Nông dân người Mường ở Hòa Bình phất lên nhờ nuôi con cả đời không phải cho uống nước
21:19 - 06/03/2024
Sau 5 năm nuôi dúi, một anh nông dân người Mường ở thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã thuộc lòng đặc tính về loài gặm nhấm này. Câu chuyện nuôi dúi của người đàn ông đất Mường trải qua bao gian nan, nhưng cũng đầy thú vị.
Giá cà phê đột ngột giảm cuối tuần, cà phê Đắk Lắk tụt xuống thấp gần bằng Lâm Đồng
Chuyển đổi hữu cơ ở vùng chè được dãy Tam Đảo che chở
Bức tranh trái chiều trong xuất khẩu sắn
Công nghệ chế biến lúa gạo thu hút sự quan tâm
Mới đầu năm mới mà gia đình anh Nguyễn Hồng Minh (SN 1981) ở xóm Mùi (xã Độc Lập, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã dựng rạp làm hàng chục mâm cơm mời anh em họ hàng đến chia vui vì đứa con trai cả của anh lên đường nhập ngũ.
Những năm trước đây, do kinh tế khó khăn, nên việc mời bà con lối xóm đến dự bữa cơm thân mật với gia đình anh vô cùng khó khăn. Năm nay, khoản lo cỗ bàn với anh Minh lại đơn giản. Từ ngày đàn dúi phát triển ổn định, cần tiền, anh chỉ cần ra chuồng dúi sau nhà mang bán vài con dúi là lo được việc. Đàn dúi đang mang lại cuộc sống ấm no và mở ra hướng làm giàu cho gia đình anh Minh.
Nông dân Hòa Bình "lấy vàng" từ nghề nuôi dúi
Dãy chuồng dúi được anh Minh dựng lên bên triền đồi xanh mướt bóng luồng. Đến thăm người đàn ông đất Mường trong những ngày đầu xuân khiến chúng tôi không khỏi bỡ ngỡ. Anh Minh đang ở trần. Khuôn mặt đỏ tía tai, hỏi ra mới biết anh vừa đi uống rượu ở nhà mấy người bạn về. Thôn có mấy cháu đi bộ đội, các gia đình chia nhau ra làm cơm mời bà con lối xóm đến chia vui.
Anh Minh có dáng người thấp đậm khỏe khoắn. Nom anh vững chãi như cây lim, cây nghiến ở trên rừng. Vừa gặp người khách lạ, anh đã mở lời: "Ngày xuân ở đất Mường là vậy, việc cỗ bàn có khi kéo dài hết cả tháng giêng. Nó thành cái lệ rồi, muốn dứt ra cũng không được". Cỗ bàn liên miên là vậy, nhưng khi nhắc đến con dúi, anh Minh lại bỗng tỉnh hẳn rượu.
Chưa kịp tan tuần trà, anh Minh dẫn chúng tôi đi thăm chuồng dúi. Cái lán nhỏ chạy dài dưới chân đồi là nơi sinh sống của hơn 200 con dúi. Phía trong chuồng dúi, từng ô chuồng rộng gần 1m được anh Minh làm đều tăm tắp. Từng ô tối như hũ nút, anh Minh phải dùng đèn pin soi mới nhìn thấy đám dúi ở trong chuồng.
Từng con dúi lông tốt um, đưa đôi mắt lim dim nhìn ông chủ. Chúng cũng chẳng buồn chạy mà cứ thủng thẳng đi lại quanh chuồng. Anh Minh bảo: "Đám này lành lắm. Chúng chỉ ăn với ngủ và thích sống trong bóng tối. Chuồng không nên để ánh sáng tràn vào nhiều".
Anh Minh khoát tay đi một vòng kiểm tra đám dúi ra chiều rất ưng ý. Nghe đám dúi kêu chin chít và nhìn chúng đi lại là anh có thể chẩn đoán được sức khỏe của chúng. Con nào bỏ ăn hay có bệnh là anh biết liền. Chuồng nhỏ anh thả dúi sinh sản, ô chuồng rộng anh nuôi dúi thương phẩm. Mấy trăm con dúi cùng sống trong dãy chuồng rộng chưa đầy 100m2. Như một ông quản gia thạo việc, anh Minh nhẹ nhàng vuốt ve con dúi trong chuồng rồi bất ngờ dùng tay cầm cái đuôi nhấc bổng con dúi mẹ lên. Con dúi cũng quen với cảnh này, nên nó chẳng phản ứng gì mặc kệ cho ông chủ giơ mình lên không trung.
