Nông nghiệp đô thị còn tồn tại nhiều hạn chế

Nông nghiệp đô thị còn tồn tại nhiều hạn chế

10:36 - 24/06/2024

Phát triển nông nghiệp đô thị không chỉ góp phần cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ an toàn cho người dân, mà còn phủ xanh, tăng lượng oxy, giảm phát thải...

Tôm nguyên liệu có thể thiếu hụt đến hết quý I năm sau
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam
Mô hình trồng rau thủy canh của HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP.HCM) được nhiều người dân các tỉnh thành lựa chọn để cung cấp các sản phẩm rau ăn lá cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mô hình trồng rau thủy canh của HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP.HCM) được nhiều người dân các tỉnh thành lựa chọn để cung cấp các sản phẩm rau ăn lá cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “Nông nghiệp đô thị - lợi ích kép cho người dân đô thị” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, chiều 6/6.

Ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tồn tại lớn nhất và cũng là thách thức lớn nhất cho phát triển nông nghiệp đô thị ở Việt Nam chính là chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu gây lãng phí về đất đai. Công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp. Việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện. Đó là những nguyên nhân làm cho nông nghiệp đô thị bị ảnh hưởng, thiếu quy hoạch, không ổn định. 

Phát triển nông nghiệp đô thị là một trong những giải pháp, xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh như hiện nay.

Theo ông Bộ, cơ cấu cư dân thành thị tăng nhanh. Nếu như năm 1990, tỉ lệ dân số thành thị là 19,51% thì con số này tăng lên 36,76% vào năm 2020. Dự báo tỉ lệ này sẽ vượt 50% sau năm 2030.

"Việc cung ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho cư dân đô thị, chưa kể khách du lịch sẽ là áp lực lớn. Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, nông nghiệp đô thị còn đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm. Nếu như ở nông thôn từng có tình trạng "rau 2 luống, lợn 2 chuồng" thì nông nghiệp đô thị chính là giải pháp phòng tránh tốt nhất ngộ độc thực phẩm vốn đang tăng nhanh", ông Bộ nhận định.

Ông Nguyễn Văn Bộ cho rằng, với điều kiện quỹ đất hạn hẹp, để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, kinh tế số trong chuỗi sản xuất là yếu tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tiết kiệm chi phí; giảm chất thải, phát thải.

Ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy.

 

“Đầu tư cho phát triển nông nghiệp đô thị là đầu tư cho bốn mục tiêu: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn, sức khỏe tốt hơn. Hay nói cách khác, nông nghiệp đô thị mang lại đa lợi ích cho quốc gia, cho mỗi đô thị và cho mỗi cư dân của các đô thị đó”, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ nói.

Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền đánh giá, quá trình đô thị hóa đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ kể cả quy mô và tốc độ. Vì vậy, phát triển nông nghiệp đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm mà còn góp phần tăng thêm không gian xanh cho người dân tại các thành phố.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia Nông nghiệp, các mô hình nông nghiệp đô thị đang phát triển ở Việt Nam theo hai hướng là mô hình nông nghiệp chính quy (được tổ chức sản xuất tập trung tại các không gian rộng như các trang trại, các vùng sản xuất chuyên canh ở ngoại thành) và mô hình nông nghiệp phi chính quy (do các hộ gia đình tận dụng không gian hạn hẹp nơi sinh sống để tự trồng trọt, chăn nuôi). Tuy nhiên, hiệu quả của các mô hình này hiện còn hạn chế do người dân còn thiếu kiến thức và chưa tiếp cận được nhiều công nghệ mới.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia Nông nghiệp giới thiệu một số giải pháp về phân bón cho cây trồng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia Nông nghiệp giới thiệu một số giải pháp về phân bón cho cây trồng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Nông nghiệp đô thị của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển theo đòi hỏi của người dân đô thị trong nước. Người dân đô thị rất cần những thực phẩm tươi sống, chất lượng cao và an toàn thực phẩm", TS Nguyễn Đăng Nghĩa nói và nhấn mạnh, cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần định hướng trước mắt cũng như lâu dài cho sản xuất nông nghiệp đô thị, phù hợp với điều kiện không gian ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa, tương thích với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, xây dựng, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Mặt khác, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực lai tạo giống cây, con chủ lực với từng vùng sinh thái, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

TS Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng (Trường Đại học Văn Lang) đề xuất một số mô hình nông nghiệp đô thị tại TP.HCM như áp dụng mô hình canh tác quy mô nhỏ, vừa đối với đối tượng sản xuất rau, hoa, cây cảnh, cá cảnh, thú cưng ở vùng trung tâm thành phố. Ngoài ra, tại các vùng ngoại thành nên phát triển mô hình trồng rau, nấm, hoa, cây kiểng, cây trồng đô thị, mô hình trồng rừng, sản xuất nông - lâm kết hợp gắn với du lịch sinh thái...