Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

16:38 - 14/01/2025

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế Đắk Lắk, thu nhập bình quân đạt gần 73 triệu đồng/người/năm
Bưởi da xanh ‘thừa nội địa, thiếu xuất khẩu’
Người phụ nữ độc hành theo đuổi mô hình vườn rừng
Giảm tuần thứ tư liên tiếp, giá cà phê trong nước xuống dưới mốc 120.000 đồng/kg
Thứ trái cây chuyên bày mâm ngũ quả ngày Tết thất thu, nông dân một xã của tỉnh Hải Dương đánh rơi 20 tỷ đồng
Lợn được cho uống rượu ngâm thảo dược mỗi tối trước khi đi ngủ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lợn được cho uống rượu ngâm thảo dược mỗi tối trước khi đi ngủ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gia đình ba thế hệ kinh doanh nông nghiệp

Một trại lợn cả ngàn con mà ra vào tự nhiên như thế thì lạ quá. Càng lạ hơn khi tôi bước vào trong thì thấy lũ lợn đang... "tập thể dục buổi sáng" trong tiếng nhạc rộn ràng rồi sau đó uống nước xạ đen để thải độc và tăng cảm giác thèm ăn trước khi thưởng thức khẩu phần dạng lỏng gồm bỗng rượu 36 vị thuốc Bắc trộn với cám thảo dược. Ngày 4 lần đàn lợn trong trại được cấp khẩu phần ăn dạng lỏng như vậy.

Đến tối, những bản nhạc du dương nổi lên, lợn được uống 300ml rượu cái kết hợp với rượu ngâm đinh lăng, ba kích hạ độ xuống khoảng 8 - 12 độ để chìm vào giấc ngủ sâu, say đến tận sáng. Quy trình nuôi đặc biệt này được thực hiện ở 1,5 tháng cuối cùng giúp cho thịt lợn mềm và có nhiều mỡ giắt giữa các thớ, thơm ngon khác biệt.

Quen biết anh Vũ Văn Nga - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình mười mấy năm nay nhưng tôi luôn cảm thấy bất ngờ trước những cú “bẻ lái”, chuyển hướng trong kinh doanh của anh. Anh từng kinh doanh vật liệu xây dựng, bất động sản rồi mua lại hàng loạt công ty nhà nước hoạt động yếu kém như Xí nghiệp in Ninh Bình, Công ty may 27-7, Trại lợn Đồng Giao, Công ty xuất khẩu Ninh Bình… để phục hồi lại.

Nhưng cuối cùng anh vẫn bỏ hết để trở về với nông nghiệp sạch do được bố mình là ông Vũ Văn Thuần - nguyên Giám đốc Công ty Giống cây trồng Ninh Bình truyền cảm hứng: “Con làm những gì có lợi cho sức khỏe của con người, có lợi cho xã hội thì sớm muộn rồi cũng sẽ thành công”.

Vườn thảo dược phục vụ cho lợn uống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn thảo dược phục vụ cho lợn uống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trên 30 năm làm doanh nhân, hơn 20 năm làm nông nghiệp, có những trận thiên tai xóa sổ mấy trăm ha lúa giống, có những trận dịch bệnh tả lợn Châu Phi phải chôn cả ngàn con lợn dù chỉ một vài con nhiễm cứ ám ảnh anh mãi. Đã có những cuộc ngã giá 40 - 50 tỷ đồng cho mỗi trại giống cây, giống con nhưng anh nhất định không bán vì đó là tâm huyết của đời mình. Và anh lại truyền cảm hứng ấy cho ba người con học về kinh tế nhưng ra trường đều theo nghề sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của bố, hiện đã quen việc và tỏ ra say mê.

Để dồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, anh Nga đã phải bán mấy biệt thự, mấy nhà liền kề ở Hà Nội nhưng không hối tiếc bởi tâm niệm: “Giàu mà nhàn tênh thì cuộc sống buồn tẻ và vô vị lắm. Còn làm nông nghiệp thế này dù không có nhiều tiền, dù ngày mệt nhưng tối ngủ rất ngon. Có những hôm xem camera thấy nhà hàng của mình có cả trăm chỗ ngồi vẫn không đủ cho khách đặt, thấy tây, ta ngồi ăn thịt heo say xỉn đông thì tôi cảm thấy rất sướng vì sản phẩm này chính là một đứa con tinh thần của mình…".

Công ty Cổ phần Giống vật nuôi và cây trồng Đồng Giao (xã Yên Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) này vốn là một trại lợn giống của ngành nông nghiệp được anh Nga mua để hiện thực hóa giấc mơ thực phẩm sạch của mình. Anh rủ tôi ngủ lại ngay trại lợn để sáng mai chứng kiến toàn bộ chuỗi sản xuất khép kín từ ủ men, nấu rượu đến chế biến thức ăn lỏng, cho lợn ăn, nghe nhạc và cuối cùng là chế biến.

Anh Vũ Văn Nga - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình (phải) kiểm tra bỗng rượu trước khi cho lợn ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Vũ Văn Nga - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình (phải) kiểm tra bỗng rượu trước khi cho lợn ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tối đó mở cửa phòng tôi ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng, tìm quanh quẩn một hồi thì thấy một khóm hồng ở gần đó. Lạ, trại lợn không có mùi phân lợn lại ngửi thấy cả mùi hương hoa? Tôi mang thắc mắc đó ra hỏi anh Nga và được trả lời rằng: “Công ty xử lý chuồng trại bằng men vi sinh cho thẳng vào téc để lợn uống hàng ngày nên phân đỡ 70 - 80% mùi, sau đó lại đem phân ủ với men để đưa vào bón cho 80ha lúa của trại Khánh Nhạc”.

Tôi ngủ một giấc ngon lành cho đến khi được anh thức dậy để chứng kiến cảnh giết mổ nhân đạo, tức làm ngất lợn để chúng không còn đau đớn cũng như không ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Trời đông lạnh giá, Yên Sơn là vùng bán sơn địa lại càng lạnh. Khi nội tạng con vật được moi ra, vẫn còn nghi ngút khói, bốc lên mùi thơm đặc trưng của các loại thảo dược như đinh lăng, ba kích, xạ đen. Trưa hôm ấy tôi được thử nếm từ miếng gan, miếng lòng đến miếng thịt thấy mềm, ngọt, thơm dịu và hậu vị đậm đà lưu mãi ở trong khoang miệng.

Nhật có thịt bò Kobe, Việt Nam có thịt heo say xỉn

Tại sao là heo say xỉn? Tôi hỏi, anh Nga trả lời từ chuyến đi Kobe (Nhật Bản) 10 năm trước, khi Công ty muốn xuất khẩu cây ngô sang để nuôi bò Kobe. Anh giật mình khi thấy người ta giới thiệu giá mỗi kg bò Kobe đổi sang tiền Việt là 9 triệu đồng. Anh càng ngạc nhiên hơn khi được thăm toàn bộ quy trình từ chọn con giống đến chế độ dinh dưỡng gồm thân ngô non, lúa non ủ, rượu Sake và bia hảo hạng, chế độ chăm sóc gồm cho bò nghe nhạc và mát xa.

Thảo dược dùng để ngâm rượu cho lợn uống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thảo dược dùng để ngâm rượu cho lợn uống. Ảnh: Dương Đình Tường.

 

Khi được đối tác Nhật mời ăn gan sống, sách sống, lúc đầu anh cũng rất e ngại, tuy nhiên sau đó mạnh dạn gắp thử một miếng để rồi có miếng thứ hai, miếng thứ ba, miếng thứ tư… Từ đó dấy lên trong đầu anh một suy nghĩ người Nhật có thịt bò Kobe, Việt Nam mình 70% thực phẩm dùng hàng ngày là thịt lợn, vậy tại sao không sử dụng thảo dược và men rượu để cải thiện chất lượng thịt, làm thương hiệu riêng cho nó?

Nghĩ là làm, 5 năm về trước anh thử nghiệm ủ cám với men rượu để nuôi lợn nhưng một trận dịch tả lợn Châu Phi đã quét sạch thành quả, buộc phải dừng lại. Năm 2022 khi lập xưởng chưng cất rượu, anh lại thử cho lợn ăn bỗng rượu rồi uống rượu nếp ngâm ba kích và đinh lăng. Lúc đầu cho uống nhiều, uống vào ban ngày nên lợn say bí tỉ ngủ quá nhiều thành ra quá béo, còn uống ít quá lợn bị “dở miệng” hay đi lại lung tung. Bởi thế anh mới chốt lại ở mức 300ml bỗng rượu và rượu từ 8 - 12 độ, chuyển sang chế độ uống vào ban đêm.

“Say xỉn ở đây là kiểu say êm dịu chứ không phải say điên đảo, thiếu kiểm soát. Vì thế mà đàn lợn ngủ rất ngon, tới sáng luôn, nhiều khi duỗi chân, gác chân lên nhau thành một đống trông rất hạnh phúc”, anh Nga giải thích.

Còn về thảo dược lúc đầu anh thử cho lợn uống trà xanh nhưng không tạo được độ mềm, thơm của thớ thịt mà còn gây ra cồn ruột khiến cho chúng rất hung hăng. Đến khi chuyển sang cho lợn uống xạ đen thì tính của chúng mới thuần lại và thịt bắt đầu chất lượng hơn. 1ha xạ đen được trồng ngay trong khuôn viên Công ty để phục vụ cho mục đích này.

Những con lợn nuôi trong trại được cho nghe nhạc, uống rượu hàng ngày. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những con lợn nuôi trong trại được cho nghe nhạc, uống rượu hàng ngày. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không gặp thất bại đáng kể nào nhưng năm 2022 anh mất vài lứa chưa được ưng ý về độ ngon, độ mềm, mùi thơm và vị ngọt. Tới năm 2023 anh mới ra được một quy trình chuẩn, chuyên dành cho 1,5 tháng cuối trước khi lợn xuất chuồng (trung bình lợn ở đây nuôi 6 tháng, đạt 110kg mới giết mổ).

Anh Vũ Xuân Thanh - cán bộ phụ trách trại lợn cho biết, đơn vị có 3 khu, mỗi khu nuôi 500 con. Những con lợn thường nghển cả cổ, tỏ ra phấn khích mỗi khi được nghe nhạc. Lợn rất thính, ban đêm chỉ cần một con thức giấc, kêu là cả chuồng vài trăm con cùng thức, cùng kêu nên những bản nhạc êm dịu giúp chúng ngủ sâu, giảm stress, giảm đánh nhau.

Lao động trong trại cũng ngày ngày uống nước xạ đen và rượu nếp ngâm ba kích, đinh lăng nên ai cũng khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, làm việc hăng say. Mỗi khi thấy đàn lợn được ăn no, ngủ tốt, được thư giãn với âm nhạc thì người chăm cũng cảm thấy vui lây vậy.

Chuỗi sản xuất từ trang trại tới bàn ăn

Một chuỗi sản xuất tuần hoàn từ trang trại đến bàn ăn được ra đời với vùng nguyên liệu trồng lúa rộng lớn, nhà máy xay xát công suất 35.000 tấn/năm, ngoài sản phẩm gạo, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình còn có phụ phẩm là cám, tấm dành để nuôi lợn. Gạo nếp cái hoa vàng, nếp cau là đầu vào của quá trình chưng cất rượu mang thương hiệu Tràng An tạo ra hàng tấn bỗng rượu mỗi ngày. Đó là đầu vào của chăn nuôi, dùng để trộn với cám thành thức ăn lỏng bơm vào hệ thống nuôi lợn. Chất thải của lợn được xử lý thành phân bón quay trở lại để trồng lúa.

Buổi sáng ở chuồng lợn, nhạc được bật để đánh thức lợn dậy vận động, tập thể dục trước khi ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Buổi sáng ở chuồng lợn, nhạc được bật để đánh thức lợn dậy vận động, tập thể dục trước khi ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Xưa tôi nuôi lợn rất nhiều bệnh nhưng kể từ khi áp dụng quy trình nuôi kiểu mới này trại giảm được tới 80 - 90% thuốc mà 2 năm nay không hề bị dịch tả lợn Châu Phi cũng như tai xanh, hơn thế giá thành sản xuất còn giảm được 20%. Tôi đã tạo ra sản phẩm thịt lợn có chất lượng vượt trội, khác biệt nhưng không hề xa xỉ bởi đang được bán với giá chỉ khoảng trên dưới 200.000đ/kg mà thôi”, anh Nga khẳng định.

Mới đầu anh mời bạn bè ăn thử thịt lợn mình nuôi theo phương pháp mới rồi sau đó bán cho những gia đình có việc. 70 - 80% những người được dùng thử lại đòi mua tiếp. Thấy tín hiệu khả quan nên anh mạnh dạn mở nhà hàng ở phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình), ở Linh Đàm (Hà Nội) để giới thiệu các món ăn từ sản phẩm thịt lợn mang thương hiệu heo say xỉn.

Hiện trại lợn của anh đang áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, ISO 22.000, mỗi ngày cung ứng 100 - 200kg thịt tươi và giò, chả, xúc xích ra thị trường. Thời gian tới, anh dự định sẽ mở rộng hệ thống nhà hàng bằng cách nhượng quyền và sẽ quảng bá, bán hàng bằng cách livestream nữa.

Khuôn viên của Công ty Cổ phần Giống vật nuôi và cây trồng Đồng Giao rộng hơn 80ha, phần lớn được giao khoán cho người lao động, phần nhỏ là khu sản xuất gồm nhà máy rượu Tràng An, khu chế biến đóng gói thịt và khu nuôi lợn cho nghe nhạc, uống rượu ngâm thảo dược.