Quả “chua chát” xưa không ai ngó nay thành đặc sản 100.000 đồng/kg

Quả “chua chát” xưa không ai ngó nay thành đặc sản 100.000 đồng/kg

18:14 - 03/05/2024

Có vị chát, lại có cả vị chua vậy mà cả ngàn người vẫn đổ xô tìm mua thứ quả rừng Tây Bắc này về thưởng thức cho thỏa cơn thèm.

Giá tiêu bước vào chu kỳ tăng, giá tiêu ở Đắk Nông, Đắk Lắk 'nóng' lên từng ngày
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil

Tầm tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, khi nắng thu trải vàng trên những thửa ruộng bậc thang bát ngát cũng là thời điểm những cô gái Thái lên rừng tìm quả mắc sim.

 

Mắc sim là tên tiếng Thái để chỉ một loại quả rừng màu xanh giống quả mướp đắng, dài khoảng 5 – 7cm, vỏ xù xì và hơi ráp. Với nhiều người, thứ quả này vô cùng lạ lẫm, nhưng với người dân ở Tây Bắc, quả mắc sim dân dã, vô cùng quen thuộc. Chúng mọc hoang trong rừng hoặc được người dân vùng cao trồng làm hàng rào, trồng làm cảnh.

 
Quả “chua chát” xưa không ai ngó nay thành đặc sản 100.000 đồng/kg- Ảnh 1.

Quả mắc sim chứa rất nhiều nhựa. Khi cắt, những dòng nhựa trắng trong như sữa tuôn ra, đề lộ phần thịt quả có vị chua và chát khé cổ.

Chua chát là vậy nhưng quả mắc sim lại được người dân Sơn La rất ưa chuộng. Họ thường kết hợp nó với một số loại hoa quả khác như: Củ đậu, táo mèo, me chua, tạo nên món ăn vặt cực ngon trong những cuộc tụ tập, hàn huyên.

Chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống, chị Oanh (ở Na Pản, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, Sơn La) cho biết cách ăn của quả mắc sim cũng giống với quả nhót xanh. Mắc sim hái về được rửa sạch, ngắt cuống cho chảy hết nhựa, sau đó thái lát mỏng. Người ta cũng ăn mắc sim với rau sống và chấm chẩm chéo như ăn trái nhót xanh.

Với những quả già hơn, người ta sẽ rửa sạch, nạo lấy lớp vỏ bên ngoài sau đó trộn với tỏi, ớt, muối, bột ngọt, rau mùi đã giã nhuyễn hoặc xắt nhỏ, sau đó đổ thêm ít nước ấm. Người dân vùng cao cũng hay dùng cách chế biến này đối với xoài hoặc mơ. Món này cũng có thể ăn kèm thêm với rau thơm hoặc cơm.

Quả “chua chát” xưa không ai ngó nay thành đặc sản 100.000 đồng/kg- Ảnh 2.

"Quả này chua lắm, chua khé cổ hơn cả khế chua nhưng nếu biết cách kết hợp thì nó lại ngon và lạ miệng, có mùi vị riêng, khá hấp dẫn", chị Oanh chia sẻ.

Quả “chua chát” xưa không ai ngó nay thành đặc sản 100.000 đồng/kg- Ảnh 3.

Cũng là người dân ở Sơn La, chị Hoàng Lan cho biết chỉ có một số vùng ở Sơn La có mắc sim chứ không phải có rộng rãi. Mấy năm nay mỗi khi đến mùa, chị Lan chở xe đạp bán rong mắc sim và các loại hoa quả khác ở các tòa nhà văn phòng.

Chị Lò Thị Quyên (xã Hua La, Tp. Sơn La) cũng cho hay: “Mắc sim rất chát nhưng khi ăn cùng củ đậu và chẳm chéo thì lại ngon tuyệt. Mùa này, mỗi ngày tôi bán được khoảng 30-50kg mắc sim và củ đậu. Đắt hàng nhất vào tầm buổi trưa khi các chị em công sở tan làm, họ mua rất nhiều.”

Việc tìm và hái mắc sim khá là vất vả mà số lượng quả cũng không có nhiều nên giá bán loại quả này khá đắt. Mỗi chùm 5 quả mắc sim được bán với giá 10.000-15.000 đồng, tương đương gần 100.000 đồng/kg.

Chị Quyên nói thêm, ngoài bán quả, chị còn giúp khách gọt vỏ và cắt sẵn nếu có nhu cầu. Khách sẽ được tặng kèm chẩm chéo để ăn kèm nên họ rất thích.

Quả “chua chát” xưa không ai ngó nay thành đặc sản 100.000 đồng/kg- Ảnh 4.

Ngoài việc được bày bán ở các khu chợ truyền thống, quả mắc sim còn được rao bán rôm rả trên mạng xã hội, thu hút rất nhiều lượt mua và quan tâm. Đa phần đều được bán dưới dạng combo để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng muốn thưởng thức món ăn vặt, chua ứa miếng đến từ rừng núi này.

Chị Quyên nói thêm, trước đây thứ quả dại này có đầy trong các cánh rừng nhưng chỉ có người dân vùng cao hái về ăn. Những năm gần đây, chúng được biết tới nhiều hơn, nhưng quả này khá hiếm, rất ít nhà trồng, giá cả vì thế cũng tăng cao.