Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất

Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất

17:23 - 29/11/2024

HÒA BÌNH Bà Bùi Thị Thượng - nông dân ở xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc) vẫn còn nhớ như in chuyện mình được đi Ý hai lần để dự hội nghị hữu cơ thế giới.

Thả rong để nuôi tép, làm chơi, ăn thật
Loại củ đang vào mùa ở Việt Nam, giá rẻ, nhiều người thích nhưng cực độc nếu ăn sai cách
Đạt 9,2 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu thủy sản 2024 tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Lý do bất ngờ khiến giá cà phê 'bùng nổ', Đắk Nông một mình đưa giá cà phê lên mốc cao mới
Hà Giang: Xã nghèo vùng III quyết tâm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới
Mùa vàng ở vùng cao Tân Lạc.

Mùa vàng ở vùng cao Tân Lạc.

Tổ chức Tự nguyện Quốc tế Nhật Bản (JVC) sau khi tập huấn, hỗ trợ cho người Mường quê bà Thượng về nông nghiệp hữu cơ đã mời lãnh đạo xã, nông dân tiên tiến ở đây đi Ý hai lần vào năm 2006 và năm 2008 để dự hội nghị hữu cơ thế giới với 141 nước và trên 7.000 đại biểu tham gia. Mỗi nước bày ra một quầy hàng nhằm giới thiệu về những sản phẩm nông nghiệp của mình.

Bà Thượng đã mang gạo nếp cẩm quê mình ra gói bánh chưng, luộc rồi mời các đại biểu thế giới. Sau khi ăn thử, ai cũng ồ lên, trầm trồ rằng gạo hữu cơ của Việt Nam ngon quá, bánh hữu cơ của Việt Nam tuyệt quá. Đó quả thực là một chuyện lạ với họ bởi nhiều nước tham gia hội nghị hữu cơ không hề có lúa nước như Việt Nam mà chỉ có yến mạch, lúa mì.

Trước đây người Mường huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) cấy lúa nhiều dảnh nhưng người Nhật đã dạy cho họ cách cấy lúa một dảnh, bón phân chuồng, không phun thuốc hóa học nên giảm thiểu được sâu bệnh, cải thiện được chất lượng.

Anh Bùi Văn Đon ở xóm Xôm (xã Vân Sơn) có 3 sào lúa đến nay vẫn áp dụng theo phương pháp sản xuất hữu cơ này. Cụ thể, anh thu gom cỏ, phế phụ phẩm trong trồng trọt rồi trộn với phân chuồng, đắp bùn kín bên trên cho sinh nhiệt để diệt hết mầm bệnh, ủ từ tháng 10 đến tháng 2 sang năm thành phân hữu cơ rồi cào ra bón. Trong quá trình cấy lúa anh gần như không phun thuốc BVTV hóa học, ấy vậy mà chẳng mấy khi bị sâu bệnh.

Ngày nay, những giống lúa bản địa canh tác theo hướng hữu cơ truyền thống đang có nguy cơ mai một ở các bản làng vùng cao huyện Tân Lạc.

Ngày nay, những giống lúa bản địa canh tác theo hướng hữu cơ truyền thống đang có nguy cơ mai một ở các bản làng vùng cao huyện Tân Lạc.

Chẳng bù cho mấy chục năm trước, thời còn hợp tác xã kiểu cũ, càng dùng thuốc trừ sâu nhiều thì sâu bệnh càng phát triển. Người dân lệ thuộc hoàn toàn vào hóa chất nhưng có những năm sâu vẫn cắn lúa như bị cả đàn trâu ăn. Từ ngày bà con làm theo hướng hữu cơ thì sâu bệnh giảm hẳn, nhiều vụ lúa ở đây đã không còn phải phun thuốc BVTV.

Tuy nhiên, điều trăn trở là sản phẩm hữu cơ thường mẫu mã xấu hơn, giá bán lại chỉ ngang với sản phẩm thông thường nên không khuyến khích được họ mở rộng diện tích. Thêm vào đó, những giống lúa bản địa như nếp cẩm, Đài Bắc Tám năng suất chỉ được 1,2 - 1,4 tạ/sào nên nhiều nhà đã không muốn giữ mà đã chuyển sang các giống lúa lai, lúa thuần mới.

Bà Thượng kể, cánh trẻ bây giờ nhiều người đã bỏ giống lúa cũ đi bởi chê chúng năng suất thấp nhưng mình vẫn kiên quyết giữ lại. Như giống Đài Bắc Tám bản địa thơm ngon nhất hạng, khi bà lớn lên đã thấy có rồi, người già 80 - 90 tuổi cũng không biết là chúng đã xuất hiện từ bao giờ.

Giống này chỉ trồng được trong vụ xuân và có ưu điểm là chịu rét rất giỏi nên làm mạ không phải che chắn. Có những thời điểm mùa đông cây trên đỉnh núi bị đóng băng, nước trong khe bị đóng băng mà mạ của Đài Bắc Tám vẫn sống. Trước đây mấy xã vùng cao của huyện Tân Lạc đều có nếp cẩm, Đài Bắc Tám nhưng giờ cứ hiếm dần vì nhiều người chạy theo sự tiện lợi trong canh tác, chạy theo năng suất.  

Khuynh hướng sống gấp, sản xuất nhanh cũng khiến cho nhiều người quên đi những mô hình canh tác bền vững như lúa - vịt. Theo đó, trên cùng một diện tích trồng lúa, nếu kết hợp nuôi thả vịt sẽ tiết kiệm được công làm cỏ, giảm chi phí đầu tư mua phân hoá học và thuốc trừ sâu, có lợi về môi trường và sức khoẻ. Tuy nhiên, chính vì việc bán lúa và bán vịt theo mô hình sản xuất hữu cơ đó không được giá cao hơn sản xuất thông thường nên nhiều người sinh ra chán nản, từ bỏ. Đó cũng là thực trạng chung của nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở vùng cao Tân Lạc.