Ở huyện này của Nam Định, dân nuôi thủy sản kiểu gì mà lãi bình quân 500-600 triệu/ha/năm?
16:29 - 16/06/2024
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam
Thời gian qua, người nuôi thủy sản huyện Hải Hậu (Nam Định) đã tích cực ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất thủy sản, từ con giống đến các quy trình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở hướng phát triển mới cho ngành Thủy sản.
Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và lựa chọn mô hình phù hợp, anh Vũ Văn Như, thôn Ninh Mỹ, xã Hải Giang đang thành công với mô hình nuôi lươn không bùn trên bể.
Năm 2018 là thời điểm nghề nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do giá vật tư đầu vào như con giống, thức ăn tăng cao, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp.
Anh Như tìm hiểu qua tivi, mạng internet rồi đi tham quan thực tế tại một số mô hình nuôi lươn không bùn ở các tỉnh phía Nam. Nhận thấy đây là mô hình rất hiệu quả, anh đã cải tạo khu nuôi lợn cũ để xây 20 bể xi măng nuôi lươn không bùn, bên trên có mái tôn che nắng, mưa.
Đáy bể nuôi được lát gạch men đảm bảo độ trơn, nhẵn, hạn chế lươn bị sây sát. Đáy bể được thiết kế độ dốc 5cm và có hệ thống đường ống cấp nước và thoát nước ra bên ngoài để thuận tiện trong việc thay nước trong bể nuôi liên tục.
Lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn, thường sống chui rúc trong bùn, ruộng, mương, đồng cỏ… nên khi nuôi trong bể anh Như đã tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây nilon đen.
Nhờ mua con giống ở cơ sở uy tín cùng với phương pháp nuôi đảm bảo nguồn nước sạch, tuân thủ nguyên tắc “đúng giờ, đúng lượng”, phòng ngừa dịch bệnh nên lươn phát triển nhanh, đồng đều, tỷ lệ sống rất cao.
Mô hình nuôi ốc hương tại xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
“Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, kỹ thuật đơn giản, không mất nhiều thời gian, không phải vất vả nắng mưa, không đòi hỏi diện tích lớn, rất phù hợp với những hộ chăn nuôi có diện tích đất nhỏ. Chỉ cần đảm bảo môi trường, phòng, chống dịch bệnh là “có thu”.
Một lứa lươn nuôi trong 10-12 tháng, 1 vạn con sau khi chăm sóc, xuất bán, trừ hết chi phí có thể lãi từ 70-80 triệu đồng”. Hiện tại, anh Như đã mở rộng quy mô nuôi lươn lên 60 bể với 10 vạn con. T
hành công từ mô hình của anh Như, hiện xã Hải Giang đã có 15 hộ đầu tư xây bể, nuôi lươn không bùn và liên kết thành lập nhóm để tương trợ nhau từ vật tư đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Mô hình nuôi lươn không bùn hiện đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ cho người dân địa phương.
Huyện Hải Hậu có tiềm năng mặt nước nuôi thủy sản với gần 2.300ha, trong đó có 34 vùng nuôi tập trung theo phương thức thâm canh, bán thâm canh, tổng diện tích gần 800ha.
Hiện nay nhiều địa phương trong huyện tập trung phát triển nuôi thủy sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chú trọng đối tượng nuôi và hình thức nuôi. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trong nuôi thủy sản đang tiếp tục được duy trì và phát triển trên địa bàn.
Điển hình là mô hình nuôi tôm trong bể đang phát triển mạnh tại các xã Hải Đông, Hải Phúc, Hải Nam với khoảng trên 700 bể tại 30 hộ nuôi; bình quân mỗi năm nuôi được 3-4 vụ, sản lượng đạt 80kg/bể/vụ, thu nhập trung bình 6 triệu đồng/bể/vụ.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững xen canh với cá diêu hồng, cá trắm đen theo phương thức thâm canh và bán thâm canh tập trung tại các xã Hải Châu, Hải Nam, Hải Hòa, Hải Xuân, Hải Đông với tổng diện tích trên 35ha nước ngọt đã nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác lên 1,5-2 lần so với phương pháp nuôi truyền thống.
Các đối tượng thủy sản dễ nuôi mà có giá trị kinh tế cao như ếch, ba ba cũng đang phát triển mạnh tại các xã Hải Ninh, Hải Sơn và lan tỏa ra một số xã lân cận như Hải Long, Hải Hòa, Hải Xuân… với 150 hộ nuôi, sản lượng đạt trên 500 tấn.
Một số hộ nông dân tại các vùng nuôi ven sông, ven biển thuộc các xã Hải Xuân, Hải Hòa, Hải Giang và thị trấn Thịnh Long thực hiện mô hình nuôi thuần hóa cá vược nước ngọt với tổng diện tích 15ha; mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, cá sống khỏe, dễ nuôi sau khi được thuần hóa, được thị trường ưa chuộng nên dễ xuất bán; giá cá trung bình 100 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 1,5-2 lần so với các loại cá nước ngọt khác.
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Vinh, xã Hải An áp dụng thành công mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cua rạm. Đây là mô hình chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản nhưng không phá vỡ quy hoạch đất trồng lúa, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế đất trồng lúa, giảm tình trạng nông dân bỏ ruộng…
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Hải Hậu đã quy hoạch khu nuôi thủy sản, chỉ đạo mở rộng các vùng nuôi tập trung theo kế hoạch chuyển đổi của địa phương, theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã và gắn với nhu cầu của thị trường.
Trong đó tập trung phát triển mạnh các đối tượng nuôi thế mạnh, có khả năng cạnh tranh cao như: tôm, cua, cá nước lợ; cá trắm đen, cá lóc, cá diêu hồng, ếch…
Để động viên, tạo điều kiện cho người nuôi học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật mới, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức các buổi hội thảo, tham quan nhân rộng các mô hình nuôi phù hợp, hiệu quả như các mô hình: nuôi tôm trong bể, nhà bạt; trồng lúa kết hợp nuôi cua rạm…
Vận động người dân nuôi chuyển đổi phương thức nuôi từ quảng canh sang bán thâm canh; khuyến khích nuôi thâm canh khi đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng (điện, thủy lợi, giao thông), tài chính và kỹ thuật.
Đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chú trọng nuôi thủy sản theo hướng VietGAP để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững với môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, nuôi thủy sản, sản xuất con giống, sản xuất thức ăn. Nhờ đổi mới, đa dạng hình thức và đối tượng nuôi cùng với việc áp dụng các mô hình khép kín, đầu tư công nghệ cao, không sử dụng kháng sinh…đã mở ra hướng phát triển mới, giúp người nuôi giảm công lao động, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế so với phương pháp truyền thống; đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn so với nuôi theo phương pháp truyền thống.
Năm 2023, sản lượng thủy sản của huyện đạt gần 22 nghìn tấn. Nhiều mô hình nuôi thâm canh với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá vược, cá mú, cá diêu hồng… cho lãi bình quân 500-600 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 4-6 lần so với nuôi quảng canh.
Thời gian tới, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) tiếp tục tập trung thúc đẩy nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa. Hướng dẫn, khuyến khích người dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng mô hình khép kín trong nuôi thuỷ sản thâm canh, siêu thâm canh.
Hạn chế sử dụng các loại thuốc, hóa chất kháng sinh trong quá trình nuôi, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học nhằm bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Đồng thời hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc, nâng cao uy tín, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn giúp ngành nuôi thủy sản huyện Hải Hậu phát triển bền vững.