Nuôi cá lóc, xóm cồn lâm cảnh nợ nần

Nuôi cá lóc, xóm cồn lâm cảnh nợ nần

11:46 - 14/07/2024

VĨNH LONG Thời điểm này, nhiều hộ ở (Cồn Mái Dầm, huyện Trà Ôn) phải vay ngân hàng để trả nợ vì cá lóc rớt giá, chi phí sản xuất tăng cao và dịch bệnh lây lan.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Nhiều hộ nuôi cá lóc trên Cồn Mái Dầm phải cầm cố sổ đỏ để trả nợ và có vốn nuôi tiếp. Ảnh: Hồ Thảo.

Nhiều hộ nuôi cá lóc trên Cồn Mái Dầm phải cầm cố sổ đỏ để trả nợ và có vốn nuôi tiếp. Ảnh: Hồ Thảo.

Trước đây, người dân trên Cồn Mái Dầm (xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) từng có thu nhập ổn định nhờ trồng cây ăn trái, bởi đất đai ở đây được phù sa từ sông Hậu bồi đắp quanh năm. Đến khoảng năm 2005, nhiều hộ đã hưởng ứng phong trào chuyển đổi từ trồng vườn sang nuôi cá lóc (cá quả) bởi lợi nhuận quá hấp dẫn.

Ông Trần Thanh Hải, một trong những người tiên phong ở (ấp Phú Long, xã Phú Thành), cho biết: "Năm đó, mỗi ao cá lóc khoảng 40-50 mét vuông cũng mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi năm khỏe re. Lúc đó, giá cá lóc từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg, trong khi vốn đầu vào chưa tới 50%".

Nhận thấy hiệu quả, ông Hải mở rộng diện tích ao nuôi và liên tiếp trúng giá nhiều vụ cá tiếp theo, không bao lâu gia đình ông trở thành hộ giàu có tại địa phương. Thấy sự thành công của ông, cả xóm đua nhau đốn vườn chôm chôm để đào ao nuôi cá. Đến năm 2016, số ao nuôi cá lóc tại địa phương đã tăng lên vài chục hecta. 

Ông Hải cho biết, từ đó người nuôi bắt đầu thua lỗ do thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và Campuchia. Trong khi người dân nuôi quá nhiều dẫn đến cung vượt cầu. Cùng với các loại dịch bệnh lây lan nhanh nên tỷ lệ hao hụt cũng cao hơn trước. Từ đầu năm đến nay, giá cá lóc luôn dưới giá thành sản xuất từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Do đó, vụ vừa rồi, ông Hải phải vay ngân hàng để bù lỗ gần 1 tỷ đồng.

“Bây giờ hối hận cũng không kịp, mình muốn lấp ao lại trồng cây cũng không đủ đất để lấp. Chỉ hy vọng vụ sau cá lên giá để gỡ vốn", ông Hải than vãn.

Tương tự, ông Trần Văn Tuấn (ngụ cùng địa phương) đang nợ ngân hàng 800 triệu đồng do nuôi cá thua lỗ. Ông cho biết, vụ vừa rồi, sau 8 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ 1,3 kg mỗi con nhưng chỉ bán được 32.000 đồng/kg, lỗ 5.000 đồng/kg.

Hiện thương lái thu mua cá lóc với giá từ 37.000 đến 38.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất khoảng 2.000 đồng/kg. Ảnh: Hồ Thảo.

Hiện thương lái thu mua cá lóc với giá từ 37.000 đến 38.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất khoảng 2.000 đồng/kg. Ảnh: Hồ Thảo.

 

Theo ông Tuấn, địa phương cần quy hoạch vùng nuôi và điều tiết sản lượng đầu ra hằng tháng, hằng năm để giá cá lóc được ổn định. Ngành nông nghiệp cần tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang nhiều nước hoặc kêu gọi doanh nghiệp chế biến cá khô, đóng hộp để tạo đầu ra ổn định hơn. Do đó, ngân hàng nên có chính sách ưu đãi có người nuôi cá.

Tỉnh Trà Vinh có diện tích nuôi cá lóc lớn nhất ĐBSCL với khoảng 1.500 hộ nuôi trên tổng diện tích 450ha. Theo đa số chủ ao, tình hình thị trường cũng không mấy khả quan.

Ông Nguyễn Văn Huyện, một nông dân kỳ cựu tại (xã Phương Thạnh, huyện Càng Long), cho hay, hiện cá lóc được thương lái thu mua từ 37.000 đến 38.000 đồng/kg, dưới giá thành sản xuất khoảng 2.000 đồng mỗi kg. Nếu xuất bán, ông lỗ hàng chục triệu đồng.

“Nuôi cá lóc không hề đơn giản, bởi loài cá này thường mắc các bệnh như gan, thận mủ, phù đầu, đỏ đuôi và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Nhiều người đã phải bán đất hoặc vay thế chấp ngân hàng, đó là chuyện thường", ông Huyện cho biết.

Một hộ nuôi cá lóc đang bơm sình để cải tạo lại ao. Ảnh: Hồ Thảo.

Một hộ nuôi cá lóc đang bơm sình để cải tạo lại ao. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn, trước đây có hàng chục hộ nuôi cá lóc, nay chỉ còn vài hộ với 6ha mặt nước. Do thị trường biến động, nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần bỏ khỏi địa phương và treo ao với diện tích 3ha.

Bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn cho biết, địa phương có thành lập HTX làm khô cá lóc đạt sản phẩm OCOP xuất khẩu, nhưng do giá thành sản xuất cao cùng đầu ra không ổn định, nên HTX cũng đã ngưng hoạt động.

Phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thị trường khi muốn đào ao nuôi cá. Hằng năm, người dân cần tuân thủ lịch mùa vụ thả nuôi và áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi do cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Bên cạnh đó, bà con cũng có thể chuyển đổi sang mô hình có hiệu quả khác.