Con dúi mẹ to bằng bắp chân, nặng khoảng 2kg được bắt ra khỏi chuồng. Nhìn cái bụng phình to của con dúi cái, anh Minh dự tính con này chỉ ngày một ngày hai là lót ổ. Theo anh Minh đám này là loài siêu đẻ. Một năm 1 con dúi sinh sản 4 lứa. Mỗi lứa đẻ từ 2 đến 4 con. Nuôi chúng khoảng hơn 1 năm đạt trọng lượng 1,5 đến 2kg là bán được. Giá bán dúi thương phẩm hiện nay là 600.000đ/1kg. Mỗi con dúi trị giá bằng cả tấn sắn. Một con dúi mẹ, mỗi năm mang lại mấy triệu đồng, trong khi đó thức ăn cho chúng chỉ là tre, nứa, mía… Những thứ mà ở đất Mường mọc đầy sau nhà.
Sau khi đã kiểm tra kĩ càng từng chuồng dúi, anh Minh mới thở phào nhẹ nhõm. Đám dúi vẫn đang phát triển tốt, không gặp vấn đề gì. Nuôi cả 200 con dúi mà anh Minh lại nhàn nhã tựa như một thầy giáo về hưu. Mỗi ngày anh cho chúng ăn một lần, thức ăn cho chúng là mẩu mía hoặc mẩu tre to bằng cái chuôi dao. Chúng chỉ ăn có vậy, nên cả ngày người nuôi chẳng phải làm gì.
Theo anh Minh, so với việc nuôi gà, nuôi lợn, nuôi dúi vô cùng nhàn hạ lại có thu nhập cao. "Đám dúi này rất lành. Chúng ăn rồi ngủ, việc dọn chuồng cả tháng mới làm một lần. Cả đời đám dúi không uống nước, nên chỉ việc đặt thức ăn vào chuồng là xong".
Chìm nổi với nghề
Chuồng dúi sau nhà đang là con gà đẻ trứng vàng cho gia đình anh Minh. Nhà có công to việc lớn gì, anh chỉ cần mang bán vài con là có tiền triệu. So với các con vật nuôi của nhà nông như gà, lợn, vịt, dê, nuôi dúi cho lợi nhuận cao hơn cả. Chúng sinh trưởng phát triển tốt, hầu như không mắc bệnh.
Thức ăn cho chúng lại không mất tiền mua, anh Minh tận dụng bụi luồng, bụi tre và khóm mía sau nhà. Sau 5 năm nuôi dúi, anh Minh đã nắm được cơ bản về quá trình sinh trưởng và phát triển của loài gặm nhấm này. Có được sự thành công như ngày hôm nay, anh Minh cũng đã trải qua không ít phiên gian nan.
Sinh ra và lớn lên ở đất đồng rừng, nên cả cuộc đời anh gắn bó với đồi với ruộng. Bao năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cuộc sống gia đình vẫn loay hoay với việc lo 3 bữa cơm. Cũng như bao trai người Mường khác, đủ tuổi kết hôn là bố mẹ lo cưới cho anh. Vợ chồng trẻ đầy bỡ ngỡ, trong tay không nghề nghiệp, họ tiếp tục nối nghiệp cha ông cày sâu cuốc bẫm nơi thôn quê.
Sau mấy năm, vợ chồng anh sinh hạ được 2 người con. Nhà thêm người, vợ chồng anh thêm phần vất vả. Trồng ngô, trồng khoai ngoài đồi, năm được, năm mất. Anh Minh vốn là người chịu thương, chịu khó, anh còn xây chuồng, nuôi lợn, nuôi dê, với hy vọng kiếm thêm đồng ra đồng vào. Mùa nối mùa trôi qua, nhưng nỗ lực của anh đổ xuống sông, xuống biển. Nuôi lợn thương phẩm, ngày ngày phải bỏ tiền mua thức ăn cho chúng.
Suốt mấy năm nuôi lợn, công cán, thu nhập chẳng thấy đâu, chỉ thấy nợ nần bủa vây gia đình anh. Kể lại hành trình đầy gian nan đó, đến giờ anh Minh không giấu được tiếng thở dài: "Đám lợn suýt "ăn" mất sổ đỏ của gia đình. Tôi nuôi lợn đúng những năm lợn bị dịch tả châu phi bủa vây. Mấy lứa lợn sắp đến lúc bán lại lăn đùng ra chết. Bao vốn liếng của gia đình rồi vay mượn của ngân hàng đều trôi sạch". Nuôi lợn lai khiến anh thất bại thảm hại. Anh không nản lòng chuyển sang nuôi lợn rừng. Mỗi lần thay phương án sản xuất là anh Minh phải vay thêm nợ.
