Phát triển cây ăn quả ở xã vùng cao Lào Cai

Phát triển cây ăn quả ở xã vùng cao Lào Cai

10:46 - 01/08/2024

Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đưa các loại giống cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào trồng, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho người dân.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Phát triển cây ăn quả ở xã vùng cao Quan Hồ Thẩn- Ảnh 1.
 

Nông dân xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) thu hoạch quả lê. Ảnh: Mùa Xuân.

Đến xã Quan Hồ Thẩn hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất này. Trên các triền đồi đang dần phủ xanh các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao thay thế các loại cây lương thực ngắn ngày.

 

Xã Quan Hồ Thẩn đang trở thành một trong những xã có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất huyện Si Ma Cai, với gần 390 ha. Đây là một trong những hướng đi trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Bà Cư Thị Dua, thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai, chia sẻ: Nhận thấy khí hậu, đất đai ở đây phù hợp trồng các loại cây ăn quả ôn đới, gia đình tôi đã đưa giống cây lê, mận Tả Van về trồng.

Hiện nay, gia đình tôi có 400 gốc cây lê VH6, vụ năm nay, gia đình tôi thu được khoảng 3 tấn quả lê, với giá bán từ 20 – 40 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 40 triệu đồng.

Theo bà Dua, ngoài trồng lê VH6, bà Dua còn trồng 200 gốc mận Tả Van nữa, năm nay thu nhập từ bán quả mận được hơn 10 triệu đồng.

Phát triển cây ăn quả ở xã vùng cao Quan Hồ Thẩn- Ảnh 2.

Những trái lê mọng nước ở vùng cao Quan Hồ Thẩn (Si Ma Cai, Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Còn gia đình chị Giàng Thị Dở, thôn Chu Liền Chải, xã Quan Hồ Thẩn trồng khoảng 1.000 gốc lê VH6 và mận Tả Van. Trong đó, 700 gốc mận của gia đình chị Dở đã bắt đầu cho thu hoạch, riêng vụ năm nay gia đình chị thu được 3 tấn quả mận, thu về 60 triệu đồng.

Quan Hồ Thẩn là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Si Ma Cai. Năm 2020, xã Quan Hồ Thẩn được sáp nhập từ 3 xã Quan Thần Sán, Cán Hồ và Mản Thẩn.

Hiện, toàn xã có 8 thôn, với hơn 1.000 hộ dân, trên 5.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, xã Quan Hồ Thẩn có gần 390 ha lê, mận Tả Van, trong đó, khoảng 60 ha lê VH6 và 90 ha mận đã cho thu hoạch. 

Ngoài ra, gần 110 ha cây ăn quả đang được xã cải tạo phát triển, chăm sóc theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển cây ăn quả ở xã vùng cao Quan Hồ Thẩn- Ảnh 3.

Diện tích lê trồng VH6 ở xã Quan Hồ Thẩn đang được mở rộng. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Lừu Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai), cho biết: Giá quả lê năm nay thấp hơn so với vụ năm trước, giá chỉ dao động từ 20 – 40 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân là do kỹ thuật chăm sóc của bà con ở đây còn nhiều hạn chế, quả không được to đều...

Để giúp người dân phát triển cây ăn quả, hằng năm xã Quan Hồ Thẩn đã phối hợp với một số phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho bà con nhân dân.

Đồng thời, lồng ghép các chương trình dự án: Chương trình nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ cây giống, vật tư phục vụ sản xuất cho người dân; tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả...

Phát triển cây ăn quả ở xã vùng cao Quan Hồ Thẩn- Ảnh 4.

Mận Tả Van đang mở ra triển vọng cho bà con nhân dân xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai. Ảnh: Quang Vinh.

Tính đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 51,87%. 

Thời gian tới, xã Quan Hồ Thẩn tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng cây ăn quả; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Duy trì 2 sản phẩm Lê tai nung và mận Tả Van được chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, khuyến khích người dân liên kết với các HTX, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, hình thành vùng sản xuất tập trung, nhất là vùng trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao.

Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp...