Phát triển vùng cây dược liệu trên quê hương 'khoán hộ'

Phát triển vùng cây dược liệu trên quê hương 'khoán hộ'

17:44 - 19/07/2024

Tỉnh Vĩnh Phúc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển vùng dược liệu theo chuỗi liên kết sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Cây dược liệu chinh phục vùng đất khó

Đầu những năm 2010, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là của huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Bùi Văn Sỹ, thôn Hữu Phúc, xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại địa phương.

Năm 2014, trong một lần tham quan mô hình trồng cây ba kích tím trên đất đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông đã nhen nhóm giấc mơ đưa giống cây này về trồng và làm giàu tại địa phương. Đến năm 2015, ông Sỹ bàn với gia đình vay tiền để mua lại hơn 9ha đất đồi trồng vải cằn cỗi, kém hiệu quả để cải tạo đất, trồng thử nghiệm 1ha cây ba kích tím. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên số lượng ba kích tím bị chết hơn 30%.

Ông Bùi Văn Sỹ giới thiệu về cây dược liệu ba kích tím tại vườn ươm của gia đình. Ảnh: Anh Tuấn. 

Ông Bùi Văn Sỹ giới thiệu về cây dược liệu ba kích tím tại vườn ươm của gia đình. Ảnh: Anh Tuấn. 

Không nản chí, ông Sỹ tiếp tục dành thời gian nghiên cứu tài liệu, xem các chương trình truyền hình và tìm đến các hộ trồng ba kích lâu năm ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Sau 2 năm trồng thử nghiệm, vườn ba kích tím bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài bán cây giống với số tiền khoảng 100 triệu đồng, ông Sỹ còn bán được khoảng 500 triệu đồng tiền củ ba kích, trừ các khoản chi phí, ông Sỹ cầm chắc khoảng 200 triệu đồng tiền lãi.

Xác định ba kích tím là cây làm giàu, ông Sỹ mở rộng diện tích trồng từ 1ha lên 2ha và phủ xanh các loại cây lâm nghiệp trên 6ha đất rừng còn lại. Đến nay, sau gần 10 năm trồng, anh đã tạo được thương hiệu riêng cho vườn ba kích tím và trở thành người mở lối, đưa giống cây này về làm giàu cho nhiều hộ dân ở Bắc Bình.

Từ một mô hình sản xuất ba kích tím nhỏ lẻ của ông Bùi Văn Sỹ, đến nay, toàn xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch có gần 50 hộ trồng loại cây dược liệu này với tổng diện tích khoảng 11 ha, tập trung ở các thôn Hữu Phúc, Bắc Sơn, Yên Thích…

Được biết, toàn xã hiện đang cung ứng ra thị trường 200 tấn củ ba kích/năm. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo khi diện tích trồng mới trong 2 - 3 năm trở lại đây bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài sản phẩm chính là củ ba kích, một số hộ còn phát triển vườn ươm, cung cấp cây giống ba kích cho các hộ dân trong và ngoài tỉnh với tổng sản lượng 300 vạn cây giống/năm.

Ông Sỹ cho biết, hiện cây ba kích tím ở Bắc Bình đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Tuyên Quang…

Hiện 100% củ ba kích tím của gia đình ông Sỹ và các hộ dân trong xã được Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam thu mua. Riêng gia đình ông, trung bình mỗi năm, trừ các khoản chi phí, vườn ba kích cho thu lãi từ 1,3 - 1,4 tỷ đồng.

“So với cây lâm nghiệp, trồng ba kích tím có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, tốn công làm đất và chăm sóc hơn. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại rất tốt. Cụ thể, với mô hình ba kích lên tới 2ha, trung bình mỗi vụ, gia đình tôi thu về gần 500 triệu đồng từ bán cây giống, 800 triệu đồng từ thu hoạch củ ba kích, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động chính và 12 lao động thời vụ tại địa phương. Điều đáng nói, toàn bộ diện tích ba kích tím của gia đình được trồng theo tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và được Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam ký kết bao tiêu đầu ra”, ông Sỹ chia sẻ.

Thu hoạch củ ba kích tím tại Công ty cổ phần chế biến nông sản Minh Phúc An. Ảnh: Nam Khánh.

Thu hoạch củ ba kích tím tại Công ty cổ phần chế biến nông sản Minh Phúc An. Ảnh: Nam Khánh.

Phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa

 

Cũng tâm huyết với cây dược liệu, song bà Âu Thị Kim Phượng, Giám đốc Công ty CP chế biến nông sản Minh Phúc An, huyện Tam Đảo lại chọn mô hình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến các sản phẩm từ ba kích tím. Hiện nay, chuỗi liên kết, sản xuất ba kích của công ty đang hoạt động tốt. Từ quy mô 2 ha khi mới thành lập, diện tích liên kết đã tăng lên hàng chục ha.

Để từng bước nâng cao giá trị cây dược liệu, công ty cũng đầu tư gần chục tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe được chiết xuất từ cây ba kích như cao, rượu..., góp phần giải quyết việc làm ổn định cho gần chục lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.

Mới đây, các sản phẩm chủ lực của công ty gồm: Rượu đông trùng hạ thảo với ba kích Tam Đảo, rượu ba kích Tam Đảo, rượu ba kích sâm cau Tam Đảo được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Theo bà Phượng, trong thời gian tới, công ty tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường, tiến hành tiếp thị, quảng bá các sản phẩm chủ lực và định hướng phát triển thương hiệu các sản phẩm từ ba kích theo mô hình chuỗi liên kết giá trị.

Nói về lợi ích khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất của Công ty cổ phần chế biến nông sản Minh Phúc An, ông Nguyễn Văn Xô, thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo cho hay: “Khoảng 5 năm trở lại đây, việc tiêu thụ sản phẩm từ cây ba kích khá thuận lợi, thu hoạch đến đâu có người của công ty đến tận nơi lấy. Khi thu mua tại vườn, ba kích tươi có giá 80 - 150 nghìn/kg. Trừ chi phí, mỗi sào cho thu nhập khoảng 150 - 180 triệu đồng/vụ (5 năm). Với diện tích khoảng 2 ha, nhiều năm nay, cây ba kích đã trở thành cây chủ lực, không chỉ giúp thoát nghèo mà còn giúp gia đình có của ăn của để”.

Bà Âu Thị Kim Phượng, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản Minh Phúc An tại buổi kiểm tra nguyên liệu ba kích tím. Ảnh: Nam Khánh.

Bà Âu Thị Kim Phượng, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản Minh Phúc An tại buổi kiểm tra nguyên liệu ba kích tím. Ảnh: Nam Khánh.

Tạo đà phát triển cây dược liệu

Xác định dược liệu (ba kích, trà hoa vàng) là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa vào triển khai hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các cây trồng chủ lực nói chung và cây dược liệu nói riêng.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND  năm 2019 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2021 đến nay, Sở NN-PTNT đã nghiệm thu và hỗ trợ kinh phí cho 11 kế hoạch liên kết, trong đó có 1 kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng.

Đối với thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, năm 2023, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương lựa chọn để triển khai thực hiện 4 mô hình sản xuất cây dược liệu hữu cơ với quy mô 1ha/mô hình, gồm: 2 mô hình sản xuất trà hoa vàng hữu cơ tại xã Tam Quan, huyện Tam Đảo; 2 mô hình sản xuất ba kích hữu cơ tại xã Thái Hòa và xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch.

Có thể nói, cùng với sự năng động của các hộ dân, những cơ chế chính sách của tỉnh là động lực quan trọng giúp hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung theo hướng hữu cơ, có liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp cho nhiều địa phương.

Sản phẩm rượu Ba kích Tam Đảo của Công ty cổ phần chế biến nông sản Minh Phúc An được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: Nam Khánh.

Sản phẩm rượu Ba kích Tam Đảo của Công ty cổ phần chế biến nông sản Minh Phúc An được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: Nam Khánh.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh trồng cây dược liệu, tập trung tại các huyện Tam Đảo, Lập Thạch và thành phố Phúc Yên, xen kẽ là các mô hình vườn ươm cây giống tại một số hộ dân, vườn thuốc nam tại các trạm y tế ở các địa phương.

Nhằm bảo tồn và khai thác, phát triển nguồn gen các giống cây trồng, bản địa, nhất là các loài quý hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về phát triển nguồn lược liệu.