Nuôi con đặc sản, thị trường ngách cho chăn nuôi nông hộ: [Bài 1] Nuôi gà Ai Cập bằng thảo mộc

Nuôi con đặc sản, thị trường ngách cho chăn nuôi nông hộ: [Bài 1] Nuôi gà Ai Cập bằng thảo mộc

14:17 - 23/04/2025

Trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ ngày càng yếu thế, mô hình nuôi gà Ai Cập bằng thảo mộc lấy trứng được xem là mô hình đầy tiềm năng tại Tây Ninh.

Thực phẩm bền vững từ chăn nuôi và thủy sản
Sầu riêng Ngũ Hiệp Tiền Giang, loại quả ngon, giá tốt
Bàn giải pháp phát triển nông nghiệp, thủy sản tuần hoàn
Tôm, cá tra năng suất kịch trần, thủy sản cần đa dạng hóa đối tượng nuôi
Sơn La dự kiến một năm bội thu trái cây

Giữa vùng đất khô cằn của xã cận biên Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, mô hình chăn nuôi gà bằng thảo mộc độc đáo của anh Văn Thanh Phong đang thu hút sự chú ý.

Trên diện tích gần 10.000 m², anh chỉ sử dụng khoảng 500 m² để làm chuồng nhằm tạo nơi trú ẩn cho gà khi thời tiết bất lợi, phần diện tích còn lại được thiết kế theo hướng “thuận thiên”, tạo điều kiện cho hơn 1.000 con gà được vận động, kiếm ăn tự nhiên.

Anh Văn Thanh Phong dành 2 ha đất nuôi 1.000 con gà Ai Cập theo kiểu thuận thiên. Ảnh: Trần Trung.

Anh Văn Thanh Phong dành 2 ha đất nuôi 1.000 con gà Ai Cập theo kiểu thuận thiên. Ảnh: Trần Trung.

Với tiêu chuẩn “3 không”: không sử dụng thức ăn công nghiệp, không nhốt gà trong chuồng và không dùng bất kỳ chất kích thích tăng trưởng nào, mô hình đã cho ra sản phẩm trứng gà chất lượng cao, thân thiện với môi trường và hoàn toàn không tồn dư kháng sinh.

Đến thăm trang trại, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy đàn gà thong thả nằm trong những ụ cỏ để đẻ trứng và ăn uống toàn những “cao lương mỹ vị” như đông trùng hạ thảo, đương quy… Anh Phong hồ hởi chia sẻ: trong nhiều giống gà đã thử nghiệm, anh nhận thấy gà Ai Cập thích nghi tốt với môi trường thả vườn tự nhiên, nhất là khí hậu khô nóng tại Tây Ninh. Đặc biệt, giống gà Ai Cập còn cho tỷ lệ đẻ trứng cao. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sức khỏe, anh quyết định theo đuổi mô hình này.

Gà Ai Cập tự kết cỏ làm ổ để đẻ trứng. Ảnh: Trần Trung.

Gà Ai Cập tự kết cỏ làm ổ để đẻ trứng. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Phong, để tạo ra sản phẩm chất lượng, chế độ ăn đặc biệt là một trong những “bí quyết” then chốt. Thức ăn cho gà dù có thành phần nấm đông trùng hạ thảo và đương quy, nhưng thực tế đây là phế phụ phẩm được tận thu từ các cơ sở sản xuất thảo mộc trên địa bàn, nên chi phí rất hợp lý và không làm đội giá thành sản phẩm. Ngoài ra, để gà sinh trưởng phát triển tốt, thức ăn được phối trộn từ cám ngô, đậu nành và các chế phẩm sinh học tự làm như men tỏi giúp gà khỏe mạnh mà không cần đến kháng sinh.

 

Khi được hỏi có lo sợ bị lỗ không khi đầu tư bài bản cho mô hình nuôi gà sạch bằng thảo mộc, anh Phong quả quyết rằng, ở đây, gà không phải là được “ăn sang” mà là “ăn đáng”. Mô hình nuôi gà bằng thảo mộc không chỉ giúp đàn gà tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng mà còn giúp gà khỏe mạnh tự nhiên. Nhờ vậy, anh tiết kiệm đáng kể chi phí thuốc kháng sinh và các chất bổ sung so với chăn nuôi thông thường.

Chế phẩm sinh học được anh Phong tự ủ thay thế thuốc kháng sinh giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Trần Trung.

Chế phẩm sinh học được anh Phong tự ủ thay thế thuốc kháng sinh giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài ra, người tiêu dùng hiện nay rất thông thái. Họ sẵn sàng mở hầu bao để săn đón những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn và có nguồn gốc rõ ràng. Họ không chỉ mua sản phẩm mà còn "mua" cả niềm tin vào quy trình sản xuất sạch, bền vững và thân thiện với môi trường.

“Hiện sản lượng trứng gà còn khá ít, dù giá bán cao gấp đôi so với các loại trứng truyền thống, nhưng sản phẩm làm ra tới đâu đều được đặt hàng hết tới đó, thâm chí có thời điểm chưa kịp đóng gói đã phải giao ngay. Sắp tới, tôi mong muốn có thể liên kết với các hộ dân có cùng tâm huyết, mở rộng quy mô sản xuất và cùng xây dựng thương hiệu gà thảo mộc Tây Ninh vươn ra thị trường lớn hơn”, anh Phong chia sẻ.

Mô hình nuôi gà Ai Cập của anh Phong được ngành chăn nuôi địa phương đánh giá cao và từng bước nhân rộng. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình nuôi gà Ai Cập của anh Phong được ngành chăn nuôi địa phương đánh giá cao và từng bước nhân rộng. Ảnh: Trần Trung.

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu, những năm gần đây, địa phương là điểm đến của nhiều dự án chăn nuôi công nghệ cao. Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Trong bối cảnh chăn nuôi quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn trước sức ép từ các trang trại lớn và biến động thị trường, việc chọn nuôi các loài con đặc sản đang trở thành hướng đi thông minh, giúp nhiều hộ chăn nuôi không chỉ tồn tại mà còn phát triển ổn định, hiệu quả.

“Mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng của anh Phong không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần định hình lại thói quen sản xuất nông nghiệp. Việc dám đầu tư, dám thay đổi tư duy, lấy sức khỏe cộng đồng làm trung tâm đang mở ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi địa phương”, ông Nguyễn Hoàng Ân, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu đánh giá.