Nhà kính nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng đang gặp vô số khó khăn gì về quản lý, kiểm soát?
18:28 - 27/08/2024
Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo để thảo luận về việc phát triển nhà kính đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển đô thị, đảm bảo cảnh quan môi trường hướng đến nông nghiệp đô thị xanh và bền vững.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Sáng ngày 9/8, tại TP. Đà Lạt, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo Quản lý nhà kính sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến, tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp đã được đưa ra nhằm giúp cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà xây dựng "chiến lược" phát triển nhà kính sản xuất nông nghiệp đảm bảo hài hòa với các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển đô thị, đảm bảo cảnh quan môi trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là tại TP. Đà Lạt và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng) nhà kính là một trong những giải pháp kỹ thuật được người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ưu tiên đầu tư xây dựng làm cơ sở cho việc kết hợp với các giải pháp công nghệ cao khác phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh những hiệu quả, lợi ích kinh tế do việc ứng dụng nhà kính mang lại trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian qua việc phát triển nhà kính thiếu sự kiểm soát, đặc biệt một số nhà kính lấn chiếm đất rừng, hành lang bảo vệ các công trình (giao thông, thủy lợi, khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, an ninh, quốc phòng...) đã ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị.
"Sử dụng nhà kính với mật độ xây dựng cao, không bố trí các diện tích sản xuất ngoài trời, diện tích cây xanh và hệ thống thu, thoát nước đã tác động xấu đến cảnh quan, môi trường; cản trở quá trình thẩm thấu của nước mưa là một phần nguyên nhân gây ra ngập úng tại một số khu vực.
Ngoài ra việc ứng dụng công nghệ nhà kính và các giải pháp thâm canh cao cũng khiến tính đa dạng sinh học bị hạn chế, thành phần nhiều loài thiên địch giảm, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật sống trong tự nhiên", ông Nguyễn Văn Châu thông tin.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Toàn – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, nhà kính nông nghiệp đô thị là xu thế tất yếu của đô thị hóa hiện đại. Nếu phát triển được kiểm soát tốt thì sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị; không ảnh hưởng đến định hướng phát triển bền vững của thành phố Đà Lạt dựa trên 5 tiêu chí: Hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Toàn cũng cho rằng, công việc quản lý và phát triển các nhà kính trên địa bàn TP.Đà Lạt là rất lớn, rất khó khăn và phức tạp. Việc triển khai thực hiện sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, là sự đồng thuận của doanh nghiệp và nhân dân. Tiếp sau đó là xây dựng kế hoạch triển khai thật chi tiết và khả thi, đảm bảo đủ căn cứ pháp lý, nguồn lực thực hiện hiệu quả.
Nói về nhà kính tại TP. Đà Lạt hiện nay, PGS. TS Mai Văn Trịnh – Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp cho rằng, nhà kính Đà Lạt là tồn tại tất yếu, gắn liền với sự phát triển nông nghiệp của TP. Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là thể hiện của nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp thu hút đầu tư, phát triển du lịch.
Tuy nhiên, TP. Đà Lạt cũng như ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần phát triển nhà kính dựa trên quy hoạch tổng thể và quy hoạch cảnh quan, liên kết du lịch với nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp trải nghiệm, đa giá trị. Từ đó, biến nhà kính thành bức tranh nghệ thuật nhìn từ trên không.
Lo ngại về việc triển khai thực hiện giảm thiểu nhà kính trong nội ô TP. Đà Lạt, ông Lại Thế Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cho rằng, việc triển khai Quyết định 178 của UBND tỉnh Lâm Đồng về vấn đề trên đang gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến việc lựa chọn loài và giống hoa ngoài trời (sau khi tháo dỡ nhà kính) rất khó khăn do: Giống thích nghi, quy trình, cần tăng quy mô diện tích mới bảo đảm sinh kế nông hộ, chuỗi sản xuất và tiêu thụ, thị trường chưa rõ? Các loài hoa trồng ngoài trời hiện nay chủ yếu là hoa kèm, trang trí, nhu cầu sản lượng ít, giá trị thấp, thị trường hẹp, khó tăng diện tích gieo trồng…
Hơn nữa, việc di dời nhà kính đi đâu khi nông dân không có đất ở khu vực ngoại ô TP. Đà Lạt cũng là khó khăn rất lớn, chỉ có tháo gỡ nhà kính làm phế liệu. Nhà kính là tài sản lớn của người dân với giá trị từ 2-3 tỷ đồng/ha (vay đầu tư, khấu hao dài hạn,…), tài sản trở thành phế liệu khi không còn giá trị sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Châu cho biết, sau khi ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân thì các sở, ngành liên quan sẽ phối hợp với Sở NNPTNT có những kiến nghị, đề xuất gửi UBND tỉnh Lâm Đồng. Từ đó, triển khai hiệu quả Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 theo Quyết định 178/QĐ-UBND ngày 30/01/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.