài cả vùng rộng lớn ven dòng sông Hồng. Cùng với đó là hệ thống giao thông, thủy lợi phát triển đồng bộ giúp người dân thuận tiện trong quá trình canh tác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bộ trưởng đánh giá cao việc một huyện miền núi như Trấn Yên - nơi người dân từng quen thuộc với cây lúa, cây ngô lại có thể chuyển đổi trồng hơn 1.000ha dâu tằm, hình thành vùng tằm tơ lớn nhất miền Bắc. Thu nhập từ nghề tằm tơ cao hơn trồng lúa và rau màu từ 5 - 7 lần là điều mà nông dân ở nhiều nơi phải ao ước.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để nghề tằm tơ phát triển bền vững và nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, xã Việt Thành nói riêng và huyện Trấn Yên nói chung cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng duy trì và phát triển, mở rộng vùng trồng dâu nuôi tằm; tích cực đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm công lao động, nâng cao hiệu quả, tăng giá trị.
Bên cạnh những giá trị đã đạt được về sản lượng kén, doanh thu từ kén tằm, các cấp ngành và bà con nông dân các địa phương cần khai thác, tối ưu các giá trị vô hình để nâng cao giá trị thu nhập. Giá trị vô hình ở đây là cần làm tốt việc quảng bá, giới thiệu, kể các câu chuyện về sản xuất từ các khâu trồng dâu, ươm trứng, nuôi tằm, lên né, ươm tơ, dệt lụa… để thu hút du khách.
Tại các làng nghề cần lắp đặt các pa nô lớn giới thiệu về địa phương, người dân, sản phẩm, đồng thời tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận thiên gắn với phát triển các mô hình homestay, famstay để thu hút khách du lịch. Từ đó nâng cao giá trị thu nhập cho địa phương và phát triển bền vững nghề dâu tằm.
Hiện nay, các sản phẩm kén tằm của nước ta chủ yếu xuất khẩu tới nhiều thị trường cao cấp, khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Vì vậy, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các sản phẩm từ tơ tằm cần chú trọng hơn nữa việc sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, có chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc để tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.