Nguồn vốn, quỹ đất, chính sách kìm hãm chăn nuôi công nghệ cao
21:32 - 08/09/2024
ĐBSCL Các vấn đề liên quan đến nguồn vốn, quỹ đất, giá cả thức ăn và chính sách đang khiến chăn nuôi công nghệ cao ở TP Cần Thơ khó phát triển xứng tầm.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Địa bàn TP Cần Thơ hiện có khoảng 300 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, chỉ có 4 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, không có trang trại quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ vào hoạt động chăn nuôi.
Tại tọa đàm chủ đề “Chăn nuôi công nghệ cao tại ĐBSCL cần mô hình quy mô phù hợp” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ chia sẻ, hoạt động chăn nuôi ở địa phương chủ yếu theo hướng nhỏ lẻ, mô hình chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi công nghệ cao chưa được người dân quan tâm phát triển.
Nguyên nhân, do thời gian gần đây tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp, đặc biệt dịch tả heo Châu Phi diễn ra vào năm 2019 đã gây thiệt hại khoảng 50% tổng đàn heo trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến nguồn vốn, quỹ đất và chính sách phát triển chăn nuôi còn nhiều khó khăn. Giá thức ăn tăng cao, đẩy giá thành sản xuất tiệm cận với giá bán, người chăn nuôi khó có lãi. Trên 90% người dân trên địa bàn thành phố chăn nuôi quy mô nhỏ, chưa quan tâm áp dụng công nghệ mới.
Ông Vinh bày tỏ, chăn nuôi công nghệ cao là mô hình chăn nuôi hiện đại góp phần kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để phát triển ngành chăn nuôi và chăn nuôi theo hướng công nghệ cao ở khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, cần quan tâm tháo gỡ vấn đề vốn và khoa học công nghệ.
Thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 về việc xây dựng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt quyết định thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại quận Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ.
Theo đó, địa phương đã xây dựng chính sách hỗ trợ thuê đất, giảm thuế nhằm thu hút sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tại trung tâm. Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn của ngành chăn nuôi thời gian qua.
Ngoài ra, để khuyến khích người chăn nuôi thực hiện chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang hình thức liên kết HTX gắn với tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi. Sở NN-PTNT TP Cần Thơ sẽ phối hợp cùng ngành chức năng hỗ trợ kỹ thuật và các chính sách liên quan, tạo điều kiện cho các cơ sở có định hướng phát triển chăn nuôi công nghiệp tham gia vào khu vực chăn nuôi tập trung.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương sẽ tiếp tục thực hiện cải thiện chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động chăn nuôi, xây dựng chuỗi liên kết đầu ra ổn định. Qua các chủ trương chính sách thu hút doanh nghiệp, đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đã có 14 cơ sở chăn nuôi, trang trại đạt theo hướng VietGAP và 22 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Ông Vinh bày tỏ, tuy số lượng cơ sở chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn TP Cần Thơ không nhiều nhưng đều được liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi. Nhìn chung hoạt động chăn nuôi công nghệ cao ở TP Cần Thơ đã ổn định về chất lượng và giá thành sản phẩm, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.