Nuôi con côn trùng tận dụng cả thân và bụng, nhiều hộ nông dân kiếm tiền triệu mỗi ngày
09:00 - 02/10/2024
Cà cuống chứa tinh dầu thơm, quý, có thể chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau đem lại hiệu quả kinh tế cao, cách chăn nuôi lại rất đơn giản.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Cà cuống là con rất dễ nuôi
Cà cuống là loài động vật có chứa tinh dầu thơm, quý, có thể được dùng làm hương liệu trong việc chế biến nhiều món ăn.
Nhu cầu sử dụng cà cuống thương phẩm ngày càng cao, trong khi loài vật này ngoài tự nhiên lại càng ít dần. Hiện, bà con ở một số địa phương đã đầu tư mô hình nuôi dưỡng cà cuống.
Trong quá trình phát triển, cà cuống phải trải qua 5 lần lột xác. Sau đó, tinh dầu sẽ được tích dần vào thời kỳ chúng chuẩn bị sinh sản.
Quá trình này thường kéo dài trong 90 ngày. Đây là khoảng thời gian "vàng" để người dân có thể xuất bán cà cuống ra thị trường.
Tinh dầu của cà cuống chỉ có ở con đực. Vào thời điểm sinh sản, con đực thu hút con cái bằng tinh dầu. Sau quá trình giao phối, cà cuống bắt đầu đẻ trứng. Mỗi tổ cho từ 100 – 200 trứng.
Trứng cà cuống chỉ cần được nhúng nước đủ 3 lần (sáng, trưa, tối) để đảm bảo độ ẩm, sau 5 ngày, trứng sẽ nở với tỉ lệ từ 95 – 98%.
Anh Nguyễn Thế Quang (43 tuổi, chủ trang trại cà cuống Nam Phong, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) cho biết: "Tạo môi trường sống cho cà cuống không khó. Chỉ cần bể bạt, vài giá thể nhựa, bèo lục bình… để chúng có nơi ẩn nấp an toàn".
Cũng theo anh Quang, diện tích bể phù hợp nhất nên dao động từ 2 – 4 m2. Với mật độ từ 70 – 80 con/m2. Nếu bể rộng hơn có thể gây khó khăn trong quá trình vệ sinh bể cũng như đảm bảo chất lượng cà cuống.
Là loài săn mồi nên lượng thức ăn cần được bổ sung liên tục cho đến khi cà cuống trưởng thành. Thức ăn của loài vật này chủ yếu là cá bột, nòng nọc hay thậm chí là cả dế…
Khi săn mồi, cà cuống sẽ chích enzim vào cơ thể cá, thịt cá sẽ mềm ra, hoá lỏng, cà cuống sẽ hút dinh dưỡng từ đó. Phần xác cá nổi lên cần được loại bỏ, tránh ô nhiễm nguồn nước.
Ngoài vấn đề về thức ăn thì việc vệ sinh bể cũng được coi là yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến chất lượng cà cuống.
Cà cuống phải được nuôi bằng nước sạch, nước cần được thay mỗi ngày một lần. Đặc biệt khu vực nuôi cà cuống nên có mái che để tránh nước mưa.
Cà cuống là loài nhạy cảm với chất lượng nước nhưng lại tương đối ít dịch bệnh. Anh Quang chia sẻ: "Hầu như con cà cuống này không có dịch bệnh, hao hụt duy nhất nằm ở chỗ thiếu mồi nên chúng tự ăn thịt lẫn nhau… Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 2 tiếng chăm sóc là được rồi…".
Thu nhập không hề thấp
Việc nhẹ nhưng thu nhập từ cà cuống lại không hề thấp. Chi phí đầu tư thấp, đầu ra đa dạng nên hiện cà cuống đang trở thành một trong những nguồn thu chính của gia đình anh Quang.
Ban đầu, những con cà cuống được ươm trong những thùng xốp. Sau lần lột xác thứ 3, chúng được chuyển dần sang những bể bạt để có điều kiện phát triển tốt nhất.
Anh Quang cho biết: "Bể bạt thì xếp gạch lên, sau đó quây bạt, với 2m2 bể chỉ cần 250.000 đồng mua bạt là thoải mái".
Bên cạnh đó, chi phí về thức ăn cũng không quá tốn kém. Mỗi con cà cuống từ khi mới nở đến khi trưởng thành chỉ ăn hết 10.000 – 12.000 đồng tiền thức ăn. Trong khi đó, mỗi con cà cuống thương phẩm được bán với giá từ 20 – 30.000 đồng/con.
Ngoài cà cuống thương phẩm, chúng còn được pha với nước mắm, thậm chí được chiết xuất thành tinh dầu để bán. 300ml nước mắm chế biến từ cà cuống có giá từ 200.000 – 250.000 đồng.
Mỗi chai mắm thường được ngâm cùng 3 – 5 con cà cuống đã được sơ chế. Chúng được giữ nguyên các bọng tinh dầu để đảm bảo cho ra nước mắm chuẩn vị cà cuống nhất. Vì vậy mà hạn sử dụng của những chai nước mắm cà cuống tối đa chỉ 6 tháng.
Mỗi con cà cuống đực đều chứa 2 bọng tinh dầu. Cứ mỗi 10 bọng tinh dầu có giá từ 200.000 – 250.000 đồng. Dù được chiết xuất trực tiếp nhưng tinh dầu vẫn được bán theo đầu con. Giá thị trường khoảng 25.000 đồng/con.
Chúng được bảo quản bởi dung môi để giữ được trọn vẹn hương từ tinh dầu. Mỗi lọ tinh dầu có thể sử dụng được trong 1 năm.
Thậm chí, cà cuống giống hay trứng cà cuống đều có thể trở thành những nguồn thu của bà con. Trứng cà cuống được bán theo tổ với giá từ 120.000 – 150.000 đồng/tổ. Các cặp cà cuống giống thì có giá khoảng 150.000 – 170.000 đồng/cặp.
Mỗi đợt, trang trại nhà anh Quang xuất từ 1.000 – 1.500 con cà cuống thương phẩm, thu về từ 15 – 20 triệu đồng/lứa.
Nhờ có phương pháp chăm sóc phù hợp mà các lứa cà cuống luôn được "gối" lên nhau, bảo đảm có nguồn hàng đều cho các tiểu thương.
Mỗi tháng nhà anh Quang xuất hàng 3 đợt. Cách 10 ngày là có hàng. Thế nhưng theo chia sẻ của anh Quang, dù sản xuất được nhiều nhưng hiện tại cà cuống trên thị trường vẫn đang trong tình trạng khan hàng.
Anh Quang cho biết: "Hàng lúc nào cũng khan. Cà cuống vào mùa từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch. Nhưng đặc biệt là vào dịp cận Tết, nhu cầu sử dụng tăng cao nên nhiều khi có khách đặt mà không dám nhận, nhà chỉ có mình tôi làm nên không kham hết được. Quy mô chăn nuôi chỉ từ 3.000 – 4.000 con là hết sức…".
Thị trường tiêu thụ loại sản phẩm này rất rộng. Không chỉ trong nước mà trang trại anh Quang cũng xuất đi Trung Quốc, Đài Loan hay thậm chí cả Nhật Bản.
Anh Quang đánh giá đây là mô hình "việc nhẹ lương cao", không quá kỳ công nhưng đem lại thu nhập ổn định cho bà con chăn nuôi.
Tương tự, anh Minh Tuấn (ở Long Biên, Hà Nội) cũng làm nghề nuôi cà cuống. Anh Tuấn cho biết, nhờ áp dụng mô hình aquaponist - sự kết hợp giữa aquaculture, còn gọi là nuôi trồng thủy sản, và hydroponics nuôi trồng thủy canh đã giúp anh tiết kiệm chi phí đáng kể.
Theo anh Tuấn, cà cuống, thức ăn của cà cuống là cá lia thia và rau sẽ được nuôi trồng trong cùng một hệ tuần hoàn. Cà cuống sẽ ăn thức ăn và tạo ra chất thải trong nước. Nước có chứa chất thải được đưa vào hệ thống lọc cơ học và vi sinh, sau đó dẫn vào các bể trồng rau. Cây rau hấp thụ dưỡng chất trong nước và lọc sạch nước rồi cung cấp ngược trở lại cho bể nuôi cà cuống và cá lia thia.
"Áp dụng mô hình này, đàn cà cuống phát triển càng khỏe mạnh, tỉ lệ hao hụt thấp. Từ đó, tiết kiệm được 30% chi phí nguồn thức ăn nuôi cà cuống, giảm 50% lượng nước sạch cung cấp hằng ngày và giảm 70% nhân công lao động", anh Minh Tuấn cho hay.
Mỗi mùa sinh sản qua đi, anh Minh Tuấn bán ra thị trường khoảng 2.000 con cà cuống với giá 45.000 – 50.000 đồng/con, thu từ 4 - 5 triệu đồng mỗi ngày. Ngoài ra, anh còn bán con giống trong thời gian đẻ trứng cho người có nhu cầu nuôi, nghiên cứu với giá 300.000 đồng/con.
Cà cuống được rất nhiều khách hàng ưa chuộng bởi thịt và trứng chứa nhiều protein, lipid và các vitamin. Đặc biệt, giá trị nhất của con cà cuống là phần túi tinh dầu ngay bụng của cà cuống đực. Tinh dầu cà cuống nhẹ hơn nước, thoang thoảng mùi đặc biệt giống như mùi quế.