Nuôi loài vật tốn thức ăn 2.000 đồng/ngày nhưng giá bán tới 2 triệu đồng/kg
13:05 - 10/08/2024
BẮC KẠN Thức ăn cho một con cầy vòi chỉ 2.000 đồng/ngày, nhưng giá bán thương phẩm từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg nên được người dân ví là vật nuôi 'một vốn bốn lời'.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Chu Hương là xã thuần nông của huyện Ba Bể (Bắc Kạn), người dân vốn đã quen trồng lúa, nuôi lợn, nuôi gà. Cuộc sống bà con cứ bình lặng trôi đi, với nghề nông chẳng mấy có hộ giàu nhưng cũng không đến mức nghèo.
Năm 2019, cả làng Pác Chi (xã Chu Hương) nhốn nháo vì anh thanh niên trong thôn bỏ ra hàng trăm triệu đồng nuôi con chỉ ưa bóng tối, ngày lăn ra ngủ.
“Lúc đó bà con chả ai biết anh Linh nuôi con gì, chỉ biết nhìn như còn chồn trên núi, mọi người tò mò lắm”, vừa đến đầu bản, một chú trạc tuổi tứ tuần nói với chúng tôi.
Vòng vèo qua nhiều con ngõ nhỏ, chúng tôi gặp được anh Hoàng Văn Linh, chủ của mô hình nuôi cầy vòi ở thôn Pác Chi. Không chút “thăm dò”, anh Linh hồ hởi giới thiệu về mô hình của mình với chúng tôi. Chuyện là năm 2019, tình cờ đọc trên báo thấy ở một số nơi nhiều người nuôi cầy vòi hiệu quả cao nên anh tìm hiểu.
Anh Linh cho biết, khởi nghiệp đầu tư chuồng trại và mua con giống hết 100 triệu đồng, lúc đó không đủ tiền anh và gia đình phải đi vay thêm.
Theo anh Linh, chuồng nuôi cầy vòi rất đơn giản, xây bằng gạch tạo thành các ô rộng từ 1-2m. Ban đầu chưa có tiền anh chỉ làm 4 dãy chuồng, tổng diện tích khoảng 700m2.
“Năm 2019 mình mua mấy đôi cầy vòi giống bố mẹ về nuôi, sau một năm cầy đã sinh sản, đến nay mô hình của mình duy trì thường xuyên khoảng 80 con gồm cầy bố mẹ, cầy hậu bị (cầy giống), cầy thương phẩm và cầy con mới tách đàn”, anh Linh chia sẻ.
Khó khăn nhất là lúc mới bắt đầu vì giống cầy vòi khá đắt, đôi bé khoảng 16 triệu đồng, đôi hậu bị to trên 20 triệu đồng, nên muốn nuôi các nông hộ phải bỏ ra vài chục triệu tiền vốn.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cầy vòi, anh Linh cho biết, nuôi cầy vòi khá đơn giản thức ăn chủ yếu là chuối chín, bí đỏ, cháo bột ngô, cháo gạo. Trong giai đoạn mới sinh sản cầy mẹ cần được bổ sung thêm thịt lợn, cá, trứng vịt lộn.
Từ khi cầy con tách mẹ nuôi đến lúc bán cầy thương phẩm hay cầy giống, tổng chi phí thức ăn khoảng 1 triệu đồng/cá thể. Anh Linh nuôi là loại cầy vòi mốc, loài này ưa sống trong bóng tối, thường ngủ ban ngày nên phải xây chuồng cho phù hợp.
“Hiện, cầy vòi mốc của gia đình chủ yếu bán cầy giống, do đó mình đang chia sẻ kinh nghiệm cho người dân địa phương mở rộng mô hình, cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, anh Linh cho biết thêm.
Cầy vòi mốc thương phẩm nặng trên 3kg, giá bán từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg, đối với cầy giống, mỗi cặp (1 con đực, 1 con cái), có trọng lượng từ 1,5 - 3,5kg/con, giá bán khoảng 20 triệu đồng/cặp.
Theo anh Linh, hiện cầy vòi thương phẩm trên địa bàn rất ít nên không gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, thường các nhà hàng đặt trước từ khi anh còn đang nuôi.
Với số lượng hiện tại, mỗi năm mô hình của anh Linh mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Sắp tới anh Linh cho biết sẽ xây thêm chuồng, tăng số lượng cầy bố mẹ để đủ cung ứng cho thị trường.
Theo những người nuôi cầy vòi có kinh nghiệm, khi cầy con mới đẻ xong sẽ ra chuồng ăn cùng cầy mẹ, cầy con sẽ sống chung với cầy mẹ từ 60 đến 70 ngày, sau đó tách cầy con ra nuôi riêng. Cầy con sau khi tách mẹ nuôi thêm khoảng 1 tháng sẽ có trọng lượng từ 1,5 - 2,5 kg có thể bán làm cầy giống. Tuy nhiên, người nuôi cần chú ý cầy con tách mẹ sớm sẽ chậm phát triển, tách muộn sẽ làm gián đoạn vòng sinh sản của cầy mẹ.
Nuôi cầy vòi tuy dễ nhưng người nuôi phải đặc biệt chú ý chuồng nuôi phải sạch sẽ, thoáng mát, nhiệt độ luôn phải dưới 35 độ C, thức ăn phải sạch sẽ. Nếu người nuôi chưa có kinh nghiệp, thường gặp phải tình trạng tỷ lệ sinh sản của cầy mẹ thấp, hay xảy ra đẻ non, cầy mẹ cắn con hoặc cầy bị bệnh viêm phổi, bệnh tiêu chảy.
Ông Hoàng Văn Tiến, Chủ tịch UBMTTQ xã Chu Hương cho biết, mô hình nuôi cầy của anh Hoàng Văn Linh ở thôn Pác Chi là mô hình mới, hiệu quả kinh tế khá cao. Thời gian tới địa phương muốn tuyên truyền vận động bà con nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế hộ gia đình.