Nhật Bản đối mặt tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng nhất trong 30 năm
21:07 - 30/09/2024
Sau một mùa hè nắng nóng kỷ lục, Nhật Bản tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng nhất trong 30 năm qua.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Các siêu thị ở Nhật Bản đã giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua một túi gạo một lúc trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt. Nguyên nhân được cho là do lượng khách du lịch lớn yêu thích món sushi, thời tiết khắc nghiệt và chính sách nông nghiệp sai lầm trong nhiều thập kỷ. Nhiều người mua gạo trực tuyến đã bị hủy đơn hàng hoặc phải "bốc thăm" để được mua gạo.
Lượng gạo tồn của khu vực tư nhân trong tháng 6 ở mức thấp nhất kể từ năm 1999, trong khi giá một bao gạo tiêu chuẩn 5kg hiện có giá khoảng 3.000 yên Nhật (516.000 đồng), tăng 60% so với năm trước.
"Những người có tâm lý hoảng sợ đang mua nhiều gạo hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, tôi biết tại sao họ lại làm vậy. Mặc dù không ăn gạo mỗi ngày, người Nhật vẫn muốn tích trữ gạo trong nhà", bà Minami Ota, một người mua hàng ở phường Bunkyo của Tokyo, cho biết. Bà Ota đã đi 4 cửa hàng trước khi mua được một túi gạo chất lượng thấp hơn so với loại bà thường mua
Giới chức Nhật Bản cho biết họ đang đánh giá lại khả năng trụ vững của hệ thống lương thực ở Nhật Bản, vốn chỉ đáp ứng 38% tổng nhu cầu lương thực trong nước. Nhật Bản có thể sản xuất đủ gạo và chính phủ nước này kiểm soát cẩn thận việc nhập khẩu trong khi tìm cách hạn chế sản xuất để giữ giá gạo ở mức cao.
Tuy nhiên, ông Kazuhito Yamashita, một cựu quan chức cấp cao thuộc Bộ Nông nghiệp Nhật Bản và hiện là một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu toàn cầu Canon, cho rằng Nhật Bản đã lơ là với việc nước này ngày càng dễ bị tổn thương với các cú sốc liên quan tới lương thực.
"Chính sách cố tình giảm sản lượng của Nhật Bản nhằm hỗ trợ giá gạo đã tự đẩy nước này vào vị thế mà chỉ cần những thay đổi tương đối nhỏ về nguồn cung hay nhu cầu gạo cũng có thể gây ra những tác động tương đối nghiêm trọng. Chúng ta đã tự đẩy mình vào tình trạng này", ông Yamashita cho biết.
Theo ông Yamashita, Nhật Bản đáng lẽ ra đã có thể trở thành một siêu cường xuất khẩu gạo, với sản lượng gấp đôi, trữ lượng lớn và đóng vai trò lớn trong việc giảm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.
Số lượng du khách nước ngoài ngày càng tăng của Nhật Bản là một yếu tố thúc đẩy lượng tiêu thụ gạo của nước này tăng cao, đạt 6,9 triệu tấn vào năm 2023. Nhật Bản đón lượng du khách kỷ lục trong 7 tháng đầu năm 2024, với 21 triệu du khách và tổng lượng tiêu thụ lương thực và đồ uống trong quý 2/2024 tăng khoảng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Giới chuyên gia cho biết lượng gạo du khách tiêu thụ có thể tăng thêm 100.000 tấn gạo mỗi năm.
Mặc dù sản lượng gạo của Nhật Bản trong năm 2023 đạt gần mức trung bình, song thời tiết mưa lớn và nắng nóng gay gắt đã khiến cho một lượng lớn gạo sản xuất ra không đảm bảo chất lượng để bán trên thị trường. Ông Yamashita cho rằng ảnh hưởng của thời tiết cực đoan khiến khoảng 200.000 tấn gạo không thể được cung cấp ra thị trường.
Trong khi đó, tổng diện tích đất dành cho trồng lúa ngày càng giảm. Chính phủ Nhật Bản dưới nhiều thời các Thủ tướng khác nhau, do có sự phụ thuộc lớn vào lực lượng cử tri ở các vùng nông thôn, đã liên tục trợ cấp cho nông dân để họ bỏ hoang những cánh đồng trồng lúa.
Chính phủ Nhật Bản lý giải việc đưa ra chính sách này là do dân số nước này suy giảm và khẩu vị thay đổi. Dù gạo giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong nền ẩm thực Nhật Bản, nhu cầu gạo của nước này đã giảm trong nhiều thập kỷ. Từ năm 2014 đến nay, số tiền mà các hộ gia đình ở Nhật chi để mua bánh mì đã lớn hơn tiền mua gạo, theo số liệu từ cơ quan thống kê Nhật Bản.
Tổng lượng tiêu thụ gạo của Nhật Bản đã giảm khoảng 100.000 tấn/năm, xấp xỉ bằng lượng gạo mà chính phủ Nhật Bản áp dụng chính sách giảm sản lượng.
Trong khi đó, nông dân Nhật Bản, có độ tuổi trung bình gần 69, đang ngày một giảm. Các cánh đồng lúa đang ngày càng thu hẹp, với tốc độ giảm mà công ty nghiên cứu Teikoku Databank cho là sẽ đạt kỷ lục trong năm nay, trong bối cảnh chi phí phân bón và năng lượng tăng cao.
"Nếu tình trạng này kéo dài, có khả năng Nhật Bản sẽ không đảm bảo được nguồn cung gạo ổn định trong tương lai", nhà phân tích Daisuke Iijima của Teikoku cảnh báo.
Các siêu thị ở Nhật Bản có thể sẽ có gạo trở lại khi vụ lúa hè được thu hoạch và được đưa ra thị trường trong những tuần tới. Tuy nhiên, giới chuyên gia nói rằng điều đó sẽ đồng nghĩa với lượng gạo tồn trữ bị rút sớm và có thể dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong mùa hè năm sau.
"Vào tháng 5/2024, khi vụ lúa đang được thu hoạch được gieo trồng, chính phủ không nghĩ rằng sẽ có tình trạng thiếu gạo, vì vậy họ cũng đã khuyến khích giảm sản lượng trong năm nay", ông Yamashita nói.