Những người lăn vào làm chè sạch ở Long Cốc
21:53 - 14/05/2024
PHÚ THỌ Mấy ai biết rằng những đồi chè ở Long Cốc (Thanh Sơn, Phú Thọ) đẹp mộng mơ trở nên sạch hơn, thơm hơn một phần nhờ những người tiên phong này…
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil
Giám đốc HTX sẵn sàng mất nhà để làm chè sạch
Chị Phạm Thị Hạnh quê gốc ở xã Tam Thanh, năm 1990 lấy chồng về xã Long Cốc (Tân Sơn, Phú Thọ) rồi tiếp nối nghề trồng chè, sao chè, mang đi bán. Trước, cũng như nhiều người, chị trồng chè không phun thuốc, không bón phân. Từ năm 1999 chè có giá, dân trồng giống lai thay cho giống trung du truyền thống. Muốn có năng suất cao nên họ phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ và bón phân hóa học vô tội vạ, thậm chí tung đạm lên cả mặt tán đợi vài ngày mầm lên là hái.
Mấy năm là công nhân nhà máy chè, làm quần quật từ sáng đến tối mà trừ tiền phân, tiền thuốc nhiều tháng chỉ được vài trăm ngàn đồng nên chị Hạnh bỏ về nhà mua 2 guồng quay chè. Sản phẩm làm ra chị đóng từng bao tải mang lên Thái Nguyên, dựa vào hơi chè Thái mà bán.
Năm 2015, xã Long Cốc tổ chức mấy lớp tập huấn IPM trên chè. Trước 1 lứa chè phun 3 lần thuốc BVTV, giờ vài tháng mới phun 1 lần, thuốc BVTV hóa học độc hại được thay dần bằng thuốc sinh học hay thuốc ít độc hơn. Cũng năm đó, lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện cùng xã động viên chị đứng lên thành lập Tổ hợp tác Sản xuất chè an toàn xã Long Cốc gồm 3 người. Sang năm sau thì 2 người bỏ cuộc.
Không dùng thuốc trừ cỏ, không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu nên năng suất chè an toàn của Tổ chỉ bằng 1/3 chè dùng hóa chất nhưng khi bán giá lại bằng nhau vì chẳng ai tin là sản phẩm sạch. Năm 2018, chị Hạnh đi các tỉnh học hỏi tại sao người ta lấy chè của mình đóng bao bì là bán được, còn mình thì không. Lúc đó chị mới vỡ lẽ ra rằng do người ta đã có thương hiệu.
Quyết chí gây dựng thương hiệu cho đặc sản quê hương, chị gom hết vốn ra chưa đủ nên phải thế chấp cả nhà để vay ngân hàng 500 triệu đồng, lại vay thêm lãi ngoài, tổng cộng được 4,5 tỉ đồng mua sắm máy, thành lập HTX Sản xuất chè an toàn Long Cốc. Trong khi chị chấp nhận có thể một ngày phải ra đường vì HTX nhưng vận động người vào rất khó. Dân hỏi sản xuất chè an toàn thì chúng tôi bán cho ai? Chị trả lời, sản xuất chè an toàn trước tiên là bảo vệ sức khỏe cho chính mình đã, sau rồi mới xây dựng thương hiệu để bán với giá cao hơn.
HTX lúc đầu chỉ có 7 thành viên. Chị hỗ trợ để họ trồng được 5ha chè giống Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, chăm bón bằng phân hữu cơ. Giá búp chè lai hái tay người ta bán 9.000 - 10.000 đồng/kg thì HTX mua 25.000 - 30.000 đồng/kg, chè Bát Tiên người ta bán 25.000 đồng/kg thì HTX mua 50.000 đồng/kg.
Khi có sản phẩm rồi chị mang cho các cửa hàng, siêu thị uống thử, lại trình cả giấy tờ kiểm nghiệm an toàn để tăng thêm độ tin tưởng. Khoảng 70% khách hàng sau đó chấp nhận mua bởi đã uống là không thể quên được vị chát rồi ngọt hậu của chè an toàn Long Cốc với màu nước vàng như mật ong chứ không xanh như hàng thường. Năm 2020, sản phẩm chè xanh Bát Tiên của HTX được công nhận OCOP 4 sao. Năm 2021, sản phẩm chè đinh Bát Tiên và chè đinh đặc sản được công nhận OCOP 4 sao. Năm 2022 lại có thêm sản phẩm chè Shan tuyết được công nhận.
Đang thuận đà thì dịch Covid-19 ập đến, tàn phá tất cả. Từ doanh số 250 - 300 triệu đồng/tháng xuống chỉ còn 20 - 30 triệu đồng/tháng, không đủ trả lãi chứ không nói đến trả nợ gốc, HTX buộc phải cắt giảm lao động từ 10 người xuống 3 người, lay lắt duy trì hoạt động. Khi dịch qua đi, năm 2023 chị vay mượn thêm, đầu tư cho 15 thành viên và 20 hộ liên kết với tổng diện tích 15ha chè.
Chị chấp nhận bán ký gửi để mở rộng thị trường với giá chè đinh Bát Tiên 2,5 triệu đồng/kg, chè đinh đặc sản 1 triệu đồng/kg, chè Bát Tiên 500.000 đồng/kg, chè Shan tuyết 300.000 đồng/kg. Doanh thu của HTX bắt đầu nhích lên 180 - 200 triệu đồng/tháng. Năm 2023, đơn vị lãi được hơn 200 triệu đồng, chia cổ tức 20% khiến các thành viên ai cũng vui.
