Nông dân Lào Cai xây dựng thành công sản phẩm mật ong núi đá, nhà nào cũng có của ăn của để

Nông dân Lào Cai xây dựng thành công sản phẩm mật ong núi đá, nhà nào cũng có của ăn của để

18:59 - 10/07/2024

Nông dân xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) bắt tay thành lập Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật, nhiều hộ đã có của ăn của để; sản phẩm được Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia công nhận là sản phẩm không có dư lượng thuốc kháng sinh, không có hóa chất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Thương hiệu Mật ong núi đá Xuân Quang

 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Khải - phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, Lào Cai cho biết: Xuân Quang là xã có tiềm năng phát triển kinh tế rừng và vườn đồi. Tạo hóa đã ưu ái dành tặng vùng đất nơi đây một hệ sinh thái đa dạng, quanh năm cây cối tốt tươi. Những dải núi đá trải dài ôm lấy những khu vườn, trang trại rộng lớn với những mùa hoa nhãn, hoa bưởi, hoa chanh, hoa đào cùng nhiều hoa dại trên núi. Là nguồn lợi dồi dào để người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật và thành công hơn so với các địa phương khác trong huyện.

 
Nông dân Lào Cai xây dựng thành công sản phẩm mật ong núi đá, nhà nào cũng có của ăn của để- Ảnh 1.

Đồi núi mênh mông, hoa cỏ bạt ngàn. Đối với người dân xã Xuân Quang đó không chỉ là phong cảnh mà còn là nguồn lợi thiên nhiên giúp bà con phát triển kinh tế. Ảnh: Thanh Nga

Những năm qua, bà con nơi này đã xây dựng được sản phẩm mật ong núi đá xã Xuân Quang. Sản phẩm đã được Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia công nhận là sản phẩm không có dư lượng thuốc kháng sinh, không có hóa chất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rót chén trà mời khách, ông Nguyễn Đức Khải cho hay, xác định mật ong là một trong những sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế, cần củng cố thương hiệu ngày càng vững mạnh, phải liên kết lại, những người nuôi ong lấy mật nơi này đã hỗ trợ nhau về con giống, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân Lào Cai xây dựng thành công sản phẩm mật ong núi đá, nhà nào cũng có của ăn của để- Ảnh 2.

Bắt tay nhau nuôi ong lấy mật, bà con nuôi ong nơi này đã hỗ trợ nhau về con giống, khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Thanh Nga

Để giữ được thương hiệu mật ong núi đá Xuân Quang, bà con đã cùng nhau cam kết thực hiện các quy định về quy trình nuôi và thu hoạch; mở rộng quy mô, đưa ra các định hướng trong sản xuất, nhằm tăng tổng đàn, nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2018, mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Xuân Quang đã được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai hỗ trợ 10 hộ dân ở xã Xuân Quang liên kết với nhau để lập ra "Tổ hợp tác nuôi ong núi đá". "Nhờ có chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), được cơ quan khuyến nông định hướng và hỗ trợ nhiều mặt, nông dân Xuân Quang mạnh dạn đầu tư, tập trung nuôi ong, khai thác thế mạnh hoa bản địa trên núi đá cho ra loại mật ong chất lượng và sạch, được thị trường ưa chuộng.

Nông dân Lào Cai xây dựng thành công sản phẩm mật ong núi đá, nhà nào cũng có của ăn của để- Ảnh 3.

Nghề nuôi ong lấy mật ở xã Xuân Quang được đánh giá là thành công hơn so với các địa phương khác trong huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Ảnh: Thanh Nga

Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật

Hiện nay, xã Xuân Quang có 2 Hợp tác xã nuôi ong lấy mật là Hợp tác xã nuôi ong hoa nhãn với 8 thành viên, và Hợp tác xã nuôi ong Nậm Dù với 16 thành viên, nuôi trên 3.000 đàn ong mật theo quy trình VietGap.

