Nuôi cua đá trên đảo Cồn Cỏ
18:40 - 12/07/2024
Cua đá bị cấm đánh bắt nhưng thực khách lại rất ưa thích loại đặc sản này. Một số hộ dân đã đầu tư nuôi cua đá thương phẩm trên đảo Cồn Cỏ.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) nổi tiếng với các loài hải sản đặc trưng như hàu vuông, ốc mặt trăng, cá mú… Tuy nhiên, khu vực huyện đảo Cồn Cỏ không có vũng, vịnh nên việc nuôi biển gần như không thể thực hiện được.
Cua đá cũng là một đặc sản được khách du lịch rất ưa chuộng. Tuy nhiên, số lượng cua đá ngoài tự nhiên trên đảo Cồn Cỏ hiện không còn nhiều, lại là loài bị cấm đánh bắt. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của khách du lịch khi đến với đảo Cồn Cỏ tăng. Khi nguồn cung ngoài tự nhiên không được đáp ứng, người dân huyện đảo Cồn Cỏ đã mạnh dạn đưa giống cua đá về nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.
Bà Hoàng Thị Lam tại huyện Đảo Cồn Cỏ cho biết, năm 2022, gia đình bà đầu tư chuồng trại, nhập giống cua đá từ đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi về nuôi. Trung bình mỗi năm, gia đình bà nhập 10 đợt cua, mỗi đợt từ 10-20 triệu đồng. Khu vực nuôi nhốt cua đá được thiết kế đơn giản nhưng đảm bảo cua không thể bò ra ngoài. Trong chuồng nuôi, các phiến đá được xếp chồng lên nhau, tạo thành hốc tự nhiên để cua trú ngụ. Khu vực chuồng nuôi phải có độ ẩm cao; phun nước mặn mỗi ngày. Thức ăn của cua đá là các loại rau xanh, chuối…
Theo bà Lam, là loài hải sản ít dịch bệnh, nếu được nuôi đúng cách, cua đá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thay vì chỉ nuôi cua đá thương phẩm, thời gian tới, gia đình bà Lam sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, nuôi cua bố mẹ để chủ động nguồn giống.
“Hiện nay, cua đá bị cấm đánh bắt nhưng nhu cầu của du khách rất lớn. Gia đình tôi đưa cua đá về nuôi để phục vụ du khách ra đảo và phát triển kinh tế gia đình. Đây là hải sản đặc trưng của đảo mà bất cứ du khách nào khi đến đây đều muốn được thưởng thức”, bà Lam cho hay.
Ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, theo quy chế Quản lý, bảo vệ Tài nguyên và Môi trường trên đảo sửa đổi và bổ sung vào năm 2012, cùng với kỳ đà, gà rừng, UBND huyện đảo Cồn Cỏ cấm người săn bắt và giết hại cua đá để bảo toàn số lượng cua đá trên đảo. Do đó, việc nuôi loài hải sản này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách khi đến đảo. Đây cũng là một mô hình tạo sinh kế, mở ra thêm hướng phát triển kinh tế mới cho người dân huyện đảo Cồn Cỏ.
Ông Trưởng cho biết thêm, không chỉ gia đình bà Lam mà hiện nay còn có thêm 1 hộ đăng ký xin nuôi cua đá. Đây là một hướng đi mới không chỉ giúp phát triển kinh tế gia đình mà còn đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với đảo Cồn Cỏ.
“Cua đá là đặc sản của huyện đảo Cồn Cỏ. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung để bảo vệ nguồn lợi loài hải sản này. Hiện có 2 hộ gia đình đăng ký nuôi, lấy giống từ các đảo khác về. Huyện đồng ý cho nuôi để phục vụ du khách vừa phát triển kinh tế gia đình vừa thu hút khách du lịch đến với đảo Cồn Cỏ”, ông Trưởng chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, huyện đảo Cồn Cỏ cách bờ chưa đến 20 hải lý. Nguồn cung thực phẩm trên đảo Cồn Cỏ chủ yếu đưa từ bờ ra hoặc hải sản đánh bắt từ biển. Việc người dân nuôi cua đá thành công là dấu hiệu rất đáng mừng để phục vụ khách du lịch khi đến với đảo Cồn Cỏ. Trong thời gian tới, Quảng Trị sẽ thực hiện một số mô hình nuôi hải sản khu vực đảo Cồn Cỏ để phát triển kinh tế trên đảo.
Sẽ thử nghiệm nuôi biển trên đảo Cồn Cỏ
“Đảo Cồn Cỏ không có vịnh nên việc nuôi biển rất khó khăn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thử nghiệm nuôi một số đối tượng có thời gian sinh trưởng ngắn ngày để giúp người dân huyện đảo phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, thông tin.