Nông dân Phú Thọ gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân: Gỡ vướng về chuyển đổi đất lúa

Nông dân Phú Thọ gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân: Gỡ vướng về chuyển đổi đất lúa

10:09 - 26/12/2024

Trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân 2024, nhiều hộ nông dân tỉnh Phú Thọ mong muốn, kiến nghị được gỡ vướng chuyển đổi đất lúa, hỗ trợ vốn...để phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Giá tiêu đang khó đoán, các thị trường tăng cường lấy hàng đủ đến tận quý I/2025
Thương lái giảm đặt cọc hoa Tết
Kỳ vọng về gói kích thích tài khoá bổ sung tại Trung Quốc, giá cao su tiếp tục tăng 'nóng'
Vùng đất phèn mặn, nông dân Bạc Liêu trồng giống lúa gì mà tốt bời bời, dưới nước tôm càng to bự bơi vô số?
Giá cà phê điều chỉnh nhẹ duy nhất ở Gia Lai, đang cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái
Nông dân Phú Thọ gửi tới Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, gỡ vướng về chuyển đổi đất lúa- Ảnh 1.

Cánh đồng chuyên canh rau an toàn của HTX rau an toàn Tứ Xã tọa lạc ở xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Hoan Nguyễn

 

Gỡ khó cho chuyển đổi đất lúa

HTX rau an toàn Tứ Xã (ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn. Vùng trồng rau an toàn của HTX rau an toàn Tứ Xã hiện rộng hơn 20 ha; đã có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao (măng tây, rau cần tây, rau mồng tơi, cải bó xôi và dưa lê).

Sản phẩm rau của HTX rau an toàn Tứ Xã đang được nhiều doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng gồm Winmart, BigC, Coopmart, Smart… và hơn 30 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ký liên kết tiêu thụ với sản lượng cung ứng hơn 1.000 tấn các loại, đạt doanh thu 15 tỷ đồng mỗi năm.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX rau an toàn Tứ Xã cho biết, thu nhập của thành viên đạt từ 15-17 triệu đồng/tháng, điển hình một số hộ đạt 50 triệu đồng/tháng. HTX rau an toàn Tứ Xã cũng đang giải quyết việc làm cho gần 40 lao động địa phương, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.

Nông dân Phú Thọ gửi tới Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, gỡ vướng về chuyển đổi đất lúa- Ảnh 2.

Giám đốc HTX rau an toàn Tứ Xã Nguyễn Văn Nghĩa mong muốn được Chính phủ, bộ ban ngành quan tâm gỡ vướng khó khăn cho nông dân trong thủ tục chuyển đổi đất đai, hỗ trợ vốn để mở rộng diện tích trồng rau an toàn... Ảnh: Hoan Nguyễn

Gửi tâm tư, kiến nghị đến Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân 2024 sắp diễn ra, anh Nghĩa chia sẻ: Hướng đến hình thành một vùng chuyên canh rau an toàn chuẩn VietGap, quy mô lớn, phát triển bền vững, HTX rau an toàn Tứ Xã vừa dồn sức dồn lực của thành viên, vừa kiến nghị được cơ quan chức năng quan tâm tạo điều kiện chuyển giao kỹ thuật tiên tiến để ứng dụng vào trồng rau an toàn.

Bên cạnh đó, HTX rau an toàn Tứ Xã đang thiếu vốn để quy hoạch, đầu tư xây dựng khu vực chế biến chuyên sâu. Tiến tới, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp xanh, bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, HTX Tứ Xã mong được tiếp cận, "tiếp sức" hỗ trợ vốn từ chương trình chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn để xây dựng khu chế biến sâu tạo nguồn hàng dự trữ, đáp ứng linh hoạt nhu cầu tăng cao của thị trường.

"Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với HTX rau an toàn Tứ Xã là việc mở rộng diện tích vùng trồng rau an toàn. Cụ thể, người dân gặp khó khăn, lúng túng trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang cây trồng khác (rau an toàn).

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần này, tôi mong muốn Chính phủ, bộ ngành quan tâm tới nội dung này để tháo gỡ, hướng dẫn và đơn giản hóa quy định pháp lý cho hội viên nông dân xã Tứ Xã nói riêng và hàng ngàn thửa đất lúa đang bị xen kẹt, vướng mắc của bà con nông dân trên cả nước nói chung.

Nông dân Phú Thọ gửi tới Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, gỡ vướng về chuyển đổi đất lúa- Ảnh 3.

Nông dân Tứ Xã luôn tuân thủ quy trình trồng rau sạch. Đến nay, HTX rau an toàn Tứ Xã trồng gần 60 sản phẩm rau, củ, quả các loại quanh năm. Thu nhập bình quân của hộ thành viên HTX rau an toàn Tứ Xã từ 15-17 triệu đồng/tháng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Những khó khăn, tồn tại nêu trên được lắng nghe, giải quyết sớm sẽ giúp cho hoạt động sản xuất của chúng tôi hiệu quả hơn. Từ đó, ngày càng nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân" - anh Nghĩa chia sẻ.

Nông dân muốn thu hút, kêu gọi vốn đầu tư cho nông nghiệp sinh thái

Trang trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ tọa lạc ở xã Đồng Trung (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) của anh Lê Mạnh Cường - Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 như một khu rừng có trăm hoa đua sắc; cá, baba tung tăng dưới nước, nuôi lợn an toàn sinh học phân khu…

Theo lời anh Cường, từ năm 2020 đến nay, trang trại tổng hợp của anh Cường đi vào hoạt động ổn định. Mỗi năm, trang trại cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá, rau, quả sạch; hơn16.000 con lợn giống, xuất chuồng hàng nghìn con lợn thương phẩm.

Nông dân Phú Thọ gửi tới Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, gỡ vướng về chuyển đổi đất lúa- Ảnh 4.

Toàn cảnh trang trại sản xuất nông nghiệp của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Lê Mạnh Cường. Ảnh: Hoan Nguyễn

Bên cạnh đó, anh Cường mỗi năm còn nuôi 2.000 con ba ba gai để tận dụng phế phẩm tuần hoàn. Hơn 5 ha đất trồng các loại hoa bốn mùa; cây cảnh, cây lấy gỗ (cây lát, xoan, thông, keo, bạch đàn…) bắt đầu có thể xuất bán làm cây cảnh cho các dự án xây dựng khu đô thị, resort…

Một điểm nhấn rất đặc biệt trong trang trại tổng hợp của anh Cường hiện nay là khu vườn hơn 20.000 cây chà là nhập ngoại từ các nước (Thái Lan, Dubai, Israel, Tunisia...) đang phát triển sinh trưởng xanh tốt, vừa tạo không gian cảnh đẹp bắt mắt, đến mùa thu hoạch quả ăn, vừa tách cây con từ cây mẹ (giâm cành) bán cây giống đem lại nguồn thu nhập cao.

Doanh thu từ trang trại sản xuất nông nghiệp của anh Cường mỗi năm đạt hơn 40 tỷ; tạo công ăn việc làm cho 20 lao động, thu nhập từ 6-12 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Cường cho biết, lâu nay anh đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng trang trại của mình theo hướng phát triển dự án nông nghiệp du lịch sinh thái để khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng về đất đai, lao động, hệ sinh thái mang đậm bản sắc văn hóa của của địa phương.

Theo lời anh Cường, Phú Thọ là mảnh đất cội nguồn dân tộc Việt Nam; riêng huyện Thanh Thủy bên cạnh thế mạnh có nguồn nước khoáng nóng quý hiếm, Thanh Thủy hiện còn lưu giữ được những giá trị văn hóa độc đáo, những lễ hội đặc trưng, gắn chặt với những tín ngưỡng nguyên thủy như lễ hội bơi chải làng Đoan Hạ, hội rước kiệu đền Lăng Sương, lễ kéo lửa nấu cơm thi, hội rước voi Đào Xá, lễ cướp cây bông ở đình La Phù...

Nông dân Phú Thọ gửi tới Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, gỡ vướng về chuyển đổi đất lúa- Ảnh 5.

Tiên phong lựa chọn loại cây trồng nhập ngoại, trong đó có cây chà là, anh nông dân tỷ phú Lê Mạnh Cường đang sở hữu vườn chà là hơn 20.000 cây, với giái trị kinh tế cao. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Cùng với việc tham quan các điểm du lịch nổi tiếng thì những năm gần đây, du khách bắt đầu có thêm xu hướng trải nghiệm những mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái cộng đồng…

Từ người dân, trở thành người quản lý, hướng dẫn viên du lịch là một vấn đề khó, vậy nên tôi mong muốn được Trung ương, tỉnh Phú Thọ tạo điều kiện mở những chương trình tập huấn hướng dẫn, đào tạo về làm du lịch sinh thái để có thể nhanh chóng bắt nhịp hướng phát triển mới, sẵn sàng quảng bá hình ảnh quê hương, đón tiếp khách du lịch", anh Cường chia sẻ.

Anh Cường cũng tươi cười cho biết thêm, vừa qua, huyện Thanh Thủy đã phê duyệt đề án "Nông nghiệp tổng hợp, kết hợp du lịch trải nghiệm" của anh thực hiện ở xã Đồng Trung.

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu này, anh Cường mong muốn được cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục hành chính; hỗ trợ nguồn vốn để dự án nông nghiệp du lịch sinh thái của anh sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động hiệu quả.

Nông dân Phú Thọ gửi tới Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, gỡ vướng về chuyển đổi đất lúa- Ảnh 6.

Làm du lịch nông nghiệp sinh thái, Nông dân Việt Nam xuất sắc Lê Mạnh Cường mong muốn quảng bá hình ảnh "rừng cọ, đồi chè" và giá trị văn hóa đặc sắc của đất và người Phú Thọ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Anh Cường hi vọng, tiếng nói tâm tư này của anh cũng được gửi đến Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2024 diễn ra tới đây, sẽ được Chính phủ, bộ ngành trung ương lắng nghe, quan tâm giúp mô hình của anh và dự án định hướng phát triển nông nghiệp xanh của toàn thể hội viên nông dân trên cả nước nói chung sẽ thúc đẩy kêu gọi, thu hút đầu tư mạnh mẽ, hiệu quả hơn….

Sau tất cả, với tình yêu đam mê làm nông nghiệp, tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, kỳ vọng của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Lê Mạnh Cường là sớm tổ chức được thật nhiều tour du lịch để đưa các đoàn khách trong và ngoài nước đến với xã Đồng Trung, đến với Thanh Thủy; góp sức nhỏ bé của mình để quảng bá hình ảnh một Phú Thọ tươi đẹp, phát triển, đậm đà bản sắc dân tộc.

"Đồng thời, được đóng góp vào sự phát triển bền vững nông nghiệp theo định hướng chủ trương của Chính phủ về phát triển kinh tế xanh, phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng", Nông dân Việt Nam xuất sắc Lê Mạnh Cường nói.