Thả lợn vào chuồng, vợ chồng anh Minh gửi vào đó bao hy vọng. Nuôi lợn rừng anh tận dụng được phụ phẩm quanh nhà, nhưng chúng lớn rất chậm. Suốt mấy năm chăm bẵm, anh Minh tổng kết lại, việc nuôi lợn không mang lại hiệu quả. "Những năm đó, tôi đầu tư vào chăn nuôi đều không mang lại hiệu quả. Trong lúc chán trường nhất, tôi đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền trả nợ".
Nhờ những ngày lang thang nơi đất khách quê người, anh Minh tìm được cơ hội đổi đời. Qua câu chuyện của những thực khách ở các nhà hàng, anh biết được thịt dúi bán rất đắt. Trong khi đó ở quê anh, hàng ngày đám thanh niên vẫn đi đào hang bắt dúi ở trên núi suốt. Anh Minh mới nảy ra ý định, tại sao mình không nuôi con đặc sản này.
Khăn gói quả mướp về quê, anh tìm đến đám thanh niên hay đi bắt dúi ở quanh vùng. Anh đặt mua dúi và làm chuồng nuôi dúi. Nhà có bao nhiêu vốn liếng, anh lấy ra cả để mua dúi rừng về nuôi. "Tôi mua được hơn chục con dúi ngoài tự nhiên. Chúng phát triển tốt, nhưng khi dúi cái đẻ con, tôi vào kiểm tra. Mình vừa ra khỏi cửa, đám dúi này cắn chết sạch đàn con. Cả chục con dúi đẻ sau này cũng vậy, khi chúng đẻ, hễ có người vào xem là chúng cắn chết con". Ngày anh làm chuồng nuôi dúi vui bao nhiêu, sau 1 năm chăm bẵm, anh lại buồn bấy nhiêu. Suốt cả thập kỉ chăn lợn, chăn gà, rồi nuôi dúi chỉ khiến gánh nợ thêm dày lên.
Nuôi dúi rừng thất bại, anh lên mạng tìm hiểu và kiếm được nhiều cơ sở nuôi dúi có tiếng ở Hà Nội. Dúi được thuần hóa, chúng sẽ không cắn chết con như dúi rừng. Anh Minh bảo vợ đưa tiền bán ngô, bán riềng cho anh đi mua giống dúi ở trại về nuôi.
Sau mỗi lần thất bại không khiến anh Minh nản lòng mà anh vẫn nuôi quyết tâm chăn nuôi dúi tiếp. Nghe chủ trại bán giống dúi lai thuyết phục, anh đã gom tiền mua 28 đôi dúi lai, với tổng số tiền trên trăm triệu đồng. Ngày anh chở đám dúi về núi, anh mang bao hy vọng, vì theo như lời người bán giống, con dúi đẻ ra vàng ra bạc.
28 đôi dúi lai nhìn mã rõ đẹp. Con nào con nấy khỏe khoắn, béo mầm. "Khi đó, tôi tin rằng, chỉ sau 1 năm nuôi đám dúi này, tôi sẽ hòa vốn. Nào ngờ dúi thả vào chuồng được hơn 1 tháng, chúng bị bệnh hàng loạt và lăn đùng ra chết. Tôi nhờ thú y rồi gọi điện về trại giống, mua đủ các loại thuốc để chữa bệnh cho chúng. Cái mà tôi nhận lại là dúi chết hàng loạt, không một con dúi lai nào sống sót".
Thất bại nối tiếp nhau khiến anh Minh vô cùng chán nản. Dường như anh càng cố gắng chăn nuôi, ông trời cố tình triệt hạ đường sống của anh vậy. Con lợn, con dúi đã sắp "ăn" mất sổ đỏ của gia đình. Người đàn ông đất Mường vẫn chưa cam chịu thất bại. Anh tiếp tục đi khắp nơi tìm hiểu thêm về con dúi.
Một cơ hội đã đến với anh khi anh tìm được một trại nuôi dúi ta (dúi rừng đã được thuần hóa) ở huyện Lạc Sơn. Thay vì nhập giống ồ ạt về như trước, anh Minh lại mua vài đôi về nuôi thử. Khác với con dúi lai, đám dúi ta đã được thuần hóa nên chúng sinh trưởng rất tốt.
Sau 1 năm nuôi, chúng đã sinh sản mạnh. Hơn nữa, chúng lại đề kháng bệnh rất tốt. Rút kinh nghiệm những lần nuôi dúi trước đây, anh mở rộng đàn dần dần. Sau mỗi năm đàn dúi lại phát triển tốt hơn. Khi đó anh mới thở phào nhẹ nhõm, những nỗ lực, cố gắng của anh đã được đền đáp. Giờ đây đàn dúi đã phát triển lên tới 200 con.