Nông nghiệp xanh bên dòng sông lịch sử Nuôi hàu làm giàu trên sông Lòng Tàu

Nông nghiệp xanh bên dòng sông lịch sử Nuôi hàu làm giàu trên sông Lòng Tàu

15:56 - 06/05/2024

TP.HCM Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, dòng sông ngắn này là nơi diễn ra những trận chiến ác liệt, những chiến công lẫy lừng của đặc công, biệt động rừng Sác.

Trại lợn đầu độc kênh mương
Kiên Giang phát triển 7.000ha trồng trọt hữu cơ
Loại rau chứa gần 20 loại axit amin xào nấu đơn giản có ngay món an siêu bổ dưỡng
Học hỏi nông nghiệp tiết kiệm nước từ văn hóa của Israel
Giá lợn hơi lên 65.000 đồng/kg, lãi 1 triệu đồng/con, công ty Dabaco, BaF có lợi nhuận lớn

Ngày nay, dòng sông này không chỉ đẹp nao lòng, là điểm tham quan du lịch ưa thích của du khách mỗi khi về tham quan rừng Sác hay Cần Giờ, mà còn là nơi giúp hàng chục hộ dân làm giàu từ nghề nuôi hàu. Đó là sông Lòng Tàu ở huyện Cần Giờ, cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km.

Thoát nghèo, phất lên nhờ hàu

Tôi về Hạt Kiểm lâm Cần Giờ, đề xuất muốn đi một vòng tham quan “lá phổi xanh” của Thành phố, anh Phùng Gia Hưng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cần Giờ tán thành ngay: “Lâu lâu có nhà báo về, anh em có dịp “khoe” với truyền thông những cái đẹp nhất ở đây, quá tốt đi chứ”. Ngay sau đó, anh dẫn tôi xuống bến tàu, lên chiếc ca nô cao tốc đang nổ máy chờ sẵn, lao đi, xé toang mặt nước phẳng lặng như tờ, để lại phía sau 2 vệt nước dài, trắng xóa.

Sông Lòng Tàu (Cần Giờ, TP.HCM). Ảnh: Hồng Thủy.

Sông Lòng Tàu (Cần Giờ, TP.HCM). Ảnh: Hồng Thủy.

Sông Lòng Tàu dài chừng hơn 30km, nối sông nhà Bè ở phía tây bắc với sông Ngã Bảy ở phía tây nam. Dòng sông này không chỉ giáp cửa biển Cần Giờ mà còn chạy xuyên qua rừng Sác với những nhánh kênh rạch chằng chịt như mạng nhện, trở thành chiến khu vô cùng an toàn. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, rừng Sác là chiến khu vô cùng quan trọng, khong chỉ là lá chắn cho quân dân ta, mà còn là bàn đạp trong các cuộc tấn công chớp nhoáng vào “thủ phủ” địch trên đất liền khi đó là Sài Gòn, và trên đường sông, vốn là con đường huyết mạch vận chuyển quân lương, khí tài của địch.

Chính vì tầm quan trọng của khu vực này mà ngoài cảng Sài Gòn, đế quốc Mỹ còn xây thêm cảng Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ, Rạch Dừa ở 2 đầu sông... để cất giữ đến 60% lượng dự trữ cho cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam.

Và, trên dòng sông lịch sử này, đã in dấu hàng trăm chiến công oanh liệt của quân dân ta, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tôi miên man suy nghĩ về một thời oanh liệt của dòng sông mà không để ý chiếc ca nô đang giảm tốc, tấp vào một khu nuôi hàu ngay khu vực ngã 3 sông. “Tấp vào đây cho anh xem người ta nuôi hàu làm giàu nè”, anh Hưng nói.

Vợ chồng ông Ngô Hoàng Ny trên bè ở bãi hàu. Ảnh: Hồng Thủy.

Vợ chồng ông Ngô Hoàng Ny trên bè ở bãi hàu. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Ngô Hoàng Ny, chủ bãi hàu đón chúng tôi lên chiếc bè, cũng là nhà của vợ chồng ông bằng nụ cười tươi rói, khoe: “Thương lái Sài Gòn mới xuống lấy 1 tấn hàu, giá 30 ngàn/kg. Mai lái khác lại xuống. Con này bán lai rai hoài”.

Ngồi trên căn nhà đang dập dềnh trên mặt nước của vợ chồng ông Ny, nhìn ra mặt sông, trên mặt nước mênh mông là chi chít những hàng phao nổi, phía dưới nước là những vật dụng bằng vỏ xe cho hàu bám.

Nói về cơ duyên với con hàu, ông Ny kể, vợ chồng ông gắn bó với con hàu từ hơn chục năm nay. Trước đó, cả gia đình ông cũng sống trên ghe, rong ruổi các vùng sông nước miền Tây. Có lúc cũng lên bờ đi làm thuê đủ thứ nghề, nhưng cái nghèo cứ bám riết không buông. Đến khi “dạt” đến vùng đất Cần Giờ này, trụ lại một thời gian, thấy hợp nên “cắm dùi” luôn đến nay.

“Hồi đó ở đây người ta cũng nuôi hàu rồi, nhưng ít thôi. Tình cơ ghé qua bãi hàu của họ chơi, thấy nuôi cũng dễ, vốn ít nên tôi nhờ họ chỉ cách nuôi. Sau đó tôi về đầu tư bè, phao cắm chốt nuôi hàu ở đây đến giờ. Con hàu dễ nuôi hơn những loại hải sản khác. Nuôi cá nuôi tôm còn phải cho ăn, còn hàu chỉ tốn vài chục triệu đồng ban đầu là có 1 dây phao khoảng 200 mét. Con hàu giúp gia đình tôi thoát nghèo, giờ cũng có chút của ăn của để, mấy đứa nhỏ đỡ khổ, có chỗ ở, được đi học đàng hoàng”, ông Ny xúc động kể.

'Đại gia' hàu Nguyễn Hoàng Quân. Ảnh: Hồng Thủy.

"Đại gia" hàu Nguyễn Hoàng Quân. Ảnh: Hồng Thủy.

 

Một trong số những “đại gia” nuôi hàu ở Cần Giờ chúng tôi gặp là anh Nguyễn Hoàng Quân ở xã Long Hòa. Anh Quân có 2 bãi hàu lớn ở vùng rạch Bãi Yến, sông Đồng Hòa - một nhánh của sông Lòng Tàu. Theo chúng tôi tìm hiểu, anh Quân giàu lên nhờ con hàu bởi anh là người dân gốc Cần Giờ, nguồn vốn khá, lại là một trong những người tiên phong nuôi hàu ờ vùng cửa cửa biển này. Hiện nay, tổng diện tích mặt nước nuôi hàu của anh lên đến gần chục ha, sản lượng đạt hàng trăm tấn mỗi năm.

Anh Quân cho biết, nước ở sông Lòng Tàu cũng như các con sông khác ở Cần Giờ do gần cửa biển nên có độ mặn cao, dòng nước đối lưu, liên tục lên xuống giúp con hàu phát triển nhanh, ruột dày, màu đẹp, thịt đậm đà nên được ưa chuộng, được giá. Với giá 35.000 đồng/kg hàu, sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Quân đút túi khoảng 1,5 tỷ đồng. Nhờ nuôi hàu, vợ chồng anh Quân không chỉ dư dả lo cho các con ăn học mà còn xây được nhà lớn, sắm xe hơi tiền tỷ.

Nhờ nuôi hàu, anh Quân xây được nhà to, sắm cả xe hơi sang. Ảnh: Hồng Thủy.

Nhờ nuôi hàu, anh Quân xây được nhà to, sắm cả xe hơi sang. Ảnh: Hồng Thủy.

Cho hàu xuất ngoại, tại sao không?

Theo đánh giá của các chuyên gia, vùng nước lợ Cần Giờ rất phù hợp để nuôi hàu. Còn anh Trần Văn Hùng, một thương lái chuyên lấy hàu Cần Giờ về bỏ sỉ cho các nhà hàng tại TP.HCM nhận xét: "Hàu ở mỗi vùng biển có chất lượng không giống nhau, nếu sành ăn thì sẽ biết con hàu đó ở vùng biển nào. Tôi làm nghề buôn bán hải sản hơn chục năm nay tôi biết, con hàu Cần Giờ không phải nhất, nhưng vẫn hơn một số vùng nuôi khác về độ ngon, mập. Dĩ nhiên chỉ dân trong nghề như tôi mới biết. Trong khi giá hàu Cần Giờ không cao, nên đầu ra khá ổn”.

