Nông dân Nam Định gây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt trị giá tiền tỷ nhờ được tiếp vốn tín dụng chính sách

Nông dân Nam Định gây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt trị giá tiền tỷ nhờ được tiếp vốn tín dụng chính sách

10:49 - 27/06/2024

Từ các nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, nông dân Nam Định đã hăng hái thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả. Năm 2024, qua phát động, toàn tỉnh Nam Định có 261.981 hộ đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam
Trồng cây gây rừng, giữ màu xanh cho vùng biên giới Sông Mã
Giá tiêu dàn đều ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên, trụ vững ở mức cao mới

Tiếp vốn cho nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nam Định

Với mô hình trồng lan, anh Nguyễn Văn Hoan, đội 2, xã Hải Thanh (Hải Hậu) là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Anh Hoan cho biết, bắt đầu từ năm 2019, đến nay anh sở hữu vườn lan 1.800 gốc với 15 loại lan, chủ yếu là quế và đai trâu, tổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng, bán phục vụ thị trường Tết. Mỗi năm trừ chi phí anh có thu nhập 200 triệu đồng từ trồng lan.

 

Tháng 1/2024 vừa qua, được vay 100 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Hậu, anh Hoan tiếp tục đầu tư mở rộng vườn lan.

Nông dân Nam Định gây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt trị giá tiền tỷ nhờ dòng vốn đầu tư này- Ảnh 1.

Mô hình vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng dưa lưới hiệu quả tại xã Yên Khánh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ảnh: Trần Việt

Ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Thanh thông tin, Hội Nông dân xã có 1.650 hội viên, trong đó có 400 hội viên đã được tiếp cận vốn tín dụng chính sách với dư nợ 8 tỷ 125 triệu đồng…

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đang nhận uỷ thác vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 1.714 tỷ đồng, thông qua 1.112 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 38.730 hộ vay. Tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Nam Định hiện đang quản lý là 37 tỷ 949 triệu đồng cho vay 335 dự án với tổng số 1.523 hộ vay.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết: Từ các nguồn vốn vay, hội viên nông dân trong tỉnh đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động của từng địa phương, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Kết quả, năm 2024, qua phát động phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã có 261.981 hộ đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Hội Nông dân các cấp còn lựa chọn và đề cử 2 hội viên nông dân tiêu biểu tham gia bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024" gồm các ông Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu) và Vũ Đình Kiên, xã Trực Nội (Trực Ninh).

Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp vốn cho nông dân làm ăn

Cùng với tạo điều kiện cho nông dân vay vốn, trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 100 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 13 nghìn lượt hội viên, nông dân. Hội còn phối hợp tổ chức 20 lớp dạy nghề cho 700 lượt người; đồng thời phối hợp tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho trên 1.000 người; hướng dẫn và trực tiếp thành lập mới 8 tổ hợp tác, nâng tổng số mô hình kinh tế tập thể toàn tỉnh lên 211 mô hình với trên 2.900 thành viên tham gia.

Trao đổi về hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững ở Nam Định, ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nam Định khẳng định, liên tục 21 năm qua, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ giúp cho hơn 820.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Nam Định được vay vốn doanh số gần 15.000 tỷ đồng.

Riêng quý 1/2024 có đến 7 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo kể cả hộ mới thoát nghèo được vay vốn với số tiền xấp xỉ 300 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách ước đạt 4.6002 tỷ đồng, tăng 20,3 lần so với cùng kỳ khi thành lập đơn vị (2002). Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 16,6%.

Nguồn vốn tín dụng chính sách cùng mô hình tổ chức quản lý phù hợp như hệ thống Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội trải khắp địa bàn xuống tận các xã, phường, thị trấn và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) tại các thôn, xóm, khối phố.

Cũng nhờ có nguồn vốn chính sách, đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo có đủ điều kiện thuận lợi chủ động đầu tư sản xuất, kinh doanh và đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, nhiều gương điển hình  sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Để có được hiệu quả từ các chương trình cho vay vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội Nam Định đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp chặt trẽ với các Sở, Ban ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời hiệu quả đúng đối tượng, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua mọi khó khăn, chủ động phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Hiện tại, 12 chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nam Định đã phủ đều các nhóm đối tượng yếu thế của xã hội trong hành trình đồng hành " thấu hiểu lòng dân – tận tâm phục vụ", cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách tạo động lực xóa nghèo bền vững, làm giàu cho quê hương.

Giai đoạn tiếp theo, tỉnh Nam Định xác định tiếp tục là trụ cột quan trọng trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Nhận thức sâu sắc điều đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục làm nòng cốt chuyển tải vốn chính sách đến các đối tượng thụ hưởng trên toàn địa bàn, tích cực tham mau cho cấp ủy, chính quyền triển khai chỉ thị 40 CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn nhận uỷ thác của địa phương nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tập trung cho vay các chương trình theo chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các đơn vị, tích cực tuyên truyền các chủ trương chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách; đồng thời tổ chức đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ tham gia hoạt động tín dụng chính sách đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn.