Quỹ Hỗ trợ nông dân Ninh Thuận tiếp vốn cho các dự án giúp tạo việc làm, liên kết sản xuất, tăng thu nhập
08:38 - 13/05/2025
Ngày 8/5, ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân (Quỹ HTND), hàng nghìn nông dân trên địa bàn tỉnh có việc làm, thu nhập tốt hơn. Thêm vào đó, các dự án sử dụng vốn Quỹ HTND đã tạo liên kết sản xuất thông qua các tổ hội, chi hội nông dân nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân...
Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 5] An toàn là "chìa khóa"
Australia hoàn tất khâu cuối, mở cửa chính ngạch cho bưởi tươi Việt Nam
Nghệ An còn 53 ổ dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày
Miền Tây hương vị, một loại quả dại xưa tha la mặt nước, tiện tay vặt ăn vui mồm, hay hóa thành đặc sản lạ miệng
Trang bị kiến thức làm nông cho nông dân vay vốn sản xuất
Cũng theo ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, với mục đích hỗ trợ nông dân, thời gian qua, Hội các cấp đã xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng thiết thực, hiệu quả. Qua đó, giúp hội viên nông dân nâng cao tay nghề, phát triển sản xuất kinh tế, thu nhập ổn định…

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Hội các cấp là tiếp tục đẩy mạnh thành lập mới các chi hội nghề nghiệp, các Câu lạc bộ “Khoa học kỹ thuật nhà nông”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”…
Song song đó, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với các sở ngành liên quan, tổ chức nhiều hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, các khóa tập huấn về dịch vụ nông nghiệp, tập huấn nghề, tạo vốn, liên kết chuỗi giá trị cho hội viên nông dân. Việc này giúp cho hội viên nắm vững kiến thức, chuyên môn để yên tâm sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Theo ông Lê Thanh Hùng, những công việc trên rất quan trọng, rất cần thiết để cho hội viên nắm vững, trước khi sử dụng nguồn tiền vay từ Quỹ HTND. Khi bà con nắm vững kiến thức rồi, sẽ sử dụng nguồn vốn được hiệu quả hơn theo chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kinh tế và nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều có chung nhận xét, nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, nhiều bà con nông đã có công ăn việc làm ổn định. Ai cũng thấy rõ cách làm ăn, kế hoạch vươn lên thoát nghèo…

Một trong những hộ vay vốn trên là gia đình ông Thập Văn Quá, hội viên, nông dân người Chăm ở xã Phước Nam huyện Thuận Nam.
Chiều 8/5, trao đổi với Dân Việt, ông Thập Văn Quá (57 tuổi) cho biết, năm 2023, thông qua Hội Nông dân xã Phước Nam, gia đình ông được Hội Nông dân huyện Thuận Nam xét duyệt cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND để chăn nuôi bò.
Đến nay, đàn bò đã sinh sản của gia đình ông đã lên đến 7 con và có “triệu chứng” sẽ tiếp tục sinh sản. Sắp tới gia đình ông sẽ bán bớt 4 con, lấy tiền trả lại vốn vay ban đầu, số dư sẽ cho con cháu ăn học.
Điều mà gia đình ông Quá thấy có lợi nhất là có phân bò tại chuồng nhà, bón cho 3 sào lúa (3.000 mét vuông). Nhờ phân bò này, mấy mùa qua, lúa thu hoạch gia đình ông tốt hơn trước rất nhiều.
“Trước đây, chưa có nguồn phân này, gia đình tôi phải tốn thêm tiền mua phân. Nay không tốn tiền, mà có nguồn phân chất lượng bón cho ruộng lúa nên gia đình tôi thấy vui lắm, giờ lo làm để thoát nghèo thôi…”, ông Quá vui giọng.

Theo ông Trần Quốc Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Nam, từ năm 2014 đến nay, Quỹ HTND huyện Thuận Nam đã giải ngân khoảng 60 dự án, với số tiền khoảng 13 tỷ đồng. Trong đó, có 47 dự án chăn nuôi bò, dê sinh sản, vỗ bèo, 3 dự án cây ăn trái, 1 dự án thủy sản và 1 dự án tưới nước tiết kiệm.
Mới đây nhất là vào cuối tháng 3/2025 vừa qua, Hội Nông dân huyện Thuận Nam đã tổ chức giải ngân 300 triệu đồng từ Quỹ HTND cho 6 bà con hội viên nông dân xã Nhị Hà vay để trồng táo theo mô hình “Chăm sóc vườn táo kết hợp bao lưới chắn côn trùng”.
Theo Trần Quốc Hoàn, đa số hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có được nguồn vốn, nhiều trường hợp đã phát triển sản xuất để vươn lên khá giả. Ngoài ra, thông qua hoạt động Quỹ HTND các tổ, nhóm nông dân cùng dự án đã liên kết, hợp tác giúp nhau phát triển sản xuất. Qua đó giúp nông dân chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất để nâng cao thu nhập...", ông Hoàn cho hay.
Hỗ trợ hội viên vay vốn trồng hành tím
Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, một trong những dự án bà con vay vốn làm ăn hiệu quả là dự án “Trồng Hành tím” tại xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải.
Dự án này được giải ngân ngày 20/5/2024 với số tiền 400 triệu đồng cho 8 hộ vay vốn (mỗi hộ 50 triệu đồng). Khoảng 3 tháng sau, các đơn vị liên quan của dự án đến kiểm và thấy bà con làm ăn rất hiệu quả.

