Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
14:42 - 23/11/2024
Nhờ nắm được quy trình sinh trưởng của từng loại cây và trồng xen nhiều loại giá trị cao, Chủ tịch Hội nông dân xã Đắk P’lao đã tạo cơ nghiệp lớn, bền vững.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Công dụng thần kỳ của nước gừng tươi trong việc giảm cholesterol, giảm cân
Chúng tôi tìm đến ngôi biệt thự của Chủ tịch Hội nông dân xã Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1978, người dân tộc Mường gốc ở Thanh Hóa. Cách đây hơn chục năm, khi công trình thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, gần 100% diện tích xã Đắk P’lao cũ nằm dưới lòng hồ Tà Đùng ngày nay, khiến hàng trăm hộ dân phải dời đến nơi ở mới. Gia đình anh Bảy là một trong số đó.
Nhờ cần cù, chịu khó, biết làm ăn, nên sau khi nhà cũ dưới lòng hồ bị thu hồi, được đền bù số tiền kha khá, anh Bảy lập tức mua 5ha đất vườn rồi trồng sầu riêng xen cà phê, tiêu. Đồng thời, xây một căn biệt thự nằm ngay mặt tiền con đường chính dẫn vào làng tái định cư Đắk P’lao, cách QL28 chừng 5km (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).
Phía sau ngôi nhà là khu vườn trải dài từ đỉnh đồi xuống thung lũng, nơi có hồ nước thôn 7 Quảng Khê, khá rộng. Anh Bảy đã đầu tư hệ thống đường ống, máy bơm để hút nước lên tưới cho vườn cây.
“Tôi có tổng cộng 9ha, trồng sầu riêng Thái xen bơ, cà phê, tiêu. Ở đây 5ha 10 tuổi, trong nhà 4ha 6 tuổi nữa. Năm 2023, vườn sầu riêng trong nhà thu vụ đầu, được hơn chục tấn, bán xô tại vườn cho thương lái được 50 ngàn/kg. Sầu riêng trong nhà tôi trồng 100 cây 1ha, còn ở đây trồng thưa hơn để xen tiêu, cà phê, mỗi ha khoảng 80 cây, năng suất bình quân mỗi cây đạt từ 1,5 - 2 tạ trái. Năm ngoái tôi thu khoảng 70 - 80 tấn, bán được giá 70 ngàn đồng/kg. Theo tôi tính toán, sầu riêng chỉ cần bán giá 40 ngàn đồng/kg cũng có lời rồi”, anh Bảy nói.
Nói về lý do vườn cây trồng xen nhiều loại cây, anh Bảy giải thích: “Sầu riêng trồng rất thưa, không chiếm nhiều đất, tôi nắm được quy trình sinh trưởng của từng loại cây, nên mới trồng xen vậy. Tôi dự đoán giá tiêu, cà phê sẽ tăng trở lại, nên mấy năm trước, khi người ta bỏ 2 loại cây này, tôi vẫn duy trì cây đang trồng và trồng thêm, nó chỉ tốn thêm công chăm sóc thôi chứ cũng không chiếm đất của sầu riêng. Và bây giờ, giá cà phê lên tới hơn 200 ngàn, giá tiêu cũng cao chót vót. Thu nhập của gia đình tôi đến từ nhiều loại nông sản.
Ngoài ra, trên một khu vườn, nếu trồng nhiều loại cây sẽ giảm rủi ro. Nếu một trong số những cây phụ như tiêu hay cà phê có thất bại vì giá thấp hay thất thu vì mùa màng, thì diện tích, số lượng cũng không nhiều, vẫn còn thu nhập từ sầu riêng. Ngược lại, cây sầu riêng có thất thu thì vẫn còn những cây khác bù vào. Tóm lại, tôi nghĩ đây là cách canh tác an toàn đối với người nông dân. Tôi đã nêu quan điểm này và hướng dẫn một số hộ dân có điều kiện đất canh tác, họ làm theo và cũng đang thành công.
Hiện nay, mô hình tôi đang canh tác theo quy trình sạch, không dùng phân, thuốc hóa học độc hại. Chắc 2 - 3 vụ nữa có thể đạt tiêu chuẩn VietGAP nếu làm chứng nhận”.
Nhìn anh làm việc quần quật, mồ hôi ướt đẫm chiếc áo xanh bộ đội, ngay cả khi có chúng tôi, anh vẫn luôn chân luôn tay, vừa làm vừa nói chuyện chứ không ngừng tay, thì chuyện anh giàu cũng là điều đương nhiên.
Không chỉ có vườn cây, anh Bảy còn đầu tư một khu nhà nuôi thỏ New Zealand khá lớn. Thời điểm thịt thỏ có giá cao ngất ngưởng 140 - 150 ngàn đồng/kg, anh đã kiếm vài trăm triệu mỗi năm. Hiện tại, giá thịt thỏ thành phẩm còn 80 - 100 ngàn đồng/kg, anh vẫn duy trì đàn thỏ hơn trăm con, cung cấp cho các quán ăn, khu du lịch trong vùng.
Anh Bảy cho biết, thỏ là loài dễ nuôi, vốn đầu tư và chi phí thức ăn không cao, chỉ cần một diện tích nhỏ cũng có thể đầu tư chuồng trại được chứ không cần nhiều không gian, phù hợp với nhiều nông hộ. Nên cuối năm 2023, xã đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi thỏ với 7 thành viên.
Các thành viên được hỗ trợ 147 con thỏ giống bố mẹ, chuồng nuôi và thức ăn chăn nuôi. Các thành viên trong tổ đều là những hộ nghèo, khó khăn. “Nuôi thỏ ít dịch bệnh hơn nuôi gà, chỉ cần chịu khó cắt cỏ là có thức ăn cho thỏ sẵn trong vườn nhà. Thỏ có thể tăng trưởng chậm hơn cho ăn thức ăn công nghiệp, nhưng bù lại chất lượng thịt ngon hơn.
“Tôi, ngoài vai trò là Chủ tịch Hội nông dân xã Đắk P’lao, còn là người đầu tiên ở đây nuôi thỏ, nên có kha khá kinh nghiệm để chia sẻ, hướng dẫn bà con. Từ khi thành lập tổ chăn nuôi đến nay, đàn thỏ của các hộ đều phát triển, sinh sản tốt. Bà con bắt đầu có thu nhập rồi. Trung bình, mỗi năm thỏ mẹ sinh sản khoảng 8 lứa, mỗi lứa 6 - 10 con. Thỏ con sau sinh, nuôi khoảng 3 tháng đạt trọng lượng bình quân 2,5 kg/con, có thể xuất bán với giá khoảng 80.000 đồng/kg, chi phí mỗi kg thịt thỏ từ 20-30 ngàn, tùy cách nuôi.
“Ở góc độ nông dân, anh Nguyễn Văn Bảy là người làm kinh tế giỏi nhất xã từ nhiều năm nay, tài sản của gia đình anh có được là nhờ cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm của cả 2 vợ chồng. Các mô hình sản xuất của vợ chồng anh đều rất hiệu quả, năng suất cao. Về mặt chính quyền, với vai trò là Chủ tịch Hội nông dân xã Đắk P’lao, anh Bảy là người có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm, nhiệt huyết, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người dân từ kiến thức nuôi trồng đến cho vay vốn sản xuất không lấy lãi”, ông Lê Khắc Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.