Nông dân Nậm Pồ xây dựng cuộc sống mới
14:41 - 21/11/2024
Huyện Nậm Pồ (Điện Biên) với địa hình đồi núi hiểm trở, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, từng được biết đến là một trong những địa phương nghèo nhất của tỉnh. Với nỗ lực của người dân, sự hỗ trợ từ chính quyền, nhiều nông dân đã vượt khó vươn lên, tạo dựng cuộc sống ổn định và khấm khá hơn.
Giá tiêu ở Bình Phước đột ngột giảm sâu nhất trước làn sóng giảm giá ở Tây Nguyên hôm nay
Trang trại cây ăn quả hiệu quả cao
Giá cà phê trong nước tiếp tục tăng, Lâm Đồng và Gia Lai nâng giá thu mua sát nút Đắk Lắk, Đắk Nông
Vượt khó, khắc phục hậu quả thiên tai tại vùng lũ Mường Pồn
Nậm Pồ tập trung hỗ trợ nông dân
Ông Lý Thanh Tiềm, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, chia sẻ: "Nậm Pồ là một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Do đó, việc hỗ trợ nông dân thoát nghèo không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện".
Theo ông Lý Thanh Tiềm, để giúp người dân vượt qua đói nghèo, huyện tập trung vào ba nhóm giải pháp chính: Thứ nhất là hỗ trợ kỹ thuật và chuyển đổi sản xuất. Huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác và chăn nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Những chương trình này đã giúp bà con nông dân, như ông Sùng Quán Tùng ở bản Tàng Do, xã Nậm Tin áp dụng thành công mô hình trồng cam Vinh, mang lại thu nhập cao. Giải pháp thứ 2 là giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các gói vay ưu đãi cho nông dân. Thứ 3 là xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Những mô hình kinh tế phù hợp, như trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi đại gia súc, hay sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đã được huyện chú trọng nhân rộng.
Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng Chủ tịch UBND huyện cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, thách thức lớn: "Huyện vẫn đang đối mặt với những trở ngại như địa hình đồi núi phức tạp, cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế, và tình trạng thiếu đất sản xuất ở một số địa bàn. Ngoài ra, giá cả nông sản không ổn định cũng ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân". Để khắc phục, huyện Nậm Pồ đang tập trung xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, mở rộng diện tích đất sản xuất và tìm kiếm các đối tác để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con.
Ông Lý Thanh Tiềm nhấn mạnh: "Chúng tôi xác định giảm nghèo không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ trước mắt mà cần hướng đến sự bền vững. Do đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích người dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để mở rộng đầu ra cho sản phẩm."
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, nhằm giảm áp lực phụ thuộc vào đất đai và nâng cao chất lượng đời sống.
Hành trình thoát nghèo của những người con đất Nậm Pồ
Ông Hồ Chử Vàng, hội viên nông dân tại xã Phìn Hồ, là một trong những tấm gương sáng. Năm 1988, khi gia đình ông chuyển từ huyện Tủa Chùa đến xã Phìn Hồ lập nghiệp, họ đối mặt với muôn vàn khó khăn: đất đai cằn cỗi, không vốn liếng, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Nhờ sự giúp đỡ từ Hội Nông dân xã và các chương trình hỗ trợ sinh kế, ông Vàng bắt đầu làm nông nghiệp trồng trọt, sau đó tích lũy vốn để phát triển chăn nuôi trâu, bò và ngựa. Đến nay, ông không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành một trong những hộ gia đình kinh tế khá giả, tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn.
Hội Nông dân huyện Nậm Pồ đã đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo. Các hoạt động cụ thể như hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chuyển giao kỹ thuật canh tác, chăn nuôi và khuyến khích các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trong năm 2024, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với đơn vị tổ chức cho hơn 500 lượt nông dân được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi. Đặc biệt, các mô hình kinh tế hợp tác như tổ hợp tác chăn nuôi, hợp tác xã trồng cây ăn quả được hình thành, giúp nông dân liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Để phát triển bền vững, ông Lò Văn Nọi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nậm Pồ, nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để mở rộng các chương trình hỗ trợ. Đồng thời, tập trung xây dựng thêm các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững".
Nằm giữa những triền núi xanh mát của xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, vườn cam Vinh của ông Sùng Quán Tùng, một hội viên nông dân tiêu biểu, đã thành công trong chuyển đổi cây trồng, đem lại thu nhập cao và thay đổi diện mạo kinh tế gia đình. Trước đây, gia đình ông Sùng Quán Tùng chủ yếu trồng ngô, sắn trên những thửa đất dốc. Tuy nhiên, năng suất thấp và giá cả bấp bênh khiến cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy tiềm năng từ cây ăn quả, năm 2017, ông Tùng đã đầu tư trồng cam Vinh trên đất nương của gia đình.
Ông Tùng được hướng dẫn kỹ thuật từ việc chọn giống, chăm sóc cây đến cách phòng trừ sâu bệnh. Những kiến thức thực tế này đã mở ra cho ông một hướng đi mới. "Tôi nhận ra đất đai ở quê mình cũng phù hợp để trồng cam, đặc biệt là giống cam Vinh. Thế là tôi quyết định thử sức, dù ban đầu cũng rất lo lắng", ông Tùng chia sẻ.
Ông Tùng cải tạo diện tích đất đồi của gia đình, đầu tư trồng 2.500 cây cam Vinh. Ban đầu, việc chăm sóc cây gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nhưng với sự hỗ trợ từ cán bộ khuyến nông xã và Hội Nông dân huyện, ông dần làm chủ kỹ thuật canh tác.
Sau 4 năm kiên trì, những cây cam đầu tiên đã cho thu hoạch. Từ năm 2021 đến nay, vườn cam Vinh của ông cho năng suất ổn định, mỗi năm thu hoạch trên 20 tấn cam. Với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết chi phí. "Cam Vinh rất được thị trường ưa chuộng vì quả ngọt, mọng nước, dễ bảo quản. Khách hàng từ các huyện lân cận thậm chí cả thành phố Điện Biên Phủ cũng tìm đến đặt hàng", ông Tùng phấn khởi nói.
Thành công của ông Tùng không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn khích lệ nhiều hộ dân trong bản Tàng Do học tập. Hiện nay, ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con trong bản, giúp họ tự tin chuyển đổi cây trồng. Một số hộ đã bắt đầu trồng cam Vinh và đạt được kết quả khả quan.
Lãnh đạo UBND huyện Nậm Pồ khẳng định, với sự đồng hành của các cấp chính quyền, sự chung tay của các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là sự nỗ lực của chính người dân, huyện Nậm Pồ sẽ tiếp tục chuyển mình, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên phát triển mạnh mẽ.
"Mỗi hội viên nông dân như ông Sùng Quán Tùng, Hồ Chử Vàng… chính là minh chứng cho thấy sự đầu tư đúng hướng luôn mang lại kết quả tích cực. Chúng tôi tin rằng, sự cố gắng này sẽ lan tỏa rộng rãi, góp phần tạo nên một Nậm Pồ ngày càng giàu đẹp", ông Lý Thanh Tiềm, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ chia sẻ.