Nuôi cá nước lạnh bán làm cá đặc sản-mô hình giảm nghèo hiệu quả ở một thị xã của Lào Cai

Nuôi cá nước lạnh bán làm cá đặc sản-mô hình giảm nghèo hiệu quả ở một thị xã của Lào Cai

08:32 - 17/03/2025

Khai thác tiềm năng về khí hậu, nguồn nước dồi dào, nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã mạnh dạn đầu tư bể nuôi cá nước lạnh (nuôi cá tầm, cá hồi ví như cá quý tộc) mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Giá lúa gạo hôm nay 3/4/2025: Thị trường tiếp tục tăng
Giá tiêu hôm nay 3/4/2025: Thị trường tiêu thế giới giảm nhẹ
Giá cà phê hôm nay 3/4/2025: Cà phê thế giới giảm nhẹ
Giá lúa gạo hôm nay 2/4/2025: Gạo xuất khẩu giảm giá nhẹ
Xâm nhập mặn 'đe dọa' xóa sổ vùng lúa - rươi của Hải Phòng
Nuôi cá nước lạnh giúp nhiều hộ dân Sa Pa thoát nghèo, vươn lên làm giàu- Ảnh 1.

Nhiều mô hình nuôi cá nước lạnh của người dân Sa Pa (Lào Cai) được đầu tư xây dựng kiên cố. Ảnh: Mùa Xuân.

 

Cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) là loài cá có giá trị kinh tế cao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2004, cá hồi, cá tầm được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa về nuôi thử nghiệm thành công tại huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa).

Là một trong những hộ dân đầu tiên nuôi thành công cá nước lạnh ở Sa Pa, anh Trần Chung Hưng, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa chia sẻ: Năm 2006, gia đình tôi bắt đầu nuôi thử nghiệm cá hồi, cá tầm. Sau một thời gian nuôi, cá phát triển tốt, phù hợp với vùng khí hậu lạnh nơi đây. Nhận thấy tiềm năng của loài cá nước lạnh rất lớn, tôi đã mạnh dạn đầu tư bể cá, ống dẫn nước, máy móc để nuôi cá nước lạnh.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ nuôi cá theo hệ thống tuần hoàn đã giúp việc xử lý nước tồn đọng trong bể cá, nước đục khi mưa lũ; giảm thời gian, nhân công lao động trong việc chăm sóc, vệ sinh bể cá...

Đến nay, gia đình anh Hưng có 5 trại cá tầm, cá hồi, với hơn 100 bể nuôi. Các trang trại nuôi cá của gia đình anh Hưng đều được đầu tư kiên cố, trong đó, có cả bể cá giống để phục vụ nuôi tại chỗ và cung cấp cho người dân trên địa bàn thị xã có nhu cầu nuôi.

Với cách làm này, trung bình mỗi năm, anh Hưng xuất bán ra thị trường khoảng 45 tấn cá hồi, cá tầm thương phẩm. Ước tính thu về khoảng 9 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 5 tỷ đồng.

Nuôi cá nước lạnh giúp nhiều hộ dân Sa Pa thoát nghèo, vươn lên làm giàu- Ảnh 2.

Gia đình anh Trần Chung Hưng, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa là một trong những hộ dân đầu tiên ở Sa Pa nuôi cá nước lạnh. Ảnh: Mùa Xuân.

Xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cũng là một trong những xã phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh. Hiện xã Ngũ Chỉ Sơn có 164 cơ sở đang nuôi cá hồi, cá tầm tập trung tại các thôn Can Hồ Mông, Can Hồ A, Móng Xoá, Suối Thầu 1, Suối Thầu 2,... với sản lượng trên 320 tấn cá thương phẩm/năm. Nhờ nuôi cá nước lạnh nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn, của để.

Năm 2016, ông Lý A Dình, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa đã mạnh dạn bỏ vốn của gia đình và vay thêm vốn từ Phòng giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội thị xã để xây 2 bể nuôi cá nước lạnh. Từng bước khắc phục khó khăn về vốn đầu tư giống, cơ sở nuôi, đến nay, ông Dình đã có 5 bể cá được xây dựng khang trang, kiên cố để nuôi hàng nghìn con cá tầm.

Ông Lý A Dình, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa chia sẻ: Với hình thức nuôi gối vụ, trung bình mỗi vụ nuôi khoảng 13 tháng thu về 5 tấn cá, giá bán 180 – 200 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng. Nhờ nuôi cá nước lạnh gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở địa phương.

Theo ông Dình, nuôi cá nước lạnh chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao, nhất là bệnh ở cá và mùa mưa lũ nước đục cá hay bị chết. Do đó, đòi hỏi người nuôi phải nắm chắc quy trình kỹ thuật tốt từ khâu chăm sóc, cho ăn, vệ sinh bể cá cho đến việc lựa chọn thức ăn cho cá phù hợp.

Nuôi cá nước lạnh giúp nhiều hộ dân Sa Pa thoát nghèo, vươn lên làm giàu- Ảnh 3.

Người dân xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa nuôi cá tầm mang lại thu nhập cao. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Vù A Xá, Chi Hội trưởng Chi Hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Nậm Than, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa thông tin: Chi Hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh do Hội Nông dân thị xã Sa Pa thành lập đi vào hoạt động đã được hơn 10 năm nay.

Năm 2023, do bị ảnh hưởng bởi mưa lũ nên nhiều đàn cá hồi, cá tầm đã bị chết và nước lũ cuốn trôi gây thiệt hại rất lớn cho người dân nuôi cá. Vượt qua những mất mát, đau thương, người dân vùng lũ đã nỗ lực khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống. Sau khoảng một năm đầu tư tái thiết lại mô hình nuôi cá nước lạnh hiện nhiều thành viên nuôi cá đã dần khôi phục lại bể cá.

Nuôi cá nước lạnh giúp nhiều hộ dân Sa Pa thoát nghèo, vươn lên làm giàu- Ảnh 4.

Người dân thôn Nậm Than, xã Liên Minh (Sa Pa, Lào Cai) khôi phục lại đàn cá sau cơn lũ lịch sử năm 2023. Đến nay, đàn cá đã lớn và xuất bán ra thị trường. Ảnh: Mùa Xuân.

"Gia đình tôi có 8 bể cá đã được khôi phục, đầu tư thêm ống dẫn nước, cá giống. Đến thời điểm này, sau hơn một năm nuôi, gia đình tôi đã có cá để bán. Vừa qua, gia đình tôi bán được hơn 2 tấn cá hồi, với giá 150 nghìn đồng/kg, thu về trên 300 triệu đồng", ông Vù A Xá, Chi Hội trưởng Chi Hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Nậm Than, xã Liên Minh nói.

Từ những mô hình nuôi cá nước lạnh được thí điểm nuôi thành công đầu tiên trên địa bàn thị xã, mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân rộng đến các địa bàn xã, phường cũng như các địa phương khác.

Tính đến hết năm 2024, trên địa bàn thị xã Sa Pa hiện có 768 cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm tập trung tại các xã, phường.

Trong đó, nuôi trong ao (bể) là 759 cơ sở, với tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản là 209.359m2; tổng thể tích nuôi gần 234.690m3. Nuôi trong lồng bè là 9 cơ sở, với 361 lồng, tổng diện tích mặt nước là 7.220m2, tổng thể tích là 7.220m3. Tổng sản lượng cá tầm, cá hồi ước đạt 1.332 tấn/năm.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho biết: Nghề nuôi cá nước lạnh trên địa bàn thị xã mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với các ngành sản xuất nông nghiệp khác. Nhờ nuôi cá nước lạnh, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, trở thành tỷ phú, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Để phát triển nuôi cá nước lạnh theo hướng bền vững, thời gian tới, thị xã Sa Pa sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả về quy hoạch vùng nuôi cá nước lạnh tập trung, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ chăn nuôi cá và quản lý quy hoạch, tổ chức sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất, nuôi quy mô nhỏ lẻ để thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ môi trường và xử lý chất thải ra môi trường. Khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX chăn nuôi cá nước lạnh để cùng chia sẻ kinh nghiệm nuôi, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, hình thành các cơ sở sản xuất nuôi trồng, chế biến sâu sản phẩm cá nước lạnh cung cấp ra thị trường; hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi...

Nuôi cá nước lạnh giúp nhiều hộ dân Sa Pa thoát nghèo, vươn lên làm giàu- Ảnh 5.

Cá tầm Sa Pa được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Mùa Xuân.

Cũng theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, việc nuôi cá nước lạnh thường gặp rủi ro cao do địa hình phức tạp, độ dốc các khu vực suối nuôi lớn, nhất là mùa mưa lũ. Vấn đề này, thị xã Sa Pa cũng đã quán triệt, chỉ đạo các xã, phường yêu cầu người dân nuôi cá không lấn chiếm lòng suối, nuôi phải đảm bảo khoảng cách an toàn. 

Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người thị xã Sa Pa đạt trên 41,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13,38%, hộ cận nghèo giảm còn 9,64%.