Nông nghiệp hữu cơ: Tiềm năng lớn, nhưng còn lắm chông gai
21:21 - 30/09/2024
QUẢNG NINH Hiện nay, nông sản 'xanh', sản xuất theo hướng hữu cơ đang được nhiều người đón nhận. Thế nhưng việc mở rộng sản xuất vẫn là bài toán còn gặp nhiều khó khăn.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Trên diện tích gần 1ha, anh Bùi Sỹ Tuyến, chủ Trang trại T-T tại phường Hà Phong (TP Hạ Long, Quảng Ninh) chia làm 3 khu vực gồm nuôi gà, nuôi trùn quế và trồng rau. Áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, anh Tuyến sử dụng phân gà để nuôi trùn quế, sau đó sử dụng phân trùn quế để trồng rau và trùn quế làm thức ăn cho gà.
Anh Tuyến cho biết trước đây trang trại của anh chỉ nuôi gà và nuôi trùn quế. Thời gian qua, nhận thấy nhu cầu của thị trường, anh đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ nhằm mang đến những sản phẩm chất lượng, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
“Rau của mình được trồng hoàn toàn bằng phân trùn quế với hệ thống tưới nước tự động, được trang bị màng lưới để phòng ngừa các loại sâu, côn trùng gây hại, giảm thiểu ảnh ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi. Với kỹ thuật trồng của mình, từ 15 - 18 ngày rau đã có thể thu hoạch, chi phí sản xuất cũng giảm đáng kể mà chất lượng sản phẩm được nâng cao”, anh Tuyến cho biết.
Hiện trang trại của anh Tuyến xuất bán ra thị trường từ 700 - 1.000 con gà/tháng và từ 70 - 100kg rau/ngày. Các sản phẩm của Trang trại T-T đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, bước đầu được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Mặc dù vậy, việc đẩy mạnh sản xuất và phát triển lâu dài vẫn là bài toán khó.
Lý giải về điều này, anh Tuyến cho biết với diện tích hiện tại, trang trại chỉ có thể sản xuất được một số loại rau, củ nên sản phẩm chưa đa dạng, phong phú. Thời gian qua, anh đã và đang tìm kiếm các đơn vị, hộ gia đình có thể hợp tác để hình thành vùng trồng rau hữu cơ quy mô lớn hơn, chủng loại rau đa dạng hơn. Thế nhưng hiện vẫn chưa tìm được đơn vị nào để hợp tác.
Cũng theo anh Tuyến, để làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông dân cần trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng, nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ để tiết kiệm thời gian, sức lao động, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, dựa trên những lợi thế của tỉnh, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt khuyến khích sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận.
Theo ông Trần Văn Thực - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh những năm qua vẫn còn một số khó khăn, nhất là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, dư địa vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tập quán, nhận thức người sản xuất còn hạn chế. Đặc biệt, tiêu chuẩn của sản phẩm hữu cơ rất cao, trong khi đó nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm hữu cơ vẫn chưa đầy đủ.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nói chung, trong đó có nông nghiệp hữu cơ, kết hợp cùng chính sách của trung ương về chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp hữu cơ.
Theo đó, khuyến khích phát triển nghiên cứu, sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; giao cơ quan chuyên môn tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy trình sản xuất cây trồng, vật nuôi để người sản xuất có cơ sở áp dụng, tạo cơ sở ban đầu để sản xuất ra sản phẩm hữu cơ.