Trên tinh thần tự nguyện và tự chủ anh Cao Xuân Chiến ở thôn Nậm Dù (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đã cùng các hộ nông dân trên địa bàn xã hợp tác và thành lập tổ hợp tác sản xuất ong mật; kết nối người dân cùng làm nghề, mở rộng quy mô nghề ong, nâng cao giá trị sản phẩm, cùng nhau xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm mật ong. Anh Chiến đã chủ động kết nối thị trường, không chỉ bán sản phẩm mật ong cho gia đình mà còn giúp đỡ các thành viên khác trong tổ hợp tác nuôi ong mà anh đang tham gia với vai trò là giám đốc Hợp tác xã nuôi ong Nậm Dù.

Nông dân Lào Cai xây dựng thành công sản phẩm mật ong núi đá, nhà nào cũng có của ăn của để- Ảnh 4.

Sản phẩm Mật ong núi đá Xuân Quang được Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia công nhận là sản phẩm không có dư lượng thuốc kháng sinh, không có hóa chất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Thanh Nga

Chia sẻ với chúng tôi, anh Cao Xuân Chiến, Giám đốc Hợp tác xã nuôi ong Nậm Dù cho biết: Tham gia trên tinh thần tự nguyện, cùng có lợi, các thành viên của Hợp tác xã Nậm Dù luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nuôi ong ong, an toàn VietGap; các thành viên có sự giám sát chéo lẫn nhau để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt chứng chỉ OCOP chính là giấy thông hành để sản phẩm mật ong của Hợp tác xã tiếp cận nhiều thị trường, nhất là các cửa hàng, siêu thị lớn trong cả nước. Với việc xây dựng thành công nhãn hiệu, giá bán của mật ong Xuân Quang đã tăng 20% so với trước kia. Sản phẩm được khách hàng nhiều nơi biết đến, một số siêu thị lớn của Lào Cai và Hà Nội đặt hàng với số lượng lớn.

Riêng gia đình anh Cao Xuân Chiến có gần 800 đàn ong lấy mật. Bình quân mỗi năm cho gia đình anh thu khoảng 20 - 25 tấn mật, giá bán dao động từ 250 - 300 nghìn đồng/1 lít. Trừ chi phí, mỗi năm cho gia đình anh thu lãi khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng/năm từ bán mật ong.

Nông dân Lào Cai xây dựng thành công sản phẩm mật ong núi đá, nhà nào cũng có của ăn của để- Ảnh 5.

Nghề nuôi ong lấy mật ở xã Xuân Quang là nghề truyền thống được phát triển trở thành hàng hóa khi các hộ dân nhận thấy địa phương có nguồn hoa để ong lấy mật dồi dào. Ảnh: Thanh Nga

Cũng theo anh Chiến, từ tháng 6 đến tháng 9, khi vùng thấp hết mùa hoa, anh lại di chuyển đàn ong đến các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai... để đón mùa hoa vùng cao. Khi thời tiết chuyển lạnh (khoảng tháng 10) anh sẽ chuyển ong về vùng thấp để dưỡng đàn, chờ vụ thu hoạch mật năm sau. Hàng năm gia đình anh tạo việc làm cho khoảng chục lao động địa phương theo mùa vụ với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Được biết, ngoài 2 hai hợp tác xã này, xã Xuân Quang còn có hơn 150 hộ nuôi ong theo hình thức trang trại, nhà ít có vài chục đàn, nhà nhiều có khoảng vài trăm đàn ong. Đem lại cho gia đình mỗi năm từ 5 - 6 tấn mật;  Với mức giá trung bình từ 250 - 300 nghìn đồng mỗi lít mật. Ước tính năm nay, nông dân Xuân Quang thu khoảng 15 tỷ đồng từ việc nuôi ong lấy mật. Nhờ nuôi ong mật núi đá tạo việc làm và thu nhập ổn định, cao hơn, nhiều hộ gia đình ở Xuân Quang đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.