Nhiều kiến nghị của VASEP về hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh

Nhiều kiến nghị của VASEP về hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh

14:07 - 16/09/2024

VASEP vừa có công văn gửi Bộ NN-PTNT góp ý Dự thảo Nghị định về hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh.

Dự án nuôi trâu, bò sinh sản giúp hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững

VASEP – trong bối cảnh chứng kiến siêu bão Yagi tàn phá nặng nề gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất nông-thủy sản tại nhiều tỉnh thành miền Bắc – đã nghiên cứu Dự thảo và có một số góp ý-đề xuất.

 

VASEP đánh giá cao việc Chính phủ xem xét để ban hành Nghị định kể trên (thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017) nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, ngành muối nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh thực vật nhất là trong bối cảnh nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh – như trường hợp cơn bão Yagi vừa gây ra tại các tỉnh phía Bắc.

VASEP góp ý bổ sung thêm đối tượng «Doanh nghiệp» có các hoạt động nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh vào đối tượng được hỗ trợ.

Khi đó, nội dung Dự thảo sẽ là:

“1. Đối tượng hỗ trợ:

Cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (sau đây gọi là cơ sở sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh thực vật gây ra.”

Lý do và cơ sở cho góp ý-đề xuất trên, theo VASEP, hiện tại và xu hướng tương lai, doanh nghiệp là một chủ thể không tách rời, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Đó không chỉ là một hình thái cơ bản của «kinh tế nông nghiệp» đang phát triển mạnh mẽ, mà còn là hiện trạng của thực tiễn theo chủ trương của Nhà nước và các văn bản pháp lý hiện hành.

Theo quy định pháp luật, thì các chủ thể kinh tế là bình đẳng trước pháp luật. Doanh nghiệp nông nghiệp không chỉ tham gia tích cực vào kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy công ăn việc làm, gia tăng sản lượng-chất lượng và giá trị của sản phẩm nông-thủy sản Việt Nam, đóng góp cho ngân sách địa phương và xã hội. Bởi vậy, khi có thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông-thủy sản nói chung thì «doanh nghiệp» hoàn toàn là một đối tượng phù hợp để thuộc danh mục đối tượng nhận hỗ trợ.

Nhiều chính sách thực tiễn trong thời gian từ giai đoạn Covid-19 tới nay, đặc biệt gần đây nhất là công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc «Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau Bão» thì «doanh nghiệp» luôn là chủ thể bên cạnh «người dân» trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

VASEP cũng đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét, sửa đổi 1 số cơ chế, thủ tục hỗ trợ thiệt hại, theo hướng: Bổ sung quy định thời hạn cụ thể từ khi ban hành quyết định hỗ trợ đến khi chi trả thực tế; Rút ngắn các thời hạn xử lý các thủ tục hành chính tại từng bước để tăng hiệu quả, tính kịp thời và ý nghĩa chủa chính sách.

Do vấn đề «thiên tai hoặc dịch bệnh» nếu xảy ra thì thường trên diện rộng, dự thảo Nghị định cần điều chỉnh để cho phép (phân cấp) UBND cấp xã được quyền chủ trì tập hợp thống kêthẩm tra thiệt hại của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm rút ngắn thời gian hỗ trợ khôi phục sản xuất.

Điều 6 của Dự thảo quy định về trình tự thủ tục hỗ trợ thiệt hại, gồm các bước sau: Cơ sở sản xuất nộp hồ sơ cho UBND cấp xã. UBND cấp xã xem xét và trả lời về tính hợp lệ của hồ sơ. UBND cấp xã thẩm định hồ sơ trong 30 ngày, hoặc kéo dài không quá 60 ngày. UBND cấp xã niêm yết công khai trong thời hạn 5 ngày làm việc. UBND cấp xã gửi hồ sơ cho UBND cấp huyện trong vòng 3 ngày làm việc. UBND cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ trong vòng 30 ngày.

VASEP cho rằng, quy trình thủ tục như trên là chưa phù hợp do: Thủ tục như Dự thảo mới chỉ đề cập đến việc ban hành quyết định hỗ trợ, chứ chưa đề cập đến việc chi trả thực tế. Như vậy, có thể dẫn đến tình trạng từ thời điểm UBND cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ cho đến khi tiền hỗ trợ đến tay cơ sở sản xuất bị kéo dài không xác định thời hạn.

Tổng thời gian để thực hiện tất cả các công đoạn trên tương đối dài, có thể lên đến 70 ngày hoặc dài hơn. Điều này chưa phù hợp với mục đích của việc hỗ trợ là giúp cơ sở sản xuất nông nghiệp sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.

Thiên tai, dịch bệnh thường ảnh hưởng đến nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp cùng một lúc. Nếu yêu cầu từng cơ sở phải nộp hồ sơ và thực hiện thủ tục riêng lẻ có thể sẽ phức tạp, tốn kém chi phí, kéo dài thời gian và có thể mất nhiều cơ hội “khôi phục” cho cơ sở.