Ninh Bình: Lúa xuân đẻ nhánh khỏe, xanh tốt, nông dân phấn khởi
16:20 - 11/04/2024
Chia sẻ với Dân Việt, nhiều nông dân ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô (Ninh Bình) cho biết, nhờ áp dụng nhiều loại máy móc hiện đại cùng với giống lúa mới nên người dân rất nhàn mà lúa xuân năm nay vẫn sinh trưởng, phát triển xanh tốt khiến nông dân rất phấn khởi.
Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất
Loại củ đang vào mùa ở Việt Nam, giá rẻ, nhiều người thích nhưng cực độc nếu ăn sai cách
Đạt 9,2 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu thủy sản 2024 tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Lý do bất ngờ khiến giá cà phê 'bùng nổ', Đắk Nông một mình đưa giá cà phê lên mốc cao mới
Thiết bị thông minh NX510 lắp lên máy cấy của Công ty Đại Thành giúp bà còn chỉ việc trâm mạ không cần lái như máy cấy thường vừa được đơn vị triển khai áp dụng tại "Cánh đồng công nghệ GLOBALCHECK" ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô (Ninh Bình).
Lúa cấy máy xanh tốt hơn ruộng đối chứng
Vào thời điểm này tại nhiều cánh đồng ở Ninh Bình, nông dân đang tất bật lội ruộng nhổ cỏ, bón phân chăm sóc lúa xuân nhưng tại "Cánh đồng công nghệ GLOBALCHECK" sử dụng các công nghệ thông minh như máy cấy gắn thiết bị dẫn đường không người lái NX510; máy bay bón phân G500… ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô (Ninh Bình), bà Đinh Thị Tứ vẫn thong thả dọn cỏ, chăm rau bên bờ ruộng.
Theo chúng tôi tìm hiểu, máy cấy sử dụng trong mô hình cánh đồng công nghệ GLOBALCHECK được lắp đặt thiết bị dẫn đường tự động NX510, thiết bị này tự động lái máy cấy theo tuyến được lập trình sẵn với độ chính xác từng centimet giúp cây lúa thẳng hàng- đều- sinh trưởng tốt, không những vậy còn giảm lao động do chỉ cần người bỏ mạ cho máy.
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình, Công ty CP Đại Thành đi thăm và đánh giá "Cánh đồng công nghệ GLOBALCHECK" triển khai thí điểm tại xã Yên Thắng, huyện Yên Mô (Ninh Bình).
Thấy chúng tôi hỏi chuyện cấy lúa, bà Tứ cho hay: Năm nay cấy lúa giống mới, nhà tôi hơn 6 sào ruộng nhưng nhờ có máy móc làm hết nên thấy nhàn hạ lắm.
"Từ trước Tết, bên HTX và doanh nghiệp đưa máy về cấy không người lái xong lại có máy bay rải phân, phun thuốc nên bà con chỉ cần đứng trên bờ chứ không phải lội ruộng như trước mà lúa vẫn lên xanh tốt nên mọi người thấy rất phấn khởi", bà Tứ nói thêm.
Vừa dẫn đoàn cán bộ, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình đi tham quan "Cánh đồng công nghệ GLOBALCHECK" của đơn vị mình vừa triển khai làm thí điểm, ông Đinh Xuân Nam - Giám đốc HTX Nông nghiệp Vân Trà vừa giới thiệu, thông tin chi tiết về mô hình: Dù lần đầu triển khai mô hình mới, đưa giống lúa chất lượng cao GS666, GS999 của Công ty CP Đại Thành sản xuất và dùng máy cấy không người lái đến nay được hơn 2 tháng cho thấy lúa đang sinh trưởng và phát triển, đẻ nhánh khỏe, rất xanh tốt.
Theo ông Nam, qua quan sát bằng mắt thường chúng ta cũng nhận thấy ruộng lúa trong mô hình mới và ruộng đối chứng gieo sạ có sự khác biệt rõ rệt. Lúa tại mô hình cánh đồng công nghệ GLOBALCHECK xanh tốt, đẻ nhánh khỏe hơn lúa gieo sạ.
