Ngành nông nghiệp Ai Cập bùng nổ trong bối cảnh kinh tế suy thoái
12:14 - 21/07/2024
Khi lạm phát tăng vọt và đồng nội tệ mất giá, người dân Ai Cập coi nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư an toàn, có thể đem về lương thực và thu nhập cao.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Ai Cập đang ghi nhận sự gia tăng nhu cầu về đất nông nghiệp đã đẩy giá tăng vọt đối với cả người mua và người thuê đất, khi ngày càng nhiều người dân nước này đang phải vật lộn với suy thoái kinh tế và chi phí thực phẩm tăng vọt.
Ở một đất nước có hơn 90% diện tích là sa mạc, phần lớn đất đai phù hợp cho sản xuất nông nghiệp nằm gần bờ sông Nile, còn được gọi là "đất đen" màu mỡ. Cách xa bờ sông là khu vực "đất vàng", nơi có nhiều cát và ít màu mỡ hơn, đòi hỏi phải sử dụng các hệ thống tưới tiêu và phân bón để canh tác.
Nhu cầu nông nghiệp tăng đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về giá của cả hai loại đất, theo Alaa Madina, một nông dân và môi giới đất ở tỉnh Menoufia, phía bắc Cairo.
"Chính phủ, khu vực tư nhân, các cá nhân và các nhà đầu tư nước ngoài liên tục thể hiện sự quan tâm lớn đến các dự án nông nghiệp ở Ai Cập trong 4 năm qua. Tuy nhiên, số lượng đất canh tác còn hạn chế, vì vậy nhu cầu lớn đã làm tăng giá đất nông nghiệp, đặc biệt là giá thuê đất", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ai Cập Mohamed Fahim cho biết.
Theo ông Fahim, giá lương thực tăng vọt, suy thoái kinh tế và hàng trăm nghìn ha đất nông nghiệp mới được quy hoạch đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân Ai Cập và các nhà đầu tư nước ngoài.
Giá thuê đất nông nghiệp đã tăng hơn 3 lần kể từ năm 2022, ông Madina cho biết. Ở khu vực đồng bằng sông Nile màu mỡ, một feddan (0,42 ha) "đất đen" được cho thuê với giá 20.000 bảng Ai Cập (416 USD)/năm vào năm 2022. Năm nay, giá thuê trung bình cho cùng một khu đất là 65.000 bảng Ai Cập.
Theo một báo cáo từ Ngân hàng Thế giới, kể từ năm 1990, diện tích đất phù hợp cho nông nghiệp đã tăng gần gấp đôi, đạt 4% tổng diện tích cả nước.
Theo Thứ trưởng Fahim, Ai Cập ước tính có khoảng 6 triệu feddan (2,52 triệu ha) đất được sử dụng để canh tác từ thời cổ đại. Các khu vực đất canh tác màu mỡ này đã được chính quyền Tổng thống Gamal Abdel Nasser tịch thu từ các chủ sở hữu bất động sản lớn và phân chia lại cho người dân Ai Cập, sau khi lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1952.
Ngay cả ở vùng "đất vàng" ít màu mỡ hơn, giá thuê đất đã tăng từ khoảng 10.000 bảng Ai Cập/feddan vào năm 2022 lên 30.000 bảng Ai Cập trong năm nay. Giá mua đứt cũng tăng vọt, khi một feddan "đất đen" hiện có giá khoảng 2 triệu bảng Ai Cập và "đất vàng" là khoảng 500.000 bảng Ai Cập.
"Đất vàng" nhiều cát hơn "đất đen" do tỷ lệ nước trong loại đất này ít hơn. Đó là lý do tại sao sử dụng loại đất này thường phải xây dựng một nguồn cung cấp nước ổn định vì khu vực này thường ở khá xa sông.
Chính phủ đã cải tạo 3,5 triệu feddan (1,26 triệu ha) "đất vàng" thông qua các dự án khác nhau. Để làm được điều này, Ai Cập đã san phẳng đất, đào giếng nước ngầm để tưới tiêu, xây dựng mạng lưới giao thông và kết nối các khu vực xa xôi với lưới điện quốc gia.
