Nhờ cách làm này, các hợp tác xã nông nghiệp ở Lào Cai tăng cả về quy mô và sản lượng, xã viên phấn khởi
20:51 - 28/09/2024
Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tăng cường áp dụng khoa học, tham gia xúc tiến tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai đã và đang hoạt động khá hiệu quả; năng suất, sản lượng được nâng lên, nhờ đó thu nhập của xã viên cũng tăng cao.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Liên kết để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên
Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Thắng Phạm Hồng Phong, chúng tôi tới thăm hợp tác xã Nậm Dù ở xã Xuân Quang. Thành lập năm 2019, hợp tác xã Nậm Dù quy tụ 17 hộ thành viên, trong đó có 3 hộ nuôi ong và 14 hộ trồng na. Ngay từ khi mới thành lập, hợp tác xã đã triển khai những biện pháp hỗ trợ xã viên, như: hỗ trợ giống ong; tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong, khai thác mật; trồng na trái vụ; cải tạo diện tích na già cỗi và bao tiêu sản phẩm... Nhờ đó, xã viên yên tâm sản xuất, ngày càng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 630 tấn na, hơn 5 nghìn lít mật ong và gần 500 đàn ong giống. Sản phẩm mật ong và quả na được người tiêu dùng biết đến thông qua xúc tiến thương mại, hội chợ, trang facebook, zalo, trên sàn thương mại điện tử Postmart.
Từ việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã Nậm Dù tạo việc làm ổn định cho 30 lao động và hơn 120 lao động thời vụ, tổng doanh thu bình quân gần 19 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân thành viên hợp tác xã đạt 140 triệu đồng/năm. Cả 2 sản phẩm của hợp tác xã là mật ong và quả na đều được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Cao Văn Chiến, Giám đốc hợp tác xã Nậm Dù cho biết: Nghề nuôi ong lấy mật và trồng na đã gắn bó với người dân Xuân Quang từ vài chục năm trước. Tuy nhiên, trước đây người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, quảng canh, ít chăm sóc, ít đầu tư nên giá trị kinh tế không cao. Từ khi tham gia hợp tác xã, sản phẩm có thương hiệu, thị trường tiêu thụ mở rộng, giá trị kinh tế tăng cao.
Đơn giản như đối với mật ong, trước đây sau mỗi vụ khai thác mật, người dân thường đem ra các chợ phiên để bán với giá 150 - 200 nghìn đồng/lít, số lượng bán ra không nhiều. Từ khi xây dựng được thương hiệu mật ong núi đá, sản phẩm đã được tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh, được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, giá bán tăng 2 - 3 lần so với trước...
Chia tay hợp tác xã Nậm Dù, chúng tôi tới thăm hợp tác xã thủy sản Phong Hải, hiện nay Hợp tác xã có 15 thành viên, tổng diện tích ao nuôi hơn 20ha, sản lượng khoảng 450 tấn cá/năm. Nhờ chủ động liên kết với các đơn vị cung cấp cá giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cho cá, hợp tác xã duy trì tốt việc hỗ trợ thành viên, nông dân về các dịch vụ đầu vào và hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc cá. Ông Nguyễn Văn Hợp, Giám đốc hợp tác xã thủy sản Phong Hải cho biết: Hằng năm, hợp tác xã đều xây dựng kế hoạch ghi rõ thời vụ thả giống, thời gian thu hoạch cho từng hộ. Đến kỳ xuất bán sẽ có tổ đánh bắt đến tận nơi và tổ kinh doanh phân chia hàng giao đi các tỉnh. Hợp tác xã vận hành quy trình chăn nuôi khép kín từ sản xuất, cung ứng con giống, thuốc phòng bệnh và thức ăn cho cá tới bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Lượng, tổ dân phố số 5, thị trấn Nông trường Phong Hải tâm sự: Trước đây, gia đình nuôi cá chủ yếu phục vụ nhu cầu thực phẩm và cung cấp cho vài hộ trong thôn. Năm 2019, gia đình tôi trở thành thành viên của hợp tác xã thủy sản Phong Hải, được hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên thu nhập cao hơn trước. Gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện với hơn 2ha ao nuôi, mỗi năm gia đình thu về 40 – 50 tấn cá.
Nhân rộng mô hình hợp tác kiểu mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Phạm Hồng Phong, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Thắng, Lào Cai cho hay, huyện Bảo Thắng hiện có 36 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với gần 400 thành viên, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.
Những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hằng năm, huyện tổ chức các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; triển khai các chính sách cho vay phát triển sản xuất; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các hợp tác xã, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác kiểu mới từ các tổ hợp tác hoạt động hiệu quả trên địa bàn…
Bên cạnh đó, các hợp tác xã cũng chủ động đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, đầu tư vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh; xây dựng các mô hình sản xuất chuyên canh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, liên kết tiêu thụ nông sản tại địa phương.
Nhìn từ thực tế, những chuyển biến tích cực về phương thức hoạt động, tổ chức sản xuất, đầu tư, liên kết gắn với chuỗi giá trị của các hợp tác xã nông nghiệp ở Bảo Thắng đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của huyện phát triển bền vững.