Nuôi gà bớt mùi hôi, thêm hiệu quả nhờ sâu canxi
23:16 - 03/08/2024
LÀO CAI Chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, sử dụng thức ăn là sâu canxi giúp người dân giảm chi phí, xử lý được mùi hôi và chất thải hữu cơ.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Qua học hỏi, ông Vương Đức Mạnh ở thôn Tân Phong, xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, xử lý chất thải, không gây mùi hôi ra môi trường xung quanh.
Sử dụng nền đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm rất phù hợp với nông hộ có nhà ở gần chuồng trại ở vùng cao Lào Cai. Từ khi sử dụng đệm lót sinh học, mùi hôi từ chuồng trại gần như được triệt tiêu hoàn toàn. Nhờ men vi sinh, chất thải phân hủy nhanh, hạn chế được dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm…
Ông Vương Đức Mạnh chia sẻ, đầu tiên rải lớp mùn cưa hoặc trấu với độ dày khoảng 20 cm lên nền chuồng. Sau đó, có thể phun nước để tạo độ ẩm cho đệm lót này rồi rắc đều chế phẩm men lên toàn bộ bề mặt của đệm lót…
Khi đệm lót hoai mục có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng và lúc đó thay đệm lót mới. Cách làm đệm lót sinh học nuôi gà tuy đơn giản, nhưng lại phát huy tối đa hiệu quả xử lý mùi hôi chất thải của gia cầm.
Cũng như ông Vương Đức Mạnh và một số hộ dân khác, ông Tải Quang Lài ở thôn Cốc Tủm, xã Phong Niên ngoài việc sử dụng đệm lót sinh học còn chăn nuôi gà bằng sâu canxi (ruồi lính đen). Loại thực phẩm này rất tốt khi làm thức ăn cho gà đẻ trứng.
Trước đây, chi phí về thức ăn chiếm phần lớn trong chăn nuôi. Sau thời gian nuôi gà bằng sâu canxi, vật nuôi nhanh lớn, ít bệnh, lông mượt hơn, chất lượng thịt thơm ngon. Giá bán gà cũng cao hơn so với nuôi thông thường từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Từ 10g trứng sâu ban đầu, sau 15 - 20 ngày nuôi cho thu hoạch khoảng 25 - 30kg sâu thành phẩm để làm thức ăn cho gà.
“Ưu điểm của mô hình là chi phí đầu tư thấp, dễ thích ứng, không mất nhiều công chăm sóc trong khi nguồn thức ăn cho gà dồi dào, cho lợi nhuận cao hơn. Trong khi đó, vừa tận dụng được chất thải, vừa đảm bảo yếu tố môi trường trong chăn nuôi”, ông Tải Quang Lài cho hay.
Việc thay đổi phương thức chăn nuôi, xử lý chất thải hữu cơ bằng đệm lót sinh học, nuôi sâu canxi đã mang lại hiệu quả rõ nét. Đặc biệt, giảm chi phí đầu vào cho chăn nuôi tới 50%, xử lý được vấn đề môi trường, từ đó mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi.
Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ra 9 xã thuộc 3 huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên với 450 hộ tham gia. Các hộ nuôi sâu canxi được tập huấn kỹ thuật nuôi, quy trình nuôi, hỗ trợ con giống...
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết, sâu canxi chính là ấu trùng của ruồi lính đen. Giai đoạn sâu trưởng thành hoặc lột xác để trở thành ruồi lính đen thì vỏ kén của sâu chứa rất nhiều canxi. Sản phẩm sâu trưởng thành dùng cho gia súc, gia cầm ăn để bổ sung nguồn dinh dưỡng, nhất là canxi nên rất tốt cho sự phát triển.
Nuôi sâu canxi cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng hộp xốp hoặc xô, chậu, thùng nhựa làm chỗ trú ẩn cho sâu. Từ nguồn con giống, sau thời gian nuôi, ấu trùng sẽ sinh trưởng nhân đàn lên gấp nhiều lần.
Sâu canxi có khả năng tiêu thụ nguồn thức ăn thừa như các loại rau, củ, quả bị hư hỏng, thải loại và chất thải của động vật (phân lợn, phân trâu, phân gà…)…
“Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân duy trì và mở rộng mô hình nuôi sâu canxi, áp dụng các phương pháp chuyển đổi chất thải.
Có thể chuyển đổi chất thải trên đồng ruộng như rơm, rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải hữu cơ từ các hộ gia đình, kinh doanh, nhà hàng thành thức ăn nuôi sâu canxi, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Tô Mạnh Tiến nói.