Nơi chúng tôi đến Chuyện ở ‘vương quốc bò’ Krông Pa
08:21 - 08/07/2024
GIA LAI Từ những đàn bò đông đúc chỉ biết đẻ và... để đấy, đến nay, bò Krông Pa đã trở thành thương hiệu nức tiếng gần xa, với các sản phẩm thơm ngon khó cưỡng.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Những "vua bò" ở chảo lửa Krông Pa
Trong mấy chục năm làm báo, tôi đã đi nhiều. Nhưng có lẽ chưa ở đâu tôi bắt gặp những đàn bò đông đúc như ở huyện Krông Pa của tỉnh Gia Lai.
Krông Pa sở hữu đồng cỏ rộng lớn, gồm trên 700ha đồng cỏ trồng và khoảng 24.000ha đồng cỏ tự nhiên, chưa kể khoảng 160.000ha rừng với thảm cỏ mượt mà dưới tán rừng. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển đàn bò. Krông Pa đang sở hữu đàn bò lớn nhất vùng Tây Nguyên (so cùng đơn vị hành chính) với trên 63.000 con, trong đó khoảng 25.000 con bò lai.
Ở “vương quốc bò” này, có không ít “vua bò” sở hữu từ vài trăm đến 500 con bò. “Vua bò” Ama Doa là một điển hình.
Tôi gặp Ama Doa hai lần, lần gần nhất là năm 2004. Thực ra, Ama Doa là tên gọi theo phong tục người Tây Nguyên khi đàn ông đã có con, có cháu. Tên thật của ông là K’sor Det, sinh năm 1934 ở buôn Thim, xã Phú Cần (huyện Krông Pa).
Lần ấy, sau mấy cang rượu ghè, năn nỉ mãi ông mới đồng ý đưa cho tôi xem cuốn sổ ghi chép loằng ngoằng, nội dung đại khái là: “Ở xã Phú Cần: Buôn Thim 10 hộ nuôi 32 con; buôn Luk 15 con, buôn Tan 89 con, buôn M’láh 40 con. Xã Ia R’mok 150 con, xã Chư Ngọc 53 con, xã Chư Đ’răng 35 con”... Tổng đàn bò của ông đến năm đó (2004) đã gần 500 con, rải ở 10 thôn/buôn của 4 xã thuộc huyện Krông Pa, đó là chưa kể hơn 50 con đang trong chuồng nhà ông.
Cái cuốn sổ “ghi chép loằng ngoằng” nói trên là danh sách các hộ ông gửi họ nuôi bò, gọi là nuôi rẽ. Mỗi hộ nhận nuôi bò rẽ của ông đều phải ký hoặc điểm chỉ vào sổ. Nhà nào nhiều nhất là 15 con, ít thì cũng một cặp cày. Nhẩm tính, với chừng ấy con, với giá bò ở thời điểm đó thì ông đã là tỷ phú. Thảo nào người ta gọi ông là “vua bò”.
“Vua bò” cho biết, ông cho bà con nuôi rẽ bằng hình thức ký nhận bò của ông về nuôi, sử dụng cày bừa tùy ý. Mỗi con bò cái đẻ hai con (hai lứa) thì ông lấy một con bê, người nuôi được một con. Như vậy, những hộ nghèo vừa có bò làm sức kéo, vừa có bò con làm tài sản.
Không ít hộ khó khăn, nhờ nhận nuôi bò rẽ của ông mà thoát nghèo, trở nên khấm khá. Anh Ama Ngun ở buôn Lăk (xã Ia R’mok, huyện Krông Pa) là một ví dụ. Ngun nhận nuôi rẽ 4 con bò gồm 2 cái 2 đực. Hai con bò cái mỗi năm đẻ một lứa được 2 con bê thì của Ngun một con, một con là của Ama Doa. Sau gần 6 năm nhận nuôi rẽ, bò lớn đẻ bò bé, bò mẹ đẻ bò con…, trừ số bò của Ama Doa thì nhà Ngun cũng đã có hơn 10 con bò lớn bé, đó là chưa kể Ngun đã bán nhiều con để lấy tiền làm nhà, trang trải cuộc sống. “Không có Ama Doa, chắc nhà mình nghèo mãi. Mình ơn ông ấy lắm!”, Ama Ngun nói.
Nhiều bò như “vua bò” Ama Doa ở Krông Pa không hiếm. Tuy nhiên một thời, bò ở đây cũng vẫn chỉ là… bò, bởi đàn bò đông đúc nhưng cũng chỉ để lấy sức kéo, hoặc làm thịt cúng tế trong những lễ lạt của làng. Một thời, bò nơi đây vẫn chưa trở thành sản phẩm hàng hóa giúp bà con vươn lên thoát nghèo...
Nức tiếng đặc sản bò một nắng
Hôm rồi, tôi lại về Krông Pa. Từ TP Pleiku của tỉnh Gia Lai đi trên Quốc lộ 25, qua khỏi đèo Tô Na là đã đến địa phận của “vương quốc bò”. Hơn 8 giờ sáng, cũng là thời điểm bà con thả bò lên núi, hoặc lùa ra những cánh đồng cỏ mênh mang bất tận. Từng đàn bò 50 - 70 con, thậm chí có đàn dễ đến cả trăm con cứ thong dong, lững thững trên quốc lộ. Xe muốn vượt qua những đàn bò như thế quả là khó khăn.
Bây giờ, bò Krông Pa không còn đơn thuần chỉ là… bò, mà đã làm ra nhiều sản phẩm nức tiếng như bò một nắng, bò xé sợi… nổi tiếng cả nước.
Cũng có lần, tôi ngồi tiếp chuyện với ông Đinh Xuân Duyên, hồi đó còn là Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa. Ông Duyên là kỹ sự nông nghiệp kỳ cựu. Kỳ cựu bởi ông là trưởng phòng lâu nhất của tỉnh Gia Lai. Kỳ cựu cũng vì ông là một trong những người am hiểu nhất ở xứ này về bò. Nói về bò Krông Pa, ông có thể nói cả ngày, không biết chán. Mà thông tin nào ông nói ra cũng đều hay, đều đúng.
Theo ông Duyên, Krông Pa từng được nhắc đến với cái tên “chảo lửa Krông Pa” bởi thời tiết ở đây vô cùng nắng nóng. Theo khảo sát của nhiều chuyên gia, số giờ nắng ở Krông Pa đạt khoảng 1.700 giờ/năm - là địa phương có số giờ nắng cao nhất tỉnh Gia Lai.
Bò nhiều, nắng nhiều nên từ mấy chục năm nay, người dân nơi đây đã nghĩ ra cách làm bò một nắng. Ban đầu chỉ đơn thuần chỉ là để dành ăn dần, sau dần thành đặc sản với quý ông để nhắm cùng bia, với quý bà để thỏa mãn nhu cầu… ăn vặt.
Đã từ lâu, ở đất Krông Pa nắng gió này, bò một nắng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Không ít cơ sở, hộ gia đình đã phất lên nhờ sản phẩm này. Hộ kinh doanh Mười Đức ở thị trấn Phú Túc là một điển hình. Ông Nguyễn Văn Đức (59 tuổi) đã có 30 năm gắn bó với nghề này. Năm 1995, ông khởi nghiệp từ sản phẩm nai một nắng. Tuy nhiên sau đó, ý thức được nai là động vật hoang dã, bị cấm nên ông chuyển sang làm bò một nắng. “Nai làm được thì bò cũng làm được. Xứ bò mà không làm bò một nắng thì phí lắm!”, ông Đức nói. Vậy là ông chuyển sang làm bò một nắng.
Theo kinh nghiệm của ông Đức, để làm bò một nắng, điều kiện tiên quyết phải là khâu chọn thịt. Thịt để làm bò một nắng phải là thịt đùi, thịt thăn, là phần thịt ngon nhất của con bò. Ngoài ra, đây còn là phần thịt có sợi, khi ăn dễ xé. Cũng cần nói thêm rằng, ăn thịt bò một nắng mà dùng dao hoặc kéo để cắt là... vứt! Sau khi nướng thơm lên, cứ phải dùng tay xé nhỏ từng miếng theo thớ thịt, chấm với muối kiến thần thánh... Ôi chao!
Sau phần chọn thịt là phần chế biến. Thịt được thái ra từng tảng lớn hơn bàn tay người lớn, đem ướp trộn gia vị, đợi ngấm thì đem phơi. “Nắng to thì phơi khoảng 3 tiếng là được, còn nắng nhỏ thì phơi khoảng nửa ngày. Bằng kinh nghiệm, khi nhận biết được miếng thịt bò đã phơi đủ ‘một nắng’ thì đem vào đóng gói, vậy là xong”, ông Đức nói.
Bình quân mỗi ngày, cơ sở của ông Đức xuất bán được khoảng 30kg sản phẩm bò một nắng, bò xé sợi. Thị trường ngoài tiêu thụ trong tỉnh cũng đã có mặt ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang...
“Năm 2019, sản phẩm bò một nắng Mười Đức được công nhận OCOP 3 sao. Phấn đấu đến cuối năm nay sẽ được công nhận 4 sao, từ đó sẽ mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường ra nước ngoài”, ông Đức cho biết.
Ở xã Ia R’sươm (huyện Krông Pa), doanh nghiệp tư nhân Ngọc Thạch được biết đến với các sản phẩm nổi tiếng như bò khô miếng một nắng, heo một nắng, măng le rừng..., tất cả đều đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Bà Võ ThịThạch, chủ doanh nghiệp Ngọc Thạch cho biết: “Sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong nước. Ngoài ra còn có mặt một cách trang trọng trong quầy hàng ở các sân bay như Pleiku, Buôn Ma Thuột, Tuy Hòa...”.
Cũng theo bà Thạch, đến cuối năm nay, doanh nghiệp sẽ cho ra mắt thêm sản phẩm bò xé sợi và đăng ký sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết: Ngoài việc định hướng phát triển đàn bò hiệu quả, huyện cũng rất quan tâm đến các doanh nghiệp, cơ sở chế biến các sản phẩm từ bò. Từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ làm nhãn mác, xây dựng thương hiệu để gắn lên sản phẩm OCOP; mỗi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được hỗ trợ 30 triệu đồng...