Nông dân mách bí quyết diệt rong meo trong ruộng lúa
11:20 - 07/11/2024
Cần Thơ Sử dụng chế phẩm vi sinh để diệt rong meo, nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, cải tạo đất đai màu mỡ, lúa khỏe, tăng sức đề kháng trong mùa mưa bão.
Công nghệ gen mở ra cánh cửa chọn giống dựa trên chỉ thị phân tử
Huyện Mỹ Đức tích cực phục hồi sản xuất nông nghiệp
Nhập khẩu gạo tháng 10 tăng kỷ lục 3 con số sau khi Ấn Độ mở kho gạo
Mường Ảng: Đưa chính sách vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số
Rong meo (hay còn gọi là tảo độc) là một trong những sinh vật gây hại ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa ở ĐBSCL.
Theo GS.TS Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu Bệnh hại thực vật Việt Nam, lúa được 6 – 8 ngày sau sạ, bà con nông dân sẽ đưa nước vào ruộng, chuẩn bị rải cử phân đầu. Ở những cánh đồng canh tác liên tục 3 vụ hoặc những đồng sạ lấp vụ (7 vụ/2 năm), đất đai không có thời gian nghỉ, sẽ xuất hiện rong meo nhiều.
Khi rong meo phát sinh, bám quanh gốc lúa, sẽ làm hạn chế khả năng đẻ nhánh và tranh chấp chất dinh dưỡng với cây. Với cây lúa non (mạ), những nơi đất thấp, trên mặt ruộng rong meo sẽ phát triển mạnh, khiến cây lúa kém phát triển, thậm chí bị chết. Bà con nông dân phải tốn công cấy dặm lại và bón phân để thúc cho cây lúa phát triển, làm tăng thêm chi phí đầu vào.
Như trường hợp của hộ ông Nguyễn Văn Cường canh tác 5ha lúa thu đông ở xã Đông Bình (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), chỉ 9 ngày sau sạ, ruộng lúa bắt đầu xuất hiện những mảng rong lớn, dai, xanh đậm, rồi dần dần lan rộng ra trên 60% diện tích cánh đồng.
Qua thăm đồng, ông Cường nhận thấy dưới mặt ruộng, rong meo đã phủ kín thân và lá lúa, dẫn đến cây lúa không thể thực hiện chức năng quang hợp khiến lá lúa cháy sém, cọng chuyển sang màu nâu tím, rễ kém phát triển, không hình thành được rễ tơ, khả năng sinh trưởng của cây lúa kém dần. Mật độ rong meo càng lúc càng dày hơn khiến ông “nhót ruột”.
Nhận định nguyên nhân, ông Cường cho rằng, rong meo phát sinh vào thời điểm nắng nóng, kết hợp với sình bùn, xác bã thực vật còn sót lại trên mặt ruộng hay những vi sinh vật có hại trong đất, khiến rong bộc phát mạnh hơn.
Được sự giới thiệu của cán bộ khuyến nông xã, ông Cường đã thử nghiệm dùng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM để xử lý rong meo.
Liều lượng cụ thể, ông sử dụng 5 - 10 lít/ha chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM (tùy lượng rong meo trên đồng) phun cho đồng ruộng để ức chế sự phát triển của rong meo (nông dân hay gọi là cắt tảo, cắt meo).
3 ngày sau khi sử dụng chế phẩm Bio Lacto EM, ông Cường tiếp tục thăm đồng, nhận thấy các mảng rong meo bắt đầu phân rã từng mảng, mặt nước trên ruộng trong hơn. Đặc biệt không còn mùi tanh, các mảng meo chuyển dần sang màu đỏ.
Sau đó 5 – 6 ngày, bộ rễ của cây lúa non bắt đầu trắng, lá xanh bóng, cây con mập. Những lớp rong meo trên ruộng cũng tan rã, lắng xuống, tạo lớp bùn khoáng và chất hữu cơ cho đất.
Mới đây, cánh đồng lúa của ông Cường cũng vừa hoàn thành thu hoạch, cho kết quả vô cùng khả quan khi lượng phân bón giảm khoảng 40% và giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật.
So sánh chi phí đầu tư trong vụ thu đông 2024 này, ông Cường tính toán, mọi năm nếu không sử dụng chế phẩm vi sinh, chi phí đầu vào trung bình “phóng” lên 1,5 – 1,6 triệu đồng/công. Tuy nhiên, tổng chi phí vụ này của ông chỉ nằm ở mức dưới 1,2 triệu đồng/công.
Đặc biệt, những năm trước, năng suất vụ thu đông trên cánh đồng này chỉ khoảng 600 – 700kg/công, nay tăng lên 850 – 900kg/công.
Nhờ sử dụng chế phẩm vi sinh, ngoài cắt được rong meo trên ruộng, mặt đất cũng được cải tạo, diệt vi khuẩn, cây lúa hấp thu phân bón tốt nên rất khỏe, tăng khả năng chống chịu trong mùa mưa bão của vụ thu đông.
“Hồi trước đất này canh tác 3 vụ/năm, chất độc, tảo phát sinh nhiều. Tôi thử nghiệm sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý tảo và thấy rất hay. Lúa phát triển tốt nên chi phí nhẹ. Mình sạ được khoảng 5 – 7 ngày là phun chế phẩm vi sinh cử đầu, thấy lúa phát triển rất tốt, bộ rễ bung ra, cải tạo môi trường tốt lắm. Trong vòng khoảng 6 – 7 ngày sau khi sử dụng đã thấy hiệu quả bước đầu”, ông Cường phấn khởi chia sẻ.
Cũng từ hiệu quả này, nhiều nông dân khác ở ấp Đông Phước, xã Đông Bình bắt đầu tìm hiểu và thử nghiệm sử dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM.
Ông Thái Phước Tùng cùng ngụ ấp Đông Phước cũng vừa hoàn thành thu hoạch lúa thu đông với năng suất đạt 900kg/công khi lần đầu tiên sử dụng chế phẩm vi sinh Bio Lacto EM. So sánh với những cánh đồng lân cận không sử dụng, ruộng lúa đạt hơn. Tính đến thời điểm thu hoạch, ông chỉ sử dụng 35kg/công phân bón các loại.