Người Xơ Đăng ở vùng núi cao nổi tiếng Kon Tum háo hức đi học livestream bán sâm Ngọc Linh
09:31 - 11/12/2024
Chiều 10/12, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) tổ chức Chương trình tập huấn ứng dụng thương mại điện tử và thi livestream trên nền tảng mạng xã hội (Tiktok, Zalo, Facebook) cho đồng bào Xơ Đăng.
Sò điệp Việt Nam thâm nhập sâu vào các thị trường
Giá tiêu tiếp tục giảm ở Gia Lai, chỉ còn Đắk Nông kiên cường giữ giá tiêu cao nhất Tây Nguyên
Nuôi bò thương phẩm, HTX Tiên Phong mở lối thoát nghèo cho bà con vùng cao
Xây dựng nông thôn mới, bản làng ở nơi này tươi đẹp, đáng sống
Theo đó, ban tổ chức đã mời 14 KOL (nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội) có lượt theo dõi cao để tập huấn cách bán hàng trên các sàn điện tử cho 204 người dân, hợp tác xã của 11 xã trên địa bàn.
Việc tập huấn nhằm mục đích để người dân nắm rõ quy trình bán hàng trên các sàn điện tử, cách livestream để thu hút người tiêu dùng, qua đó bán được hàng cho các đối tác.
Quang cảnh buổi tập huấn livestream bán hàng cho bà con Xơ Đăng.
Sau phần tập huấn, các đội đã tổ chức thi livestream, chia làm 2 bảng. Bảng chuyên nghiệp dành cho các KOL khách mời, bảng nghiệp dư dành cho 11 đội của 11 xã. Tại 2 bảng thi nói trên, các đội thi sẽ tổ chức livetream bán các sản phẩm OCOP của địa phương, sâm Ngọc Linh...
Ban tổ chức sẽ căn cứ trên lượt tương tác trên mạng xã hội (lượt view, xem, like, chia sẻ) và số lượng hàng được bán, số tiền thu được để chấm, trao giải cho các đội thi.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết huyện có tiềm năng to lớn để phát triển nông nghiệp, dược liệu. Trong đó, từ tiềm năng này, địa phương đã phát triển được 30 sản phẩm OCOP, giúp nâng cao giá trị hàng hóa.
Hiện nay, công nghệ số được phát triển mạnh mẽ, buộc người bán hàng phải mở rộng tìm kiếm khách hàng trên các sàn điện tử. Tuy nhiên, từ trước đến nay, phương thức bán hàng trên sàn điện tử của người dân chưa được chuyên nghiệp, chưa tiếp cận được khách hàng, giá trị mang lại còn thấp.
"Do đó, huyện mời các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp để trực tiếp tập huấn cho người dân bán hàng. Những nhà sáng tạo này là người có kinh nghiệm, có lượt theo dõi cao, sẽ trực tiếp truyền đạt cho người dân cách bán hàng hiệu quả. Huyện tin sau khi được đội ngũ các KOL chuyên nghiệp hướng dẫn, đồng bào Xơ Đăng, các đơn vị Hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ có những kiến thức hữu ích để tham gia bán hàng trên sàn điện tử, qua đó quảng bá đặc sản địa phương, tăng thu nhập cho chính mình", ông Mạnh nói.