Nuôi bò thương phẩm, HTX Tiên Phong mở lối thoát nghèo cho bà con vùng cao
09:29 - 11/12/2024
Hợp tác xã (HTX) Tiên Phong tại xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) là một mô hình kinh tế tiêu biểu, giúp người dân vùng cao thoát nghèo và ổn định cuộc sống nhờ nuôi bò thương phẩm.
Sò điệp Việt Nam thâm nhập sâu vào các thị trường
Người Xơ Đăng ở vùng núi cao nổi tiếng Kon Tum háo hức đi học livestream bán sâm Ngọc Linh
Giá tiêu tiếp tục giảm ở Gia Lai, chỉ còn Đắk Nông kiên cường giữ giá tiêu cao nhất Tây Nguyên
Xây dựng nông thôn mới, bản làng ở nơi này tươi đẹp, đáng sống
Với chiến lược phát triển bài bản, HTX Tiên Phong không chỉ tạo sinh kế cho các thành viên mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương. Được thành lập từ đầu năm 2023, mục tiêu phát triển chăn nuôi bò thương phẩm, mở ra hướng đi mới cho bà con, có nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế lâu dài.
Trang trại nuôi bò của HTX Tiên Phong nằm trên đỉnh đồi bản Tiên Phong, xã Mường Báng. Tại đây, bao người dân chân chất vẫn chăm chỉ, lam lũ với ruộng nương, lấy cây ngô, sắn, trâu, bò "làm bạn"… Họ quen với việc nuôi chăn thả rông gia súc, gia cầm. Vì thế trâu, bò có nuôi thế nào cũng không béo, chậm lớn, thu nhập của người dân từ chăn nuôi trâu, bò chẳng đáng là bao.
Ban đầu, HTX gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm chăn nuôi và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các chương trình vay vốn ưu đãi, HTX đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống bò chất lượng và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các thành viên. Năm 2023, Dự án "HTX liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững" của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) đã chọn HTX Tiên Phong là mô hình thí điểm.
Tham gia là thành viên của HTX, các hộ nông dân được tham quan, hỏi kinh nghiệm chăn nuôi trâu bò theo hình thức vỗ béo thương phẩm từ các mô hình đã thành công trên các địa bàn khác. Từ đó, nắm được quy trình chăm sóc, biết tính lượng khẩu phần ăn, dinh dưỡng cho từng gia đoạn bò phát triển; biết cách vệ sinh chuồng chăn nuôi cũng như phòng trừ dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc.
Không chỉ giúp thành viên HTX nâng cao thu nhập, mô hình còn lan tỏa đến các hộ dân khác trong vùng. HTX thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, hỗ trợ con giống và hướng dẫn kỹ thuật. Đặc biệt, HTX còn liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất.
Ông Tòng Văn Phóng, một thành viên HTX, chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, đất đai canh tác ít, thu nhập không đủ sống. Từ khi tham gia HTX, được hỗ trợ vốn và kỹ thuật nuôi bò, kinh tế gia đình tôi cải thiện rõ rệt. Trước đây tôi chỉ nuôi vài con trâu, bò để lấy sức kéo cho nông nghiệp, nhưng bây giờ tôi có kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò thịt để tăng thu nhập gia đình".
Với 54 con trâu, bò giống trong đó có 25 con đực và 29 con cái được quỹ Thiện Tâm hỗ trợ cho HTX Tiên Phong. Sau hơn một năm triển khai, ông Tòng Văn Phong – đại diện HTX Tiền Phong cho biết: "Được quỹ Thiện Tâm tài trợ, cũng như cùng bà con trong HTX chăn nuôi theo mô hình nuôi nhốt vỗ béo, thì trang trại chúng tôi hiện đã bán được 6 con bò thương phẩm thu về trung bình 10 triệu đồng/con, và 15 con chuẩn bị đạt chuẩn để xuất chuồng. Về bê con thì hiện đã các con cái trong đàn đẻ được 12 con và 16 con đang chửa. Cũng gặp nhiều khó khăn vì bò thương phẩm vừa rồi cũng chưa được giá. Vậy nên, chúng tôi nghiên cứu để đưa ra thị trường thương hiệu Tủa Chùa Food, cho ra các sản phẩm đặc sản từ thịt trâu do chính HTX chế biến, từ đó dần cho ra một quy trình chăn nuôi, sản xuất".
Riêng với việc chăn nuôi bò, các hộ tham gia HTX được ông Phong đảm bảo nguồn thu nhập với 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng/người. Ngoài thu nhập từ việc nuôi vỗ béo cung cấp cho các lò mổ và chăn nuôi bò sinh sản để cung ứng con giống trong và ngoài địa phương. Các sản phẩm chế biến sẵn của HTX như thịt sấy cũng đang được giới thiệu ra thị trường với giá 900 nghìn đồng/kg. Bắt nhịp với thị hiếu mua sắm ngày nay, ông Phong cùng gia đình mày mò, nghiên cứu và đưa sản phẩm lên bán tại các sàn thương mại điện tử để tới được gần với khách hàng hơn.
Bà Vũ Thị Ánh – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: "Triển khai chương trình hỗ trợ vốn của Quỹ Thiện Tâm, HTX Tiên Phong sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ. Chương trình đã tiếp thêm nguồn lực để HTX phát triển sản xuất, bố trí công ăn việc làm, tạo nguồn sinh kế giúp người nông dân nghèo khó khăn tại địa phương từng bước thoát nghèo bền vững từ chăn nuôi".
Mô hình nuôi bò thương phẩm của HTX Tiên Phong không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn trở thành điểm sáng trong công cuộc giảm nghèo tại Tủa Chùa. Đây là minh chứng sống động cho thấy, với sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau và chiến lược phát triển đúng đắn, bà con vùng cao hoàn toàn có thể thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.