"Trong quá trình thực hiện mô hình thí điểm, HTX Vân Trà phối hợp cùng với Công ty Đại Thành triển khai gieo mạ và dùng máy cấy không người lái, mạ khay. Trong quá trình chăm bón, chúng tôi cũng sử dụng máy bay không người lái bón phân, phun thuốc chăm sóc lúa nên bà con không phải xuống ruộng mà lúa vẫn phát triển tốt. Qua đó giúp nông dân tiết kiệm đất công chăm sóc, phân bón, thuốc khá nhiều đảm bảo môi trường sản xuất an toàn hơn", ông Nam khẳng định.
Ruộng lúa trong mô hình mới và ruộng đối chứng gieo sạ có sự khác biệt rõ rệt. Lúa giống mới cấy bằng máy cấy không người lái lên xanh tốt, đẻ nhánh khỏe hơn lúa gieo sạ.
Được biết, mô hình cánh đồng công nghệ GlobalCheck sử dụng máy bay nông nghiệp G500a, đây là chiếc drone được thiết kế chuyên bay cho cánh đồng lúa, được trang bị 4 vòi phun ly tâm, tốc độ phun có thể đạt tới 16 lít/phút, không chỉ phun thuốc chiếc G500a còn có khả năng rải phân bón, sạ lúa hiệu quả cao
Ông Nam cho biết thêm, hiện tại, HTX Vân Trà đang cùng Công ty Đại Thành, nông dân trên địa bàn tiếp tục phối hợp chăm sóc lúa xuân theo đúng kế hoạch. Dự kiến đến khoảng tháng 6/2024, lúa trong mô hình sẽ cho thu hoạch.
"Sau khi kết thục vụ lúa xuân, chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau để đánh giá kết quả để tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn xã, huyện giúp bà con sản xuất lúa đạt hiệu quả cao hơn, thân thiện với môi trường hơn", ông Nam khẳng định.
Mô hình mới rất triển vọng
Qua tham quan, đánh giá mô hình "Cánh đồng công nghệ GLOBALCHECK" ở Yên Thắng, ông Đinh Văn Khiêm - Phó Giám đốc Sở NNNPTNT tỉnh Ninh Bình cho rằng: Từ kinh nghiệm sản xuất, chúng tôi nhận thấy giống lúa mới triển khai sản xuất thí điểm bằng công nghệ, máy móc thông minh hiện đại tại xã Yên Thắng cho thấy lúa sinh trưởng đẻ nhánh khỏe, xanh tốt hơn giống lúa ở ruộng gieo sạ. Đặc biệt, giống lúa mới có tính chống chịu tốt, nhất là lúa chịu được rét cao.
Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở NNNPTNT tỉnh Ninh Bình kiểm tra mức sinh trưởng của giống lúa mới trên cánh đồng xã Yên Thắng.
Ông Khiêm cho biết, nắm bắt được xu thế chuyển dịch lao động trong nông nghiệp của địa phương, tỉnh đã định hướng và giao Trung tâm Kuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty Đại Thành, xã Yên Thắng triển khai sản xuất 2 giống lúa mới với tiêu chí là "Cánh đồng công nghệ GLOBALCHECK",
Theo đó, từ khâu làm đất, gieo cấy đến chăm sóc đầu bằng máy móc hiện đại, thông minh và sử dụng phân bón hữu cơ để chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ. Mục tiêu của chúng tôi là đưa các giống lúa mới chất lượng, năng suất cao vào để thay thế các giống cũ đã bị phân li, thái hóa nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa đảm bảo môi trường an toàn, thân thiện hơn, hướng đến sản xuất xanh bền vững".
"Trước xu thế lao động ngày càng già hóa và nhiều lao động chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp dịch vụ nên chúng tôi rất mong muốn triển khai mô hình "cánh đồng công nghệ" để dần lan tỏa, nhân rộng ra toàn tỉnh vừa giúp bảo vệ môi trường vừa đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh và cả nước", Phó Giám đốc Sở NNNPTNT tỉnh Ninh Bình khẳng định.