Nông dân vùng biên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu

Nông dân vùng biên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu

11:54 - 17/10/2024

Hội viên nông dân huyện biên giới Sông Mã (Sơn La) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp hội viên nâng cao nâng cao thu nhập.

Giá tiêu không thể trụ vững, đi xuống ở Đắk Nông, Đắk Lắk hôm nay
Philippines nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, sẽ 'mua mạnh gạo Việt Nam'
Vụ mùa đang thu hoạch của Việt Nam gây áp lực cho giá Robusta
Trung Quốc chi hàng tỷ USD để ăn loại thủy sản này, miệt mài mua của Việt Nam suốt 20 năm qua
Giá cà phê quay đầu giảm, chỉ còn Đắk Nông giữ đỉnh giá hôm nay

Mô hình kinh tế hội viên nông dân cho thu nhập cao

Hiện nay, Hội Nông dân huyện Sông Mã (Sơn La) có trên 17.900 hội viên, sinh hoạt tại 19 cơ sở hội. Triển khai phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hằng năm, Hội tích cực phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân khai thác tiềm năng về đất đai, lao động tại địa phương, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu.

 
 
Nông dân vùng biên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu - Ảnh 1.

Hội nông dân Sông Mã đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: Văn Ngọc

Mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi lợn quy mô trang trại theo hướng công nghiệp, gia đình ông Lê Thanh Nghị, bản Tân Tiến xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã (Sơn La) đã vươn lên trở thành một trong những hộ được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Với bản tính cần cù, chịu khó, vào những năm 2019 - 2020, từ lợi thế đất đai của gia đình, ông Lê Thanh Nghị bắt đầu mở hướng làm ăn bằng hình thức chăn nuôi lợn.

Ông Nghị cho biết: Hiện nay quy mô gia đình ông lúc nào cũng có từ 10 con lợn nái và khoảng 100 con lợn thịt. Nuôi lợn theo hướng công nghiệp vẫn được giá hơn so với "nuôi bộ" như trước kia, con lợn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt xẻ nhiều, được thương lái chọn mua. Để chăn nuôi lợn phát triển ổn định, ít bị dịch bệnh, ông luôn phải tìm tòi, học hỏi từ những người đi trước về kinh nghiệm; tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức.

Mặt khác, phải chủ động trong việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, có quy trình chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh thú y chuồng trại. Trung bình mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường từ 10 đến 12 tấn lợn.

Nông dân vùng biên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Lê Thanh Nghị, bản Tân Tiến xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã (Sơn La) cho thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) được thành lập từ đầu năm 2017. Hiện nay, hợp tác xã có 56 ha cây ăn quả các loại; trong đó, chủ lực là cây nhãn với 36 ha, chiếm 64% tổng diện tích, năng xuất bình quân đạt 15 tấn/ha, sản lượng đạt trên 540 tấn/năm, doanh thu ước đạt trên 8 tỷ đồng.

Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh cho biết: Từ năm 2018, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh đã mạnh dạn chuyển đổi hoạt động chế biến long nhãn từ lò sấy than thủ công sang lò sấy hơi ép nhiệt kín, do đó chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm từ hương vị, màu sắc đến cảm quan, không sử dụng chất bảo quản, không thêm đường tạo ngọt và rút ngắn thời gian sấy. Sản phẩm được thị trường và các doanh nghiệp như: Big C Thăng Long, VinMAX…đón nhận, ngoài ra còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.

Nông dân vùng biên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu - Ảnh 3.

Nhờ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trên địa bàn huyện Sông Mã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cáo. Ảnh: Văn Ngọc

Hiệu quả từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Ông Lê Văn Quân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Mã, cho biết: Thực hiện Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng" là một trong những phong trào thi đua được Hội nông dân huyện Sông Mã triển khai thực hiện sâu rộng trong những năm vừa qua.

Phong trào đã thực sự tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trong hội viên, nông dân của xã. Trước hết, có thể thấy, phong trào này đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn để vươn lên làm giàu trong mỗi hội viên, nông dân.

Các hộ nông dân, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa các giống mới, đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, các hộ nông dân ngày càng chú trọng đầu tư phát triển các loại cây ăn quả có gia trị kinh tế cao như: xoài, nhãn. Từ trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng" đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu trở thành những gương sản xuất kinh doanh giỏi.

Nông dân vùng biên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu - Ảnh 4.

Nông dân huyện Sông Mã vào vụ thu hoạch nhãn. Ảnh: Văn Ngọc

Từ năm 2023 đến nay, Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ hàng chục lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, kỹ năng bán sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho hàng trăm hội viên tại các xã trên địa bàn. Cử hàng trăm hội viên tham dự diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên. Hướng dẫn 331 hội viên đưa nông sản trên sàn thương mại điện tử để giới thiệu, tiêu thụ.

Hội còn phối hợp với các doanh nghiệp, công ty cung ứng 890 tấn phân bón các loại, 100 tấn ngô giống, 450 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 8.225 tấn thức ăn chăn nuôi cho nông dân phát triển sản xuất. Nhận ủy thác hơn 147 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp 3.265 hội viên có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; thỏa thuận với Ngân hàng NN&PTNT giúp 20 hộ vay gần 2,6 tỷ đồng xây dựng các mô hình kinh tế; triển khai 16 dự án, cho 233 hội viên vay trên 7,7 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân các cấp để phát triển sản xuất...

Nông dân vùng biên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu - Ảnh 5.

Hàng năm, huyện Sông Mã có hàng trăm hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện nay, nông dân trong toàn huyện đang tập trung gieo trồng trên 17.700 ha cây lương thực có hạt; hơn 10.700 ha cây ăn quả, đạt sản lượng trên 98.400 tấn/năm... Huyện đã có 48 mã số vùng trồng nhãn, với hơn 481 ha; 47 HTX và 1 công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP; 50 chuỗi liên kết, với trên 900 ha nhãn. Duy trì 2 làng nghề, hơn 2.990 lò sấy long nhãn. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng tiêu thụ cây ăn quả của huyện trên 7.820 tấn, giá trị ước đạt hơn 65 tỷ đồng. Một số quả bắt đầu vào vụ thu hoạch chính, như: Xoài, chuối, dứa, nhãn chín sớm… Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hội viên đã thành lập HTX, tổ hợp tác xã đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Toàn huyện có trên 164.500 con gia súc, đại gia súc trên 2 tháng tuổi và gần 97.000 con gia cầm.

Trong năm 2023, huyện Sông Mã có 2.580 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.  Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã và đang làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân Sông Mã, giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng biên.