Quảng Ninh tìm giải pháp đưa nước sạch về từng hộ dân nông thôn

Quảng Ninh tìm giải pháp đưa nước sạch về từng hộ dân nông thôn

23:36 - 06/04/2024

Nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Do đó, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nhiều nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tại khu vực này.

Thả rong để nuôi tép, làm chơi, ăn thật
Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất
Loại củ đang vào mùa ở Việt Nam, giá rẻ, nhiều người thích nhưng cực độc nếu ăn sai cách
Đạt 9,2 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu thủy sản 2024 tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Lý do bất ngờ khiến giá cà phê 'bùng nổ', Đắk Nông một mình đưa giá cà phê lên mốc cao mới

Hiệu quả từ mô hình tự quản công trình nước sạch nông thôn

 

Trước đây, người dân ở những thôn bản vùng sâu như Khe Lặc, xã Hà Lâu; Khe San, xã Phong Dụ phải đi rất xa để gánh nước hoặc bắt ống nước chưa được qua xử lý từ các con suối để về sinh hoạt. Dù đã có một số chương trình, dự án nước tự chảy, nước hợp vệ sinh trước đây nhưng hầu như không hiệu quả. Vậy nhưng hiện nay, nước sạch đã về đến từng hộ gia đình, khiến ai nấy cũng phấn khởi.

Sự thay đổi này có được từ khi huyện Tiên Yên đầu tư những công trình nước sinh hoạt tự chảy tại các địa bàn vùng cao với đầy đủ các hạng mục đảm bảo xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật về nước sinh hoạt. Những công trình này được chính người dân trong thôn trực tiếp quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ thông qua một Ban quản lý gồm trưởng thôn, đại diện các đoàn thể, hộ dân và được duy trì hoạt động theo Quy chế được UBND xã ban hành và thông qua.

Quảng Ninh tìm giải pháp đưa nước sạch về từng hộ dân nông thôn- Ảnh 1.

Đồng bào Sán Chỉ tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh sử dụng nước sạch. Ảnh: Trần Hoàn

Chị Nình Móc Chì (thôn Khe Lặc, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) cho biết, trước đây gia đình chị phải dẫn nước chưa được qua xử lý từ các con suối trên đầu nguồn để sinh hoạt. Chất lượng nước không bảo đảm, nhất là nước bị đục vào những ngày mưa. Nhưng từ khi có công trình nước sinh hoạt tập trung các thôn Khe Lặc, Đoàn Kết, Kéo Cai, xã Đại Dực, nước sinh hoạt về đến tận nhà, lại đảm bảo, sạch sẽ hơn hẳn.

Giống như người dân ở Đại Dực, bà con ở xã Phong Dụ giờ đây cũng được thụ hưởng nước sạch về đến tận nhà nhờ công trình đập dâng nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cấp nước sinh hoạt tại xã Phong Dụ. Công trình này có tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, do UBND huyện Tiên Yên làm chủ đầu tư.

Ông Hoàng Văn Lường, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Văn Mây (xã Phong Dụ) chia sẻ, trước đây, người dân trong thôn phải dẫn nước từ các khe suối trên đồi cao về nhà. Chi phí để thay ống dẫn nước hằng năm rất tốn kém, nguồn nước lại không đảm bảo vệ sinh. Vào mùa khô, khe suối cạn, người dân phải đi rất xa để gánh nước về sinh hoạt. Bây giờ, khi có nguồn nước sạch của nhà nước đầu tư, người rất phấn khởi.

Quảng Ninh tìm giải pháp đưa nước sạch về từng hộ dân nông thôn- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường và lãnh đạo huyện Tiên Yên đi khảo sát một số mô hình nước sạch nông thôn tại xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên. Ảnh: Trần Hoàn

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Nguyễn Chí Dũng: Hiện xã đã thành lập tổ tự quản để vận hành công trình nước sạch. Đồng thời xây dựng quy chế quản lý, thông qua mức đóng góp đảm bảo công tác vận hành 3.000 đồng/m3 để có nguồn kinh phí bảo dưỡng định kỳ và sửa chữa những hư hỏng nhỏ trong quá trình sử dụng, đảm bảo hiệu quả sau đầu tư của công trình.

Huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) có phần lớn diện tích là đồi núi, nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán. Do vậy, việc đưa nước sạch đến với người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi không dễ thực hiện.

Từ thực tiễn, bằng các giải pháp cụ thể, sáng tạo, huyện Tiên Yên đã tận dụng các nguồn nước tự nhiên, xây dựng hệ thống đập dâng, bể chứa, áp dụng công nghệ, đầu tư các mudule xử lý nước sạch, cải tạo các công trình nước tự chảy, giảm chi phí đầu tư. Từ đó, đưa nước sạch nông thôn tới từng hộ dân vùng cao, vùng khó khăn theo hướng sinh thủy tại chỗ, giữ nước, bảo vệ nguồn nước tại chỗ và quản lý vận hành, phân phối nước tại chỗ.

Nâng cao tỷ lệ dùng nước sạch nông thôn

Thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nhiều nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tại khu vực này. Đặc biệt, Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn sớm hoàn thành xây dựng Đề án "Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025".

Quảng Ninh tìm giải pháp đưa nước sạch về từng hộ dân nông thôn- Ảnh 3.

Các đại biểu đi thực tế một số mô hình nước sạch trên địa bàn xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trần Hoàn

Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 278 công trình, hệ thống công trình phục vụ cấp nước khu vực nông thôn, trong đó có 271 công trình độc lập, 7 hệ thống công trình được đấu nối từ những công trình hiện có. Về mô hình quản lý, trên địa bàn tỉnh đang quản lý các công trình cấp nước tập trung theo 4 mô hình chính: Cơ quan nhà nước (UBND cấp xã); đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp nhà nước; tư nhân quản lý.

Tuy nhiên, tại các công trình cấp nước có quy mô lớn, lao động làm việc tại các trạm cấp nước cơ bản là lao động phổ thông, trong khi việc quản lý, khai thác đòi hỏi yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ cao. Đồng thời, mức giá bán nước khu vực nông thôn còn thấp, chi phí quản lý vận hành lớn nên nguồn kinh phí để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, cải tạo nâng cấp còn hạn chế.

Còn đối với các công trình cấp nước quy mô nhỏ, hầu hết các công trình này không thu phí sử dụng nước; nguồn kinh phí phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách địa phương. Bởi vậy, việc duy tu, bảo dưỡng công trình còn gặp nhiều khó khăn; nhiều công trình bị hư hỏng nhỏ không được xử lý, khắc phục kịp thời dẫn đến hư hỏng lớn khó xử lý, lâu dần dẫn đến công trình không hoạt động được.

Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù, nên địa bàn quản lý cấp nước khu vực nông thôn thường rộng, phân tán, người dân còn thói quen dùng nước sông, suối, giếng khoan, giếng đào... Bởi vậy, tỷ lệ đấu nối sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung tại một số địa phương còn thấp.

Quảng Ninh tìm giải pháp đưa nước sạch về từng hộ dân nông thôn- Ảnh 4.

Hội thảo mô hình quản lý nước sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh diễn ra vào ngày 15/3 vừa qua. Ảnh: Thanh Tuyền

Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn, cần tìm được mô hình quản lý, vận hành, khai thác các công trình nước sạch nông thôn phù hợp, người dân được thụ hưởng với giá rẻ nhất.

Đối với khu vực có khả năng đấu nối cao, dân cư đông, sử dụng nhiều, khả năng chi trả tốt, công trình cấp nước tập trung nên do các đơn vị doanh nghiệp quản lý. Còn đối với khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ sử dụng thấp, dân cư thưa, khả năng chi trả thấp, qua kinh nghiệm các tổ tự quản quản công trình nước sinh hoạt như Tiên Yên là hiệu quả.

Trong thời gian tới, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ rừng đầu nguồn; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn tại các khu vực rừng đầu nguồn, các công trình thủy lợi để duy trì nguồn sinh thủy.

Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiên cứu, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, đảm bảo phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, tiến tới xây dựng giá sản phẩm nước sạch nông thôn phù hợp với thực tế.

Sở NNPTNT sẽ cùng với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện công tác bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước, đảm bảo hoạt động bền vững của các mô hình quản lý công trình nước sạch nông thôn.