Nuôi bò tuần hoàn chất thải an toàn dịch bệnh
11:42 - 14/07/2024
Chăn nuôi bò ở Sóc Trăng có bước phát triển mới, khi có nhiều gia trại quy mô lớn được hình thành, xây dựng quy trình chăn nuôi tuần hoàn, an toàn dịch bệnh.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Nuôi bò, tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp
Nằm ven sông Mỹ Thanh, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng có một phần đồng bằng xen lẫn vùng đất trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng mỗi khi mùa mưa đến.
Cư dân đồng bào dân tộc Khmer trong xã đã quen với nghề trồng lúa, nuôi bò. Dọc theo tỉnh lộ 935 dẫn về trung tâm xã, những cánh đồng lúa mênh mông, ôm trọn nhà cửa, ngõ xóm của bà con nơi đây.
Đối với nghề nuôi bò đã trở thành mô hình chăn nuôi truyền thống của bà con dân tộc Khmer trong xã. Thế nhưng, ngày trước, do chưa tiếp cận được kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong việc phòng trừ dịch bệnh, nên hầu như bà con chưa ai dám đầu tư ở quy mô lớn.
Vài năm gần đây, về Thạnh Thới An, không còn hình ảnh những chú, bác nông dân sáng sớm dắt bò ra ruộng ăn cỏ, đến chiều lại lùa về chuồng. Hiện nay, chuồng trại đã được bà con xây dựng kiên cố. Hộ nào nuôi ít cũng tầm 5 – 7 con bò, hộ đầu tư quy mô lớn hơn, tổng đàn cũng lên đến 30 – 40 con.
Anh Thạch Ngọc Hùng ở ấp An Hòa 2, xã Thạnh Thới An, đang sở hữu gia trại chăn nuôi bò thịt khoảng 33 con. Đây là thành quả sau 3 năm anh phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn: trồng lúa, thu rơm làm thức ăn nuôi bò, phân bò ủ thành phân bón hữu cơ để trồng cỏ, rồi tạo nguồn thức ăn thô xanh nuôi ngược lại con bò.
“Năm đầu tiên, tôi chỉ nuôi 5 con bò, về sau nhận thấy mô hình chăn nuôi tuần hoàn này phát triển khá ổn hơn gia đình quyết định mở rộng. Một số mô hình chăn nuôi gia súc khác, thị trường bấp bênh lắm”, anh Hùng bộc bạch.
Đều đặn mỗi năm, nếu anh Hùng xuất chuồng khoảng 6 – 7 con bò tơ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 80 triệu đồng.
Với 46 công đất (1 công: 1.000m2) đang trồng lúa, sau mỗi vụ thu hoạch, anh Hùng thuê máy cuộn rơm lại. Mỗi cuộn rơm khi vận chuyển về đến nhà mất khoảng 12.000 đồng/cuộn.
Hai kho dự trữ rơm được xây dựng sẵn, đang chứa khoảng 6.700 cuộn rơm, một phần anh sử dụng làm thức ăn cho bò. Phần còn lại, đợi giá rơm “hút” tầm 25.000 – 27.000 đồng/cuộn, anh sẽ bán ra để tăng thêm thu nhập. Với cách làm này, ngoài nguồn thu nhập từ cây lúa, nuôi bò, gia đình anh Hùng còn có thu nhập tăng thêm từ việc bán rơm.
Với sự hỗ trợ từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, anh Hùng được hỗ trợ nguồn vốn xây dựng chuồng, tập huấn kỹ thuật nuôi, cách thức ủ phân… Anh Hùng cho rằng, nếu không có nguồn lực hỗ trợ từ dự án, khả năng mở rộng quy mô chăn nuôi như hiện tại của gia đình là rất khó.
Thời gian đầu, kỹ thuật chăn nuôi bò với anh hầu như “trống rỗng”. Thời điểm đàn bò bộc phát bệnh viêm da nổi cục, bản thân anh thậm chí không biết đó là bệnh gì.
Với sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời từ cơ quan thú y xã, nhờ đó dịch bệnh được khống chế. Đến nay, tiêm vacxin phòng ngừa bệnh cho đàn bò là ưu tiên số 1 đối với gia đình anh.
Quy trình vệ sinh chuồng trại, rải vôi, lắp mùng để hạn chế muỗi tấn công đàn bò… là những việc làm thường xuyên.
Anh Phan Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Thới An đánh giá, ngày trước chăn nuôi trên địa bàn xã chủ yếu quy mô nhỏ lẻ. Nhưng hiện nay, mô hình gia trại đã bắt đầu chiếm ưu thế.
Hộ nuôi từng bước đầu tư, chuyển đổi theo hướng tập trung. Nhờ đó, mô hình đóng góp quan trọng cho công tác xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Do đặc thù chi phí đầu tư cao, giá trị kinh tế lớn, bà con xem đàn bò là tài sản của gia đình. Do đó, công tác tiêm vacxin phòng chống dịch bệnh cho đàn bò được hộ nuôi rất chú trọng.
Hàng năm, huyện Trần Đề triển khai công tác tiêm phòng chia thành 2 đợt chính (từ tháng 3 đến giữa tháng 4 và từ tháng 9 đến giữa tháng 10) và 2 đợt phụ (các tháng còn lại).
Qua đó, đảm bảo kiểm tra, rà soát những đàn bò chưa được tiêm phòng, thực hiện tiêm vét. Đồng thời, cấp phát thuốc sát trùng cho hộ dân 2 lần/năm, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn bò.
Công nghiệp hóa khâu sản xuất
Những năm trước, nghề chăn nuôi bò ở Sóc Trăng theo kiểu truyền thống, bò phối trực tiếp nên vóc dáng nhỏ con, từ đó lợi nhuận của hộ nuôi cũng không cao.
Bên cạnh đó, quy mô đàn bò nhỏ lẻ, thiếu tập trung cũng là nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh nhiều lúc, nhiều nơi chưa được kiểm soát triệt để.
Thực tế đó, tỉnh Sóc Trăng quyết tâm cải thiện chất lượng đàn bò. Thông qua nhiều nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương, các tổ chức quốc tế, tỉnh triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ, đầu tư cho hộ nuôi.
Nhất là việc sind hóa đàn bò (cải tạo giống bò của địa phương), nâng cao tầm vóc, lai tạo hướng thịt để nâng cao lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Riêng đối với công tác phòng chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng triển khai một loạt các giải pháp chủ động ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh trên đàn bò.
Ông Lâm Minh Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, ngoài hướng dẫn hộ nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, công tác tiêm phòng vacxin phải bảo đảm thực hiện tốt.
UBND tỉnh Sóc Trăng kịp thời bố trí các nguồn lực, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, ngành chăn nuôi và thú y triển khai nhanh, hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật.
Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng được nhân rộng trong hộ nuôi. Điều này chứng tỏ, bà con rất tâm huyết, trách nhiệm và ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Đây là cơ sở quan trọng, tạo tiền đề để thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao. Tiến đến hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Theo Kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương cũng xác định rõ phát triển đàn bò thịt, bò sữa theo hướng công nghiệp, trang trại công nghệ cao với các giống cao sản và giống địa phương có tính tiềm năng.
Trong đó, đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ duy trì ổn định tổng đàn bò thịt khoảng 105.000 con và bò sữa đạt quy mô từ 12.000 con. Đặc biệt, 70 – 80% đàn bò sữa phải liên kết với các HTX nông nghiệp, cho sản lượng sữa đạt 22.000 tấn/năm.
Và đến năm 2045, ngành chăn nuôi Sóc Trăng kỳ vọng trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nội thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh, phân tích số liệu, dự báo cảnh báo dịch bệnh rất quan trọng, giúp địa phương khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Hiện nay, Sở NN-PTNT đã cơ bản hoàn thiện các chính sách để đẩy nhanh nhịp độ phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Nhất là các khu vực chăn nuôi nông hộ, gắn với kêu gọi doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển chăn nuôi bò.
Đi đôi là giải pháp đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi bò an toàn dịch bệnh, gắn với tổ chức lại hệ thống tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết.
Một loạt các chương trình, dự án đầu tư phát triển chăn nuôi bò đã và đang được tỉnh Sóc Trăng tập trung thực hiện như: Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.