Thời điểm kiểm tra, các hộ nông dân đang thu hoạch với năng suất bình quân 1.500 kg/sào, giá hành bán ra giao động từ 18.000đ – 20.000đ/kg và tiếp tục khẩn trương chuẩn bị cho trồng vụ mới. Với giá bán này, bà con yên tâm sản xuất…
Theo HND tỉnh Ninh Thuận, dự án “Trồng Hành tím” được giải quyết kịp thời, giúp nông dân mở rộng sản xuất, khoan giếng để có nước tưới trong mùa nắng hạn. Qua đó tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hội viên nông dân, tăng thu nhập.
Đồng thời Tổ hội nghề nghiệp “Trồng Hành tím” sinh hoạt định kỳ hàng tháng nhằm trao đổi kinh nghiệm và giúp nhau trong sản xuất. Các hộ bước đầu rất phấn khởi, mong rằng HND tỉnh tiếp tục quan tâm cho bà con nông dân xã Thanh Hải được vay thêm nguồn vốn Quỹ HTND.
Cũng theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua từ nguồn Quỹ HTND được bà con sử dụng nguồn vốn tốt, giúp bà con tăng thu nhập.
Cụ thể là những dự án, mô hình chăn nuôi bò sinh sản xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn) số tiền 215,9 triệu đồng/9 hộ; Mô hình dự án Măng tây xanh xã An Hải (huyện Ninh Phước) số tiền 950 triệu đồng/21 hộ; Mô hình nuôi heo đen xã Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc) số tiền 363,9 triệu đồng/14 hộ; Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo xã Phước Nam số tiền 300 triệu đồng/10 hộ; Mô hình chế biến nước mắm xã Phước Diêm số tiền 250 triệu/5 hộ; Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo xã Phước Hữu số tiền 400 triệu đồng/10 hộ; Mô hình trồng và chăm sóc cây nho xã Vĩnh Hải(huyện Ninh Hải) số tiền 400 triệu đồng/4 hộ…
Ngoài việc hỗ trợ vốn vay Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận còn tích cực, phối hợp triển khai các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại để tìm đầu ra, tiêu thụ nông sản cho nông dân…
Bên cạnh đó là tích cực hướng dẫn hội viên, nông dân tiếp cận phương thức thương mại, tham gia các sàn giao dịch thương mại nông sản như giới thiệu các mặt hàng nông sản của mình trên các trang mạng xã hội, tham gia các sàn giao dịch điện tử…

Đồng hành cùng hội viên nông dân
Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, tính đến nay, đã có hơn 1.200 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử như nho Ba Mọi, Nông trại Hoàng Yến, Chang Chang Farm, hộ kinh doanh Trung Tuấn…
Trong thời gian qua, có gần 700 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên được nâng cao trình độ, kỹ năng về sản xuất nông nghiệp, quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu…
Tiêu biểu có hội viên Nguyễn Thị Châu, Giám đốc HTX hành tím Nhơn Hải đã thành công với mô hình “chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hành tím hữu cơ”. Mô hình này nằm tại thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) với diện tích thực hiện 3.000 m2.
Mô hình được các cấp giới thiệu và được mời tham gia hội nghị “Kết nối giao thương xuất khẩu hàng hoá khu vực Nam Trung bộ”. Hội nghị này có nhiều doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự diễn ra vào năm 2024. Tại đây, các đối tác đã ký kết tiêu thụ sản phẩm hành tím hữu cơ của doanh nghiệp ngay tại hội nghị.
Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, trên địa bàn hiện có khoảng 52.000 hội viên nông dân. Năm 2024 các cấp HND đã tạo điều kiện hỗ trợ cho 462 hộ vay vốn ưu đãi từ Quỹ HTND với tổng số tiền trên 16,7 tỷ đồng để triển khai 58 dự án trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản và các ngành nghề khác.

Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, HND tỉnh Ninh Thuận đã tạo điều kiện hỗ trợ gần 100 hộ dân vay vốn ưu đãi từ Quỹ HTND với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng, triển khai 17 dự án trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản và các ngành nghề khác.
Đồng thời, các cấp Hội phối hợp với các ngân hàng tín chấp giúp cho 34.281 thành viên vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ đến nay hơn 2.019 tỷ đồng.
Nhờ đó, các địa phương xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ những mô hình liên kết trên, bà con nông dân ngày càng đùm bọc thương yêu nhau hơn. Cùng đoàn kết giúp nhau thoát nghèo bền vững..
Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, thời gian tới tiếp tục phát động phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thực hiện vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh và Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước năm 2025”, tính đến ngày 19/3/2025, các cấp Hội chuyển về tỉnh Hội số tiền 84. 103.000 đồng; phối hợp khảo sát, nhận đỡ đầu giúp 62 hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo trong năm 2025.