"Chắc chắn, các dự án nông nghiệp ở Ai Cập đã nhận được sự quan tâm ngày càng tăng kể từ sau đại dịch Covid-19. Đại dịch đã khiến nhiều người mất việc làm, đặc biệt là các công việc trong ngành dịch vụ ở các thành phố lớn như Cairo. Điều này không chỉ khiến nhiều người trở về quê nhà tìm kiếm việc làm, mà còn khuyến khích nhiều người bắt đầu chuyển sang làm nông nghiệp vì đó là lựa chọn khả thi duy nhất trong bối cảnh mọi thứ đều đóng cửa", ông Madina nói.
Chi phí thực phẩm tăng vọt là nguyên nhân chính khiến nông nghiệp Ai Cập bùng nổ. Lạm phát đạt 32,5% trong tháng 4/2024, trước khi giảm nhẹ xuống 28,1% vào tháng 5, vẫn cao gần gấp 3 lần tỷ lệ lạm phát vào tháng 3/2022 khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu.
"Sau khi chứng kiến giá thực phẩm cả tại các chợ tăng theo từng tháng kể từ năm 2022 và phải vật lộn để mua các mặt hàng thực phẩm cơ bản, nhiều người dân Ai Cập bắt đầu nghĩ rằng họ có thể kiếm lời từ việc bán các loại nông sản với giá cao, đặc biệt là khi các ngành công nghiệp khác bắt đầu đóng cửa vì thiếu ngoại tệ", ông Madina nói.
Hơn 55% việc làm ở Thượng Ai Cập có liên quan đến nông nghiệp, theo dữ liệu năm nay từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Ngành này cũng chiếm 28% tổng số việc làm ở Ai Cập.
"Nông nghiệp là một ngành chủ ở Ai Cập, với hàng triệu việc làm. Nhưng kể từ năm 2022, hàng triệu người khác từ các lĩnh vực khác đã chuyển sang làm nông nghiệp. Tôi thực sự không phóng đại, hàng triệu người Ai Cập kể từ năm 2022 đã chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp", Thứ trưởng Fahim nói.
"Sự tăng trưởng không chỉ ở việc cho thuê hoặc mua đất, mà còn ở quy mô của ngành nông nghiệp và tất cả các ngành liên quan", ông Fahim nói.
Ngành nông nghiệp bùng nổ cũng làm gia tăng số lượng nông dân ở đồng bằng sông Nile, cũng như các nhà đầu tư lớn canh tác ở các vùng đất sa mạc được khai hoang. Các dự án này đã thay đổi cơ cấu sở hữu đất nông nghiệp, với tiền thuê trước đây được trả cho các bộ lạc Bedouin giờ đây thuộc về nhà nước hoặc quân đội.
Quân đội cũng đã chính thức quản lý nhiều khu vực bằng cách cải tạo và cho thuê đất, cũng như di dời người Bedouin sống ở đó đến các khu vực khác, đặc biệt là ở các khu vực sa mạc gần hơn như Al Dabaa và Wadi Natroun.
Theo ông Madina, nông dân thường thích hợp tác với quân đội hơn vì họ có đủ nguồn lực để đào kênh, san phẳng đất và cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho nông dân.
Lo ngại về nguồn nước
Khi ngành nông nghiệp được mở rộng, an ninh nguồn nước là một yếu tố quan trọng, điều mà Thứ trưởng Fahim gọi là "nguồn tài nguyên quý hiếm ở Ai Cập, cần phải được sử dụng một cách khôn ngoan".
Chính phủ đã ra lệnh hạn chế sản xuất các loại cây trồng sử dụng nhiều nước và bắt buộc sử dụng các phương pháp tưới tiêu hiện đại ở các khu vực sa mạc khai hoang. An ninh nguồn nước đã trở thành vấn đề cấp bách mới trong bối cảnh Ai Cập hiện đang có tranh chấp với Ethiopia về việc xây dựng một con đập trên sông Nile.
Đối với các hộ nông dân nhỏ tại địa phương, khả năng mở rộng canh tác là một thách thức lớn do chi phí sinh hoạt tăng vọt. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, đã được hưởng lợi từ những cơ chế sở hữu đất đai được nới lỏng hơn và việc đồng bảng Ai Cập mất giá hơn sau 4 lần phá giá tiền tệ. Số lượng các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh sau khi Ai Cập dỡ bỏ giới hạn về số lượng đất mà người nước ngoài có thể sở hữu vào năm ngoái. Trước đây, Ai Cập giới hạn người nước ngoài chỉ được sở hữu 2 bất động sản rộng tối đa 4.000 m2 và mỗi bất động sản phải ở một thành phố khác nhau.
"Đối với một nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu các loại ngoại tệ như đô la Mỹ, dirham (của UAE) hoặc rial (của Iran), một dự án nông nghiệp ở Ai Cập sẽ là phương án đầu tư hấp dẫn vì chi phí rất rẻ. Mọi thứ đều rẻ hơn những nơi khác, từ lao động, hạt giống, phân bón đến đất nông nghiêp", Thứ trưởng Fahim nói.
Chính phủ và quân đội đã thúc đẩy phát triển nông nghiệp bằng cách đầu tư vào hệ thống thủy lợi, mạng lưới điện và hệ thống giao thông đường bộ ở các khu vực xa xôi. Trước đây, các nhà đầu tư tư nhân phải chịu những chi phí này. "Bây giờ tình hình đã khác nhiều vì chính phủ đang tự gánh chịu những chi phí đó. Phát triển về khoa học kỹ thuật đã giúp cho những vùng đất xa xôi như Thung lũng Mới ở sa mạc phía Tây có thể canh tác được", ông Fahim giải thích.
Quân đội Ai Cập đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia, kiểm soát một mạng lưới rộng lớn các công ty tham gia vào các ngành công nghiệp từ xây dựng và sản xuất đến nông nghiệp và hàng tiêu dùng. "Nền kinh tế quân sự" này đã mở rộng đáng kể kể từ khi Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi, một cựu tướng lĩnh quân đội, lên nắm quyền vào năm 2014.
Các công ty liên kết với quân đội thường nhận được ưu đãi trong các hợp đồng của chính phủ, trợ giá và giảm thuế. Trong lĩnh vực nông nghiệp, quân đội đã tham gia sâu vào các dự án cải tạo sa mạc của chính phủ, cung cấp chuyên môn kỹ thuật và phát triển cơ sở hạ tầng.
Phát triển nông nghiệp là mục tiêu hợp lý nhằm giảm sự phụ thuộc của Ai Cập vào các mặt hàng nhập khẩu khi nước này đang phải vật lộn với khoản nợ nước ngoài khổng lồ tương đương 96% GDP trong năm tài chính 2024. Vào tháng 5/2024, Tổng thống el-Sisi đã khởi động một dự án nhằm giảm 3,7 tỷ USD chi tiêu hàng năm cho nhập khẩu lương thực bằng cách tăng sản lượng cây trồng trong nước.
Bất chấp những rủi ro trong nông nghiệp như thời tiết, người dân Ai Cập không có nhiều lựa chọn khác. "Đối với những người muốn kiếm tiền khi giá thực phẩm tăng cao, chi phí đầu tư cho nông nghiệp không quá lớn vì đây là hoạt động theo mùa và việc sản xuất có thể được thực hiện với chi phí rất thấp", ông Madina nói, liệt kê các loại cây trồng như khoai tây, xoài và ô liu hiện đang được trồng từ đồng bằng sông Nile đến các thung lũng sa mạc khai hoang.
Cơn sốt đất nông nghiệp đang làm thay đổi nền nông nghiệp Ai Cập khi các vùng đất khai hoang trên sa mạc, đã được cải tạo bằng những sáng kiến khác nhau, đang tạo ra sự thay đổi lớn đối với hoạt động canh tác của nước này bên ngoài Thung lũng sông Nile.
Đây là điều mà các Tổng thống Ai Cập tiền nhiệm đã cố gắng làm nhưng không thực hiện được. Điều này cũng đã khiến những người nông dân chưa bao giờ làm việc trong sa mạc chuyển đến những vùng đất khai hoang để tiến hành canh tác theo hợp đồng với nhà nước, thay đổi cách người Ai Cập làm nông nghiệp trong nhiều thế kỷ xung quanh Thung lũng sông Nile.