Chị Hà Thị Thủy (59 tuổi) tham gia vào HTX đã 7 năm với số vốn góp 50 triệu đồng bảo: “Xưa mấy chị em cùng làm chè với nhau. Cô Hạnh bảo chúng tôi xới cỏ bằng tay, bón phân hữu cơ thì thu mua cho, dần thành HTX. Nhà tôi có 1,5ha chè, mỗi năm bán 6 - 7 tấn chè búp tươi hái bằng tay, chất lượng cao cho HTX, khi nào xong mới hái máy bán ra ngoài loại chè chất lượng thấp hơn. Tổng thu được khoảng hơn 200 triệu đồng/năm, trong đó lãi được 50%”.
"Chè bẩn thử bằng cách pha nước lạnh vẫn ra màu xanh chứ không có màu vàng mật ong như chè sạch, uống vào thì có vị ngọt lợ như mì chính hoặc đường chứ không chát rồi mới ngọt hậu", chị Phạm Thị Hạnh, Giám đốc HTX Sản xuất chè an toàn Long Cốc chia sẻ kinh nghiệm.
Làm chè sạch để khỏe, để dễ sinh đẻ
Không chỉ giới hạn ở HTX mà chuyện làm chè an toàn đã lan ra đồi chè của các nông hộ. Buổi tối ngủ lại Long Cốc tôi được anh Hà Văn Vương - Phó Chủ tịch UBND xã dẫn đến xưởng sao chè của chị Hà Thị Tuyến ở khu Bông 2. Mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Búp chè một tôm hai lá được cho vào guồng quay dưới tác động của ngọn lửa to để ốp cho héo nhanh, đủ độ nóng thì đưa ra máy vò rồi lại cho vào guồng quay tiếp đến khi lấy hương. Nhà chị có gần 1ha chè với 4 lao động tham gia.
Chị Tuyến tâm sự: “Trước đây khi chưa am hiểu, mỗi lứa chè người dân 3 - 4 lần phun thuốc BVTV hóa học, nhiều lúc vừa phun xong đã hái rồi. Chúng tôi bắt đầu làm chè an toàn từ năm 2006, lúc đầu là thực hành sản xuất áp dụng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) rồi VietGAP, cuối cùng là sản xuất theo hướng hữu cơ với chế phẩm vi sinh ủ lẫn cùng phân chuồng để bón; lá xoan, lá chó đẻ, lá hoa mò, ớt, tỏi ngâm để phun phòng trừ sâu bệnh.
Dùng mỗi phân chuồng thì tốt nhưng không đủ lượng và thiếu một số dinh dưỡng nên búp chè cũng khó phát triển. Còn bón mỗi phân hóa học thì dễ bị chai cứng đất, khô đất, khô cây. Bởi thế phải kết hợp cả hai. Nhà tôi có 4 con trâu và 1 đàn thỏ nên phân của chúng cứ xới tơi ra ủ cùng trấu chừng 15 ngày cho nóng lên, thật ngấu, khi nào bón thì trộn với phân hóa học.
Đầu năm bón lót vừa nuôi lá vừa dưỡng tán cho phủ kín, tránh được cỏ và tháng bảy, tháng tám bón thúc để nuôi búp. Dù bón lót hay bón thúc tôi cứ cuốc hố theo băng chè, cách 50cm một hố rồi thả phân xuống, lấp đất lên để cho cây ăn dần. Mỗi năm nhà tôi thu được hơn 200 triệu đồng từ chè, trong đó lãi non nửa, chưa kể thu mua thêm của bà con để sao, bán, được khoảng 100 triệu đồng nữa”.
Được đi tập huấn, trải nghiệm, học tập về sản xuất chè an toàn, khi về làm thử trên diện tích nhỏ, mọi người uống khen ngon, từ đó chị Tuyến mở rộng ra gần 1ha, kể cả diện tích cắt máy lẫn hái tay. Xưa đi phun các loại thuốc BVTV hóa học độc hại về chị mệt mất mấy ngày như bị cảm cúm, ăn uống cảm thấy nhạt mồm nhạt miệng. Giờ giảm số lần phun xuống, lại dùng thuốc sinh học nên người khỏe, tắm rửa xong là ăn uống bình thường.
Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, cuộc họp nào chị Tuyến cũng chia sẻ rằng: “Tôi đi học lớp IPM thấy thuốc BVTV hóa học phun vào rất ảnh hưởng đến sức khỏe, những ai còn sinh đẻ tiếp xúc với nó về sau sinh đẻ cũng khó khăn hơn”. Nhiều người thấy sợ mà nghe theo, nhưng cũng có lắm người không. 55 hội viên trong Chi hội Phụ nữ đầu tiên chỉ 18 người nghe theo. Về sau người này thấy người kia sản xuất chè hiệu quả, da dẻ lại hồng hào, khỏe mạnh thì mới chấp nhận học.
Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông huyện Tân Sơn thường xuyên về Long Cốc mở các lớp tập huấn làm chè an toàn. Giờ trong xóm hầu hết các nhà đều có thùng, có bể để ngâm ủ các loại lá thảo dược để phun phòng trừ bệnh cho chè.