Nhưng theo anh Nguyễn Hoàng Quân, thực tế người nuôi hàu vẫn “thiệt đơn thiệt kép” vì loại hàu đẹp nhất, to nhất, giá bán tại bãi cao nhất hiện nay cũng chỉ khoảng 50 ngàn đồng/kg, trong khi ở nhà hàng, loại này có thể lên đến 150 ngàn đồng/kg. “Vì thế, rất cần có những doanh nghiệp có năng lực hỗ trợ nông dân chúng tôi để có đầu ra ổn định, không bị ép giá”, anh Quân nói.

Một bãi nuôi hàu ở sông Lòng Tàu. ẢNh: Hồng Thủy.

Một bãi nuôi hàu ở sông Lòng Tàu. ẢNh: Hồng Thủy.

Theo anh Quân, hàu là loài nhuyễn thể sống cố định, thức ăn chính là tảo khuê trôi nổi theo thủy triều lên xuống. Do đó, vùng sông nước thường xuyên có thủy triều lên xuống như ở biển Cần Giờ rất thích hợp cho việc nuôi hàu.

“Nước vùng cửa sông này còn rất sạch, thường xuyên được mấy anh trên Thành phố xuống lấy mẫu kiểm tra dư lượng hóa chất có hại, kim loại nặng nên tuyệt đối là sạch. Ngoài ra, hệ thống rừng, tảo, thức ăn phù du trong nước của Cần Giờ phong phú hơn những nơi khác nên chất lượng hàu Cần Giờ cao hơn nhiều vùng nuôi hàu khác. Càng ngày người ta càng coi trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi con hàu không chỉ sạch, mà còn có giá trị dinh dưỡng rất cao, vì thế tôi nghĩ cần tìm nguồn để xuất khẩu. Như vậy người nuôi hàu mới khá hơn được”, anh Quân nói.

Nói về ngành nuôi hàu, Thạc sỹ Nguyễn Thành Luân - chuyên gia Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cho biết, vừa qua, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica) và một doanh nghiệp của Nhật Bản muốn hợp tác nuôi hàu ăn sống ở Việt Nam theo công nghệ Nhật Bản để bán nội địa và xuất khẩu đi Đài Loan, Thái Lan.

Nuôi hàu khá nhàn, nhưng thu hoạch lại là một công việc nặng nhọc, vất vả. Ảnh: Hồng Thủy.

Nuôi hàu khá nhàn, nhưng thu hoạch lại là một công việc nặng nhọc, vất vả. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo đề xuất của phía Nhật Bản, để đạt chất lượng hàu ăn sống và xuất khẩu, phương pháp nuôi treo được nước này sáng tạo từ năm 1925 và công nghệ nuôi lồng Australia là phù hợp.

Phương pháp nuôi treo có hiệu quả trong môi trường nước sâu, ưu điểm chống chịu thiên tai, bão tố như các tỉnh miền Trung thường gặp. Trong khi phương pháp lồng dùng các lồng nổi giáp mặt nước để hàu ăn động vật phù du. Các lồng lợi dụng dòng chảy và gió để hàu lắc lư nhiều, giúp làm sạch vỏ, tạo mẫu mã đẹp phục vụ ăn sống.

“Việt Nam hiện có khoảng 3.000ha mặt nước nuôi hàu tại 20 tỉnh thành ven biển, chủ yếu ở cửa sông hoặc bãi triều. Nghề nuôi hàu hiện mang lại thu nhập khá tốt. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của hàu tại Việt Nam vẫn thấp và được đánh giá là chưa khai thác hết tiềm năng.

Riêng Cần Giờ (TP.HCM) hiện có khoảng 220ha mặt nước nuôi hàu, sản lượng trên 22.000 tấn/năm nhưng chủ yếu tiêu thụ tại chỗ. Các cơ sở bóc tách hàu nhiều nhưng cả nước hiện chỉ có 2 doanh nghiệp có chế biến xuất khẩu hàu thường xuyên là BIM Group và VINABS. Các công ty như Việt Trường, Lenger Seafood có hoạt động nhưng đơn hàng không ổn định”, Thạc sĩ Nguyễn Thành Luân cho biết.