Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải tăng tốc, bứt phá trong năm 2025

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải tăng tốc, bứt phá trong năm 2025

08:46 - 10/01/2025

Năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung thực hiện việc chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn…

Khoai tây trước cơ hội thành cây vụ đông chủ lực của TP Hà Nội
Nuôi thành công con đặc sản hiền khô, chỉ ăn rau, bèo, đồ bỏ đi, nông dân xã này ở Long An bán bộn tiền
Vượt bão lũ thiên tai, sản xuất nông nghiệp Hà Nội đạt kết quả ấn tượng
Tân Lạc thu hoạch trên 1.000 tấn quýt Vân Sơn
Giá lúa gạo hôm nay 9/1/2025: Tăng giảm trái chiều

Vượt khó về đích, lập nhiều kỷ lục mới

Trong không khí đầu năm mới, sáng ngày 2/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã có buổi gặp mặt báo chí đầu xuân, điểm lại những thành tựu đáng tự hào của ngành nông nghiệp trong năm 2024 vừa qua.

''

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, đặc biệt là những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, điển hình là cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương, ngành nông nghiệp vẫn kiên cường vượt khó, đạt được những kết quả ấn tượng.

Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và thặng dư thương mại toàn ngành lập kỷ lục mới, lần lượt đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% và 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Tính đến năm 2024, nông sản Việt Nam đã hiện hữu tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể thích ứng với yêu cầu của những thị trường khó tính nhất.

Bằng tư duy sáng tạo, linh hoạt, đổi mới và đột phá, ngành nông nghiệp và đã thu hút thêm 1.500 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên 17.300, tăng 7,5% so với năm 2023. Không chỉ thu hút thêm các doanh nghiệp mới, ngành còn nhận được sự quan tâm và đầu tư ngày càng lớn từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước.

“Để đạt được những thành quả trên là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng và Nhà nước, sự chung sức đồng lòng của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân… Bên cạnh đó cũng có sự đóng góp không nhỏ của các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí”, Thứ trưởng Tiến đánh giá.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, năm 2025 là năm cuối cùng, cũng là năm then chốt để ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng tốc, bứt phá về đích, hoàn thành Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025.

Chính vì vậy, toàn ngành sẽ tập trung chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới những mục tiêu cụ thể: đạt mức tăng trưởng từ 3,3% đến 3,4%; nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản lên 64 - 65 tỷ USD; phấn đấu trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,2% và đảm bảo 60% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.

''

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiến tạo không gian phát triển và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Song song với đó, việc phát triển mạnh mẽ thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cả trong nước và xuất khẩu cũng là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ trưởng cũng đề xuất xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng cho từng loại nông sản, kết hợp với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp và nông thôn, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định và bền vững cho thị trường trong nước.

"Một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Vẫn còn dư địa cho báo chí phát triển cùng ngành nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, với quy mô rộng lớn của đất nước và ngành nông nghiệp, các lãnh đạo Bộ không thể bao quát hết mọi vấn đề. Trong bối cảnh đó, báo chí có vai trò đặc biệt, khi các nhà báo là những người thường xuyên đi thực tế, trực tiếp tiếp xúc với nhiều đối tượng, thu thập thông tin đa chiều, từ đó có thể chia sẻ với Bộ những hiểu biết, kinh nghiệm và tâm tư sâu sắc.

“Các nhà báo sẽ trở thành người đồng hành với ngành nông nghiệp, cùng nhau kiến tạo. Chúng ta sẽ phát triển rực rỡ hơn, cùng vươn mình, giúp ngành nông nghiệp cũng như các lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,” Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc tạo động lực và lan tỏa những giá trị tích cực.

''

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng sách và chụp hình lưu niệm với các phóng viên, nhà báo.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các nhà báo lưu ý tôn vinh những con người bình dị tại làng quê, những người nông dân cần cù, để họ có thể liên kết, hợp tác và nâng tầm sản phẩm nông sản, đồng thời thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nông thôn. Ông nhấn mạnh rằng báo chí và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hợp tác chặt chẽ để tìm ra những ý tưởng mới, vượt qua cách tiếp cận cứng nhắc và đối đầu.

“Ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng của nhiều biến động trên thế giới nên đòi hỏi trí tuệ để vượt qua. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của các nhà báo, những người sở hữu trí tuệ sắc bén và tầm nhìn rộng. Dù tồn tại nhiều thách thức, luôn có giải pháp để giải quyết, và báo chí chính là cầu nối, là người đề xuất các ý tưởng sáng tạo, góp phần vào công cuộc đổi mới ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định dư địa cho báo chí phát triển trong ngành nông nghiệp còn rất lớn. Ông kỳ vọng các phóng viên, nhà báo sẽ xem mỗi bài viết như một tác phẩm báo chí thực thụ, được đầu tư nghiêm túc, trau chuốt để phản ánh toàn diện hơi thở của nông nghiệp.