Cây hồ tiêu trồng theo phương pháp hữu cơ với thức nông - lâm kết hợp của HTX Nông nghiệp Lâm San có thể chống chọi được với thời tiết nắng hạn của miền Đông Nam bộ thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Mở đầu câu chuyện, ông Luân chia sẻ: Từ việc hiểu rõ nhu cầu thị trường châu Âu về hồ tiêu an toàn, có truy xuất nguồn gốc cũng như gia tăng thu nhập cho nông dân bằng cách giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao chất lượng hồ tiêu , năm 2014, mô hình kết nối nông dân với thị trường thông qua hình thức nhóm sản xuất được hình thành với việc thành lập HTX Nông nghiệp Lâm San.
“Nông dân thường tìm đến tôi để trao đổi về kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình nông - lâm kết hợp. Đôi khi, chính tôi cũng tự tìm đến nông dân để chia sẻ về kỹ thuật canh tác.
Trước đây, giá tiêu thấp, tôi nói nông dân cứ trồng tiêu đi, nhưng nhiều người bảo tôi điên. Thực tế, tôi nhìn ở góc độ thị trường, còn nhiều nông dân chỉ nhìn vào giá nên diện tích trồng hồ tiêu ngày càng thu hẹp”, ông Luân nói và cho biết, với 1.000 thành viên, HTX Nông nghiệp Lâm San ban đầu có tổng diện tích lên tới 1.000ha hồ tiêu, nhưng đến nay chỉ còn lại dưới 400ha, trong đó chỉ có 16ha canh tác đạt chuẩn hữu cơ.
Hiểu được hệ thống canh tác có sự liên quan mật thiết giữa đất - nước - cây trồng sẽ giúp nông dân giữ được vườn cây có năng suất ổn định, lâu dài mà không cần sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc BVTV, ông Luân phát triển hệ thống tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt và chuyển giao kỹ thuật cho bà con. Qua đó, HTX Nông nghiệp Lâm San có tỷ lệ vườn tiêu đặt hệ thống tưới tiết kiệm và tưới nhỏ giọt cao hàng đầu ở Việt Nam hiện nay. Đây là phương pháp tối ưu nhất để giảm thất thoát nguồn nước, tiết kiệm năng lượng và chống biến đổi khí hậu.
Nhờ nguồn tài trợ của UBND tỉnh Đồng Nai triển khai dự án cánh đồng lớn, các hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất hồ tiêu với HTX Nông nghiệp Lâm San được hỗ trợ 30% chi phí lặp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (kể cả canh tác thông thường cũng như canh tác hữu cơ). Đến nay, dự án này đã hỗ trợ được trên 6,6 tỷ đồng cho bà con nông dân.
Theo ông Luân, nông dân biết cách tổ chức sản xuất, canh tác theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ, không nhập nhèm “hướng hữu cơ”, sản phẩm đạt chất lượng thì không lo thiếu đầu ra. Các HTX hồ tiêu hữu cơ chiếm 80% tổng sản lượng tiêu hữu cơ xuất khẩu. Và ngay cả tại HTX Nông nghiệp Lâm San vẫn đảm bảo bao tiêu được sản phẩm hồ tiêu cho bà con nếu tiêu đạt chất lượng.
“Canh tác hữu cơ là không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, phân bón hóa học, chất bảo quản, chất phụ gia là hóa chất tổng hợp; thuốc kháng sinh, sinh vật biến đổi gen, hormone tăng trưởng.
Quan trọng của nông nghiệp hữu cơ là tạo độ phì nhiêu cho đất, bảo vệ tài nguyên đất, tạo hệ sinh thái đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe con người.
Muốn vậy phải liên kết nông dân lại với nhau để chia sẻ kiến thức khoa học, kiến thức canh tác, chứ không chỉ đơn thuần là mua – bán, thị trường. Nông dân Lâm San đến với nhau để chia sẻ kinh nghiệm và cả những thất bại để trở nên tốt hơn", ông Luân nói.
Cũng theo ông Luân, từ khi thành lập đến nay, HTX đã hỗ trợ bà con nông dân xuất khẩu khoảng 4.500 tấn hồ tiêu trực tiếp sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, đem lại thu nhập cao cho bà con.
Sự khác biệt giữa hồ tiêu canh tác hữu cơ theo hình thức nông - lâm kết hợp so với phương pháp canh tác thông thường. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, từ nhiều năm nay, HTX Nông nghiệp Lâm San đã ký hợp đồng liên kết với Tổ hợp tác hồ tiêu Lâm San, chia sẻ về kiến thức, thị trường và bao tiêu toàn bộ sản phẩm hồ tiêu cho bà con nông dân Tổ hợp tác theo giá thị trường.
“Ngoài trả theo giá thị trường, HTX Nông nghiệp Lâm San còn thưởng thêm 4.000 đồng/kg tiêu (trước đây khi giá tiêu cao thưởng thêm là 10.000 đồng/kg) cho nông dân. Đây là HTX chia sẻ lợi nhuận cho bà con nông dân khi tham gia liên kết”, ông Bá cho biết.
Lấy khoa học sinh thái áp dụng cho nông nghiệp Nếu chỉ nói thì có thể chúng tôi không tin, nhưng quả thật, khi tận mắt thấy những trụ tiêu hữu cơ xanh tốt vươn mình giữa nắng hạn của miền Đông Nam bộ, mới nhận ra rõ sự khác biệt của việc canh tác theo phương pháp hữu cơ, nông - lâm kết hợp này. Đây là 1 trong 2 vườn tiêu đạt chứng nhận hữu cơ đầu tiên của HTX Nông nghiệp Lâm San do Tổ chức Chứng nhận quốc tế CERES-Cert (Đức) cấp.
Giữa cái nắng gay gắt tháng 5, vườn hồ tiêu hữu cơ 3,5ha trồng xen canh với bưởi, điều, ca cao, chuối của ông Luân vẫn xanh tốt, khác hẳn với 2 vườn tiêu bên cạnh (1 vườn suy kiệt vì thâm canh quá mức; 1 vườn tươi tốt, nhưng lá vàng do nắng nóng và tưới nước quá nhiều).
Vườn tiêu hữu cơ sản xuất theo hình thức nông - lâm kết hợp với đa dạng các cây trồng, đa tầng, đa tán, tạo nên sự đa dạng sinh học. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo ông Luân, nhận thức rõ vấn đề biến đổi khí hậu, ngay từ đầu, ông đã xác định làm nông nghiệp hữu cơ, mô hình nông - lâm kết hợp. Mô hình này thích hợp để canh tác ở vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, nhất là đối với các hộ nhỏ lẻ.
Khi nhiệt độ cao, ánh nắng cường độ quá cao rễ cây không đủ mạnh, dù có đủ nước tưới nếu canh tác thông thường cây vẫn suy kiệt, không thể xanh tốt được.
Bằng cách canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông - lâm kết hợp, sẽ tạo ra những tầng lá khác nhau, khi đó, tầng lá phía trên (cây rừng) sẽ che bớt ánh sáng cho những cây tầng dưới (tiêu). Ở HTX Nông nghiệp Lâm San, các hộ được hướng dẫn thực hành thiết kế lại hệ thống canh tác, giữ cho đất và mật độ cây trồng ở trạng thái cân bằng sinh thái, tạo ra ánh sáng phù hợp, đảm bảo về dinh dưỡng và giúp hệ vi sinh vật đất phát triển.
Nguyên tắc căn bản để phục hồi độ phì của đất là bón phân hữu cơ, tạo môi trường thoát nước quanh vùng rễ để hệ vi sinh vật đất phát triển tốt. Môi trường đất lành mạnh sẽ hạn chế được dịch bệnh do nấm Phytophthora. HTX trồng tiêu kết hợp nuôi dê, tận dụng sản phẩm phụ, phân chuồng để ủ làm phân bón hữu cơ bón lại cho cây tiêu. Tăng hiệu quả sử dụng đất, nước và dinh dưỡng bằng cách đa dạng hóa cây trồng và hình thức canh tác nông - lâm kết hợp, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân.
“Hữu cơ là tiêu chuẩn, sinh thái là những nguyên tắc, chúng tôi lấy nguyên lý khoa học sinh thái áp dụng cho nông nghiệp. Không có quy trình chung cho tất cả nông dân. Vì vậy, với mỗi hộ khác nhau chúng tôi sẽ có cách để hướng dẫn họ làm sao canh tác đúng tiêu chuẩn hữu cơ, phù hợp với sinh thái mảnh vườn của họ. Không thể áp dụng quy trình của ông A cho ông B được”, ông Luân phân tích.
Nhờ canh tác hữu cơ theo hình thức nông - lâm kết hợp, hệ vi sinh vật đất rất phát triển, đất luôn màu mỡ, giữ ẩm tốt. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San, quan trọng hơn là trong tương lai, không những vườn cây trồng theo phương pháp này phát thải ròng về 0 mà còn tăng mức độ hấp thụ CO2 từ khí quyển. Từ đó, có thể tự tin làm chứng nhận, bán tín chỉ carbon ra thị trường.
“Do đó, rất cần sự liên kết của các hộ nông dân và đặc biệt là sự ủng hộ, hỗ trợ từ chính quyền tỉnh Đồng Nai nói chung và địa phương nói riêng để triển khai mô hình nông - lâm kết hợp trên diện tích lớn khoảng 300 - 500ha ở Lâm San”, ông Nguyễn Ngọc Luân nói và thông tin thêm, hiện HTX đang hợp tác với tổ chức phi chính phủ Helvetas (Thụy Sỹ) đánh giá, so sánh lượng phát thải CO2 giữa canh tác nông - lâm kết hợp và canh tác thông thường ở địa phương nhằm chuẩn hóa quy trình canh tác, hướng tới giảm phát thải. Đồng thời, HTX Nông nghiệp Lâm San cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng làm chứng chỉ carbon theo tiêu chuẩn Vera và Gold Standands.
"Quy mô thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024 - 2032.
Đây là thời điểm nông dân nên trồng hồ tiêu trở lại, kết hợp canh tác hữu cơ, nông - lâm kết hợp. Cố gắng phát triển, duy trì sản lượng hồ tiêu cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 300.000 tấn để trở lại thời hoàng kim của hồ tiêu xuất khẩu sau thời gian dài giảm sâu cả về sản lượng, diện tích và giá”, ông Nguyên Ngọc Luận nói.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai xác định đến năm 2025 hình thành các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tạo nguồn sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trong nước, khu vực và thế giới. Hình thành các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hướng đến đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.