Nông nghiệp Anh: Từ tiến bộ công nghệ đến chiến lược xuất khẩu mới
08:43 - 21/01/2025
Bài viết điểm qua những bước tiến của nông nghiệp Vương quốc Anh trong 20 năm qua và các chính sách nhằm tái phát triển, nâng cao vị thế của ngành nông nghiệp Anh.
Hà Lan thành công nghiên cứu giống chuối kháng bệnh Panama
Độc nhất Hải Dương, chỉ ông nông dân này "bắt" được thanh long ra quả trái vụ, lãi gần 300 triệu đồng/ha
Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về thuế khô dầu đậu tương
Mãn nhãn những vườn táo trĩu quả bên dòng sông La
Trong hai thập kỷ qua, ngành nông nghiệp Vương quốc Anh đã trải qua những thay đổi sâu rộng, chịu tác động từ nhiều yếu tố như công nghệ, chính trị, môi trường, và nhu cầu của người tiêu dùng. Những thách thức như Brexit, biến đổi khí hậu và yêu cầu về thực phẩm bền vững đã tạo nên những chuyển động mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
Công nghệ và đổi mới – Động lực của sự phát triển
Vương quốc Anh đã có những bước tiến đáng kể trong việc áp dụng các công nghệ nông nghiệp tiên tiến như GPS, máy bay không người lái, và phân tích dữ liệu. Những công nghệ này không chỉ giúp tăng năng suất cây trồng trung bình từ 10-15% mà còn giảm chi phí đầu vào từ 7-10% hàng năm.
Ngành công nghệ nông nghiệp (Agri-Tech) của Anh đang phát triển mạnh mẽ, với quy mô thị trường dự kiến đạt 12 tỷ bảng Anh vào năm 2030. Các đổi mới như canh tác thẳng đứng và thủy canh cũng đang tạo ra tác động đáng kể, đặc biệt ở các khu vực đô thị như London, nơi sản lượng rau tươi đã tăng trưởng hơn 25% mỗi năm từ năm 2015, đạt khoảng 15.000 tấn vào năm 2023.
Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường
Bền vững môi trường là mục tiêu chiến lược của ngành nông nghiệp Vương quốc Anh. Chính phủ Anh đã triển khai Chương trình Quản lý đất đai môi trường (ELMS) nhằm khuyến khích các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường như canh tác hữu cơ, giảm cày xới và quản lý dịch hại tổng hợp. Với ngân sách 2,4 tỷ bảng Anh hàng năm, ELMS hỗ trợ nông dân áp dụng các phương pháp bảo vệ đất và nước, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (DEFRA), lượng khí thải nhà kính từ nông nghiệp tại Anh đã giảm 16% so với năm 1990, nhưng ngành này vẫn đóng góp khoảng 10% tổng lượng khí thải của quốc gia.
Brexit và những cơ hội mới
Việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mang đến cả thách thức và cơ hội cho ngành nông nghiệp. Nông dân phải đối mặt với các rào cản thương mại mới khi xuất khẩu sang EU, dẫn đến sự giảm sút 25% trong xuất khẩu thực phẩm và đồ uống vào năm 2021, tổn thất 2 tỷ bảng Anh.
Tuy nhiên, Brexit cũng thúc đẩy Anh tìm các thị trường ngoài EU. Chính phủ Anh đã tích cực đàm phán các thỏa thuận thương mại với Úc, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam và nhiều quốc gia khác, giúp xuất khẩu nông sản sang các thị trường ngoài EU tăng 13% vào năm 2022, đạt tổng giá trị 8,5 tỷ bảng Anh.
Thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng
Xu hướng tiêu dùng tại Anh đã chuyển hướng rõ rệt sang các sản phẩm thực phẩm lành mạnh, bền vững và có nguồn gốc đạo đức. Thị trường thực phẩm hữu cơ tại Anh đã đạt giá trị 3,1 tỷ bảng Anh vào năm 2023, tăng 30% so với năm 2018. Nhu cầu đối với sản phẩm thực vật cũng đang bùng nổ, với giá trị thị trường đạt 600 triệu bảng Anh vào năm 2023.
Nông dân đã chủ động đáp ứng các thay đổi này bằng cách đa dạng hóa sản xuất và áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, như nông nghiệp tái sinh. Phong trào “từ nông trại đến bàn ăn” và bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng đang phát triển mạnh, với khoảng 12% trang trại tại Anh hiện bán sản phẩm trực tiếp qua các nền tảng trực tuyến.
Biến đổi khí hậu – Một thách thức lớn
Biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp Vương quốc Anh, với những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và mùa vụ trở nên không theo quy luật cũ. Nhìn chung, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng.
Để đối phó với những thách thức này, nông dân Anh đang áp dụng các biện pháp thực hành thông minh như bảo tồn đất, quản lý nước, và đa dạng hóa cây trồng. Chính phủ Anh cũng đầu tư vào nghiên cứu phát triển các giống cây trồng chịu hạn, chịu nhiệt, dự kiến sẽ thương mại hóa vào năm 2025.
Gia nhập CPTPP và triển vọng mới cho xuất khẩu nông sản
Năm 2023, Vương quốc Anh đã chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường tiềm năng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. CPTPP không chỉ giúp Vương quốc Anh tiếp cận hơn 500 triệu người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thịt bò, thịt cừu, sản phẩm sữa và rượu wishky.
Hiệp định này cũng mang lại lợi ích lớn về giảm thuế quan cho nhiều sản phẩm nông nghiệp của Anh, đồng thời thúc đẩy cải tiến chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế. Ngoài ra, CPTPP giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào EU và mở rộng cơ hội thương mại sang các thị trường mới nổi.
Chính sách tái phát triển nông nghiệp của Vương quốc Anh
Trong nhiều năm qua, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tại Vương quốc Anh đã làm thay đổi cấu trúc kinh tế - xã hội của đất nước và tác động đáng kể đến ngành nông nghiệp. Xu hướng di cư từ nông thôn lên thành thị đã trở nên phổ biến khi nhiều nông dân rời bỏ đất đai để tìm kiếm cơ hội việc làm có thu nhập cao hơn trong các khu công nghiệp và đô thị lớn. Các thành phố như London, Manchester, và Birmingham đã trở thành điểm đến thu hút nhiều lao động trẻ nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Điều này đã dẫn đến hiện tượng nhiều vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả, gây ra sự suy giảm về sản xuất nông nghiệp và làm tăng nguy cơ mất cân bằng trong chuỗi cung ứng lương thực nội địa.
Tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp đã trở nên trầm trọng hơn sau Brexit, khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu và mất đi nguồn lao động nhập cư giá rẻ từ các nước EU. Đại dịch Covid-19 cũng góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề này, khi nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn và lao động nhập cư gặp khó khăn trong việc di chuyển.
Chính sách của Chính phủ để khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang
Nhận thức rõ các vấn đề này, Chính phủ Vương quốc Anh đã phải triển khai một loạt các chính sách hỗ trợ nhằm giải quyết tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, thu hút lao động trở lại nông thôn và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Những chính sách này bao gồm:
* Chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp thuê đất nông nghiệp
Để khuyến khích sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp bị bỏ hoang, Chính phủ Anh đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Một ví dụ điển hình là Dự án Trang trại Xanh (Green Farm Project), một chương trình thí điểm nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp với mức giá ưu đãi.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ tài chính thông qua các khoản vay không lãi suất trong năm đầu tiên và các khoản trợ cấp để đầu tư vào công nghệ tiên tiến. Chương trình này cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn đầu tư và tư vấn kỹ thuật để phát triển các mô hình canh tác hiện đại như thủy canh và canh tác hữu cơ, tận dụng tối đa tiềm năng của đất đai.
Ví dụ cụ thể từ dự án này là Trang trại Thủy canh tại Birmingham và Trang trại Xanh ở Kent. Cả hai dự án này đã thành công trong việc tái sử dụng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, áp dụng các công nghệ canh tác hiện đại để tăng năng suất và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
* Chính sách hỗ trợ nông dân và cộng đồng nông thôn
Chính phủ Vương quốc Anh đã triển khai một loạt các chính sách nhằm hỗ trợ nông dân và cải thiện điều kiện sống tại các cộng đồng nông thôn để thu hút lao động trở lại. Một số chính sách bao gồm:
+ Hỗ trợ tài chính cho nông dân trẻ và Doanh nghiệp nông thôn: Chính phủ cung cấp các khoản vay ưu đãi và trợ cấp tài chính cho nông dân trẻ để mua hoặc thuê đất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và khuyến khích sự tham gia của thế hệ trẻ vào lĩnh vực nông nghiệp.
+ Chương trình Hỗ trợ đào tạo và kỹ năng: Các chương trình đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp hiện đại và quản lý trang trại đã được triển khai để nâng cao kỹ năng cho nông dân và người lao động nông thôn. Chính phủ cũng thành lập "Học viện Nông nghiệp" để cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn, nhằm giúp nông dân và lao động nông nghiệp tiếp cận kiến thức và công nghệ mới nhất trong ngành.
+ Đầu tư vào Cơ sở hạ tầng nông thôn: Để cải thiện chất lượng cuộc sống tại nông thôn, chính phủ đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, bao gồm kết nối băng thông rộng và cải thiện giao thông vận tải. Việc này không chỉ giúp các cộng đồng nông thôn trở nên hấp dẫn hơn đối với lao động trẻ mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp trong việc tiếp cận thị trường tiêu dùng.
Chính phủ Vương quốc Anh đang thực hiện một loạt các chính sách để hỗ trợ ngành nông nghiệp tái phát triển sau Brexit. Trong đó, Chiến lược Công nghệ nông nghiệp (Agri-Tech Strategy) đóng vai trò quan trọng, nhằm đưa Vương quốc Anh trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ nông nghiệp toàn cầu. Chính phủ đã đầu tư hơn 160 triệu bảng Anh vào các trung tâm nghiên cứu và đổi mới, phát triển các công nghệ tiên tiến như nông nghiệp chính xác, tưới tiêu thông minh và kỹ thuật lai tạo.
Chiến lược này cũng bao gồm các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, thông qua các khoản tài trợ, ưu đãi thuế và chương trình ươm tạo doanh nghiệp.
Định hướng tương lai cho ngành nông nghiệp Anh
Trong bối cảnh hậu Brexit và các thách thức toàn cầu khác, việc gia nhập CPTPP và thực thi các chiến lược mới đang giúp ngành nông nghiệp Vương quốc Anh mở rộng thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Bằng cách tập trung vào đổi mới công nghệ, phát triển bền vững và mở rộng quan hệ thương mại quốc tế, ngành nông nghiệp Anh đang hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn, bất chấp các khó khăn hiện tại.
Bài học cho nông nghiệp Việt Nam từ kinh nghiệm của Vương quốc Anh
Việt Nam, giống như Vương quốc Anh, đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển nông nghiệp bền vững. Những thách thức này bao gồm sự mất cân bằng giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp, biến đổi khí hậu, và thiếu hụt lao động nông thôn do đô thị hóa nhanh chóng. Để có thể vượt qua các thách thức này và tiếp tục phát triển, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể học tập Vương quốc Anh một số kinh nghiệm sau đây:
* Đẩy mạnh công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp
Việt Nam có thể học hỏi từ Vương quốc Anh bằng cách thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến như canh tác chính xác, thủy canh, công nghệ sinh học, và các giải pháp nông nghiệp số hóa.
+ Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D): Chính phủ Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của Việt Nam. Điều này có thể bao gồm việc thành lập các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp hiện đại, hợp tác với các viện nghiên cứu quốc tế, và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia đổi mới công nghệ.
+ Khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực Agri-Tech: Việt Nam có thể đưa ra các gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, giúp họ tiếp cận đất đai, vốn, và công nghệ.
* Tăng cường hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn kinh doanh cho nông dân và cộng đồng nông thôn
+ Hỗ trợ tài chính cho nông dân trẻ và các doanh nghiệp nông thôn: Tạo điều kiện cho nông dân trẻ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, và tư vấn kinh doanh. Điều này giúp tạo động lực cho thế hệ trẻ gắn bó với nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
+ Đào tạo kỹ năng và chuyển giao công nghệ: Đẩy mạnh các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật canh tác hiện đại, quản lý trang trại và ứng dụng công nghệ mới, từ đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
* Khai thác hiệu quả đất nông nghiệp và khuyến khích sử dụng đất hoang hóa
Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong việc khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp và hợp tác xã thuê đất nông nghiệp để phát triển các mô hình canh tác bền vững.
Khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã thuê đất nông nghiệp: Việt Nam có thể đưa ra các chính sách khuyến khích như miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn, hoặc cung cấp đất với giá ưu đãi cho các doanh nghiệp và hợp tác xã có kế hoạch sử dụng đất hoang hóa hiệu quả.
Phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao: Chính phủ Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, trong đó các doanh nghiệp được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, tiếp cận công nghệ tiên tiến, và tiếp cận thị trường.
* Thu hút lao động trẻ và giữ chân lao động nông thôn
+ Phát triển kinh tế nông thôn và tạo việc làm phi nông nghiệp: Đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện điều kiện sống và tạo cơ hội việc làm trong các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản, du lịch nông thôn và các dịch vụ khác.
+ Khuyến khích khởi nghiệp nông thôn: Đưa ra các gói hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế và tư vấn kinh doanh để khuyến khích thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
* Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và phát triển thương hiệu nông sản
+ Xây dựng chiến lược xuất khẩu đa dạng: Đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các thị trường mới nổi và có tiềm năng, tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết như EVFTA, UKVFTA, CPTPP để giảm thuế quan và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.
+ Phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam: Tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Việt Nam.
Kết luận
Kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong việc khắc phục các thách thức hậu Brexit và Covid-19 đã mang lại nhiều bài học quý giá cho nông nghiệp Việt Nam. Bằng cách áp dụng các chiến lược đổi mới công nghệ, hỗ trợ tài chính cho nông dân và doanh nghiệp nông thôn, khai thác hiệu quả đất nông nghiệp bị bỏ hoang, và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Việt Nam có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Việc chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ và đổi mới sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tương lai.