Nuôi cua biển lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước ở đô thị

Nuôi cua biển lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước ở đô thị

20:49 - 26/09/2024

TP.HCM Nuôi cua biển lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn đang là xu hướng phát triển, giúp chủ động về năng suất, tăng hiệu quả kinh tế 10-20% so với nuôi truyền thống.

Dự án nuôi trâu, bò sinh sản giúp hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Mô hình trình diễn nuôi cua biển lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước tại khu nuôi trồng thủy sản của AHBI. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mô hình trình diễn nuôi cua biển lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước tại khu nuôi trồng thủy sản của AHBI. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tối ưu diện tích, chủ động năng suất

Cua biển - một loại đặc sản chỉ sinh sống ở những vùng nước mặn, nước lợ, nay đã có thể sinh trưởng và phát triển tốt ngay giữa các đô thị lớn nhờ mô hình nuôi trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước, do Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI) thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM nghiên cứu, đưa vào sử dụng.

Với mô hình này, có thể đặt ở bất kỳ khu vực nào mà không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt có thể ứng dụng nuôi thủy sản tại các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng - khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trình diễn tại khu nuôi trồng thủy sản của AHBI (huyện Củ Chi), thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng hỗ trợ công nghệ thủy sản, AHBI cho biết, mô hình này được thiết kế đảm bảo hiệu quả cao trong quá trình chăm sóc, sản xuất, đặc biệt là tối ưu diện tích.

Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với nuôi truyền thống, nhưng có những ưu điểm vượt trội như không bị ảnh hưởng bởi tác động môi trường bên ngoài như biến đổi khí hậu, ô nhiễm... mà ngược lại có thể kiểm soát được môi trường nuôi cua, kiểm soát chất lượng thức ăn, cung cấp chế độ dinh dưỡng tốt, tiết kiệm được nguồn nước đầu vào.

Đặc biệt, có thể quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro về bệnh tật, chủ động năng suất trong quá trình nuôi, quá trình thu hoạch cũng dễ dàng hơn, chất lượng cua đồng đều hơn so với nuôi thông thường. 

Hệ thống nuôi cua biển lột tại cơ sở ông Vũ Hoàng Hùng (Cần Giờ). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hệ thống nuôi cua biển lột tại cơ sở ông Vũ Hoàng Hùng (Cần Giờ). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chuyển giao quy trình

Năm 2023, mô hình này đã được chuyển giao cho cơ sở của ông Vũ Hoàng Hùng (xã An Thái Đông, huyện Cần Giờ, TP.HCM). Với chi phí ban đầu 150 triệu đồng cho hệ thống 560 hộp nhựa xếp chồng lên nhau, chỉ tốn diện tích 100m2. Sau 2 tháng thả nuôi, khoảng 500 con cua giống nguyên liệu, lứa cua lột đầu tiên của cơ sở này đã cho thu hoạch, với sản lượng tăng hơn so với nuôi quảng canh trên 20%. 

"Ba yếu tố quyết định hiệu quả của mô hình nuôi cua lột trong hệ thống tuần hoàn nước là kỹ thuật, hệ thống máy móc vận hành và cua giống. Với sự hỗ trợ tư vấn của đội ngũ AHBI, chúng tôi cũng tiếp tục tìm tòi để điều chỉnh phù hợp với cơ sở mình, đến nay, cơ sở đang thực hiện có hiệu quả, tăng thu nhập lên 10-20% so với trước đây", anh Trần Khả Phi Long, kỹ thuật viên nuôi cua tại cơ sở ông Vũ Hoàng Hùng cho biết.

Mỗi ngày đều phải kiểm tra tình trạng của cua biển nuôi trong hộp nhựa. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mỗi ngày đều phải kiểm tra tình trạng của cua biển nuôi trong hộp nhựa. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, để vận hành hệ thống tuần hoàn nuôi cua biển lột, nước biển sử dụng trong mô hình tại cơ sở ông Vũ Hoàng Hùng là nước biển tự nhiên được lấy từ Cần Giờ, được xử lý bằng chlorine với nồng độ 30 mg/l trong thời gian 72 giờ để loại bỏ chất thải trước khi đưa vào sử dụng. Nước biển đã qua xử lý được bơm vào bể chứa nước để ổn định chất lượng nước, sau đó mới bơm vào hệ thống hộp nuôi.

 

“Tất cả các chỉ tiêu môi trường nước được điều chỉnh để đảm bảo môi trường phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của cua lột ở pH 7,5-8,8, nhiệt độ 28-30 độ C, độ mặn 15-20%”, thạc sĩ Liên nói và cho biết thêm, trong quá trình nuôi, cần bổ sung thêm men vi sinh vào hệ thống xử lý nước và xử lý khử khuẩn bằng đèn UV.

Ở mô hình này, con giống cua nguyên liệu chiếm khoảng 50% tổng chi phí nuôi. Do vậy, để tăng lợi nhuận, người nuôi cần chủ động con giống bằng cách tự ương nuôi. Trong trường hợp phải mua giống ở bên ngoài, cần mua cua tại trại uy tín có nguồn rõ ràng, đảm bảo chất lượng tốt. Nên chọn cua đồng đều kích cỡ, màu sắc tươi sáng khỏe mạnh, không bị mất các bộ phận để tránh cua dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến hao hụt trong quá trình nuôi.

Hệ thống lọc nước tuần hoàn trong suốt quá trình nuôi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hệ thống lọc nước tuần hoàn trong suốt quá trình nuôi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trước khi thả cua vào hộp (1 con/hộp), cần cho cua làm quen với môi trường nước mới với độ mặn 15-20‰ bằng cách cho cua vào hộp nuôi và cho dòng nước chảy qua từ 3-5 giờ, sau đó duy trì mực nước trong hộp cao khoảng 7-10cm.

Đối với nước thải từ các hộp nuôi cua, được gom về hệ thống lọc thông qua hệ thống ống dẫn để loại bỏ chất thải rắn không hòa tan trong hệ thống nuôi. Phần chất thải rắn có chứa lượng lớn nước thải được bơm lên bể chứa phân thải; nước từ bể chứa thải sau khi lắng sẽ được tuần hoàn trở lại hệ thống thiết bị trống lọc để lọc và tái sử dụng lại nguồn nước. Cứ thế, vòng tuần hoàn được lặp lại liên tục trong suốt quá trình nuôi.

Thức ăn cho cua gồm nghêu, cá rô tươi, ốc, hàu, vẹm,… được cắt nhỏ trộn với vitamin C theo tỉ lệ 4gr/kg thức ăn. Đối với thức ăn bảo quản lạnh, có thể trộn thêm chất dẫn dụ để kích thích cua ăn theo tỉ lệ phù hợp trọng lượng cua.

Cua sau khi nuôi 15-20 ngày sẽ lột xác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cua sau khi nuôi 15-20 ngày sẽ lột xác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Hằng ngày, cần theo dõi cua, đối với những con không ăn thức ăn thì nên đánh dấu lại để dễ dàng theo dõi và bắt ra khi có dấu hiệu yếu, tránh ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hệ thống”, thạc sĩ Liên lưu ý.

Cua sau khi nuôi 15-20 ngày sẽ lột xác. Quá trình thay vỏ mới của một con cua thường kéo dài trong vòng 15 phút, thời gian lột từ 8-24 giờ. Khi cua bắt đầu lột xác sẽ có vòng nứt quanh mai, do vậy người nuôi cần phải theo dõi cua lột xác để thu hoạch kịp thời.

Sau khi thu cua lột, thạc sĩ Liên lưu ý, cần ngâm cua vào nước ngọt 15-20 phút để giảm độ muối, vớt ra để ráo. Cua lột có thể bán con còn sống cho thị trường, hoặc bảo quản dưới dạng cấp đông trong vòng 60-90 ngày. Cua lột sau khi thu hoạch có giá trị về mặt dinh dưỡng và có thể sử dụng nguyên con, không bỏ đi thứ gì. 

Mô hình nuôi cua biển lột trong hệ thống tuần hoàn nước giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, đáp ứng được yêu cầu cung cấp cua lột có chất lượng cho thị trường tiêu thụ. Mô hình này mở ra triển vọng mới cho việc phát triển bền vững và hiệu quả của nuôi cua biển lột tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Định hướng sắp tới, AHBI sẽ sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào hệ thống nuôi để kiểm soát các yếu tố chất lượng nước.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Liên đánh giá, với con giống khi mua về đạt trọng lượng 80-150g, chưa lên cốm, sau 20-30 ngày nuôi có thể thu hoạch với trọng lượng 200-300g, tỷ lệ lột trên 80%. Chi phí sản xuất một kg cua khoảng 300.000 đồng, giá bán ra thị trường khoảng 500.000-600.000 đồng/kg. Như vậy, với quy mô nuôi hơn 500 hộp, sau 6-8 tháng nuôi có thể thu hồi vốn với điều kiện nuôi liên tục, thực hiện đúng kỹ thuật để tỷ lệ lột đạt trên 80%.