Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính minh bạch của sản phẩm thủy sản

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính minh bạch của sản phẩm thủy sản

20:49 - 28/09/2024

84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.

Dự án nuôi trâu, bò sinh sản giúp hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ

Nghiên cứu mới đây của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) cho thấy, 84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.

Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng cao về tính minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ của người tiêu dùng Việt, góp phần khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong việc thúc đẩy xu hướng thay đổi mạnh mẽ của ngành thủy sản toàn cầu.

Ngươi tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưu tiên mua hải sản có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Hồng Thắm.

Ngươi tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưu tiên mua hải sản có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Hồng Thắm.

Khi nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng, nhu cầu về tính minh bạch trong chuỗi cung ứng càng trở nên cấp bách. Để thích ứng với xu hướng này, ngành thủy sản Việt Nam đang nhanh chóng áp dụng công nghệ số để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, cải thiện các tác động tới môi trường, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng và tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn.

Theo báo cáo mới nhất của NSC, những tiến bộ công nghệ có khả năng thay đổi toàn bộ chuỗi giá trị, giúp ngành hải sản Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững và hướng tới người tiêu dùng hơn nữa.

Ngoài nhu cầu minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ, tính bền vững cũng nổi lên như một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam. 82,2% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc bền vững.

Xu hướng này được thể hiện rõ nét qua sự tăng trưởng ấn tượng của kim ngạch xuất khẩu thủy sản Na Uy sang Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản Na Uy sang Việt Nam đạt 32.744 tấn, trị giá gần 120 triệu USD, tăng 13% về khối lượng và 12% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Công nghệ giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng

Bà Åshild Nakken, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của NSC chia sẻ: “Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang chú trọng áp dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tính minh bạch và bền vững. Chuyển đổi số trong ngành thủy sản giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn hải sản chất lượng cao, bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của ngành trên thị trường thủy sản toàn cầu”.

 

Các nhà bán lẻ tại Việt Nam đang dẫn đầu cuộc cách mạng số, tận dụng công nghệ để gia tăng năng suất và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Các ứng dụng tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phân tích hành vi người tiêu dùng, dự đoán nhu cầu và tinh giản việc quản lý hàng tồn kho. Điều này cho phép các nhà bán lẻ tối ưu hóa quy trình cung cấp sản phẩm và cá nhân hóa dịch vụ.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp thủy sản đang áp dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tính minh bạch và bền vững. Ảnh: Duy Học.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp thủy sản đang áp dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tính minh bạch và bền vững. Ảnh: Duy Học.

Một số nhà bán lẻ tiên phong thậm chí còn tiến xa hơn trong cuộc cách mạng này bằng cách sử dụng thuật toán để định hướng phát triển sản phẩm và tối ưu hóa giá cả.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp tiên phong đang tạo ra những trải nghiệm mua sắm hỗn hợp “physital” (“physical” và “digital”) kết hợp giữa thế giới thực và ảo, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm mới lạ và tiện dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng mã QR vẫn còn ở giai đoạn sơ khai trong ngành thủy sản.

Ông Kjetil Hestad, Giám đốc Liên đoàn các công ty sản xuất và nhà máy chế biến thủy sản Na Uy giải thích về tiềm năng của việc sử dụng mã QR: “Việc thay thế mã vạch truyền thống bằng mã QR mở ra cơ hội lớn để cung cấp cho người tiêu dùng mọi thông tin chi tiết về sản phẩm hải sản, từ nơi xuất xứ (quốc gia, hoặc thậm chí là khu vực cụ thể), nguồn thức ăn trong quá trình nuôi và cả cách chế biến. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác triệt để”.

Ông Hestad cũng nhấn mạnh, thách thức hiện nay là nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức được giá trị những thông tin mà mã QR mang lại. Ông chia sẻ: “Hướng dẫn cho người tiêu dùng là rất quan trọng và cần được triển khai rộng rãi ở cả cấp độ doanh nghiệp và tổ chức. Chỉ khi người tiêu dùng hiểu rõ về mã QR thì họ mới có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả”.

Những mô hình bán lẻ sáng tạo ở các thị trường khác đã cho thấy tiềm năng lớn của mã QR. Điển hình như tại hệ thống siêu thị Hema Fresh ở Trung Quốc, công nghệ tiên tiến cho phép khách hàng quét mã QR trên sản phẩm để xem thông tin chi tiết về hải sản, từ thời điểm thu hoạch, nguồn gốc đến thời gian sản phẩm được vận chuyển tới cửa hàng.

Việc thanh toán cũng được thực hiện dễ dàng qua ứng dụng Hema và trải nghiệm ăn uống tại chỗ với sự phục vụ của robot, thu hút đông đảo khách hàng. Sự tích hợp liền mạch giữa mua sắm trực tuyến và trực tiếp này cho thấy tiềm năng tương lai của mô hình bán lẻ “physital” tại Việt Nam.

Nghiên cứu mới trên đây là một phần trong chuỗi báo cáo chuyên sâu của NSC. Báo cáo cung cấp bức tranh toàn cảnh về thị trường thủy sản toàn cầu với dữ liệu độc quyền từ các báo cáo Deep Dive (phỏng vấn chuyên sâu) của NSC, theo dõi hành vi và thái độ mua hàng của khoảng 18.000 người tiêu dùng tại 